Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2009

Bài tập làm văn.

Lời phi lộ:
Con bé từ lớp 10 đã xa nhà. Lên Saigon học.
Mỗi năm chỉ về nhà một hai tuần hoặc ít hơn.
Và rồi đến một lúc con bé hầu như suốt năm
ở đâu chân trời góc biển nào,
cách xa nhà có khi hàng mấy chục ngàn cây số.
Kể từ đó khó mà biết được điều gì
đang xảy ra trong tâm hồn con mình.
Đôi khi ngạc nhiên, đôi khi bực bội
vì nếp suy nghĩ của con khác xa mình quá!
Đôi khi tự nhủ ừ thì con bé đã lớn khôn,
nó có cuộc sống tự lập của nó, có suy nghĩ độc lập của nó!
Mấy hôm trước viết hồi ức về cái nhà của ngoại,
sau đó lục lọi sắp xếp lại đống giấy má,
tập vở cũ của con bé,
bỗng lọt ra một bài tập làm văn của nó.
Những bài tập làm văn này mình chưa từng được đọc.
Bồi hồi ngồi đọc xem con mình nó đã suy nghĩ cái gì ….


Lớp 10 Tin - Trường Phổ Thông năng khiếu Thành phố Hồ Chí Minh.
Vương Tuyết Tiên.

Thứ ba, ngày 15 tháng 5 năm 1996.
Kiểm tra môn tập làm văn

Điểm: 8 (Nhận xét của thầy: Có cảm nghĩ độc đáo)


Đề bài: Kể lại một kỉ niệm của em.

Quê hương tôi gói gọn trong mảnh vườn nhiều cây lá với mái nhà thân yêu gắn bó suốt chuỗi ngày thơ ấu êm đềm. Tôi hầu như không có tình cảm đối với những người bà con họ hàng, những làng quê cũ của ba má. Một nơi chốn tuy chẳng xa xôi là mấy nhưng đôi ba năm mới đến một lần không đủ tạo nên một niềm thương nhớ.
Ba má và tôi về đến Giồng Luông thì trời đã về chiều. Lâu lắm rồi mới đến, thế mà vừa gặp lại quê ngoại, tôi đã thấy những cảnh vật quen thuộc như trong tiềm thức vừa bước ra: mảnh đất ấy sau bao nhiêu năm vẫn như thế, không có gì thay đổi, vả chăng là tiêu điều, hoang tàn hơn trước mà thôi.
Con đường cát giồng hiu hắt bụi vàng dưới ánh mặt trời sắp tắt. Những con ngựa ô gầy gò kéo mấy cổ xe cũ kĩ đưa từng đoàn người xuôi ngược. Khuôn mặt khắc khổ của người đánh xe lướt qua, nám bụi thời gian từ mười mấy năm xưa cũ. Tiếng vó ngựa chìm đâu trong cát lún, giận dữ làm tung những đám bụi mù cũng không phá vỡ nổi cái lặng lẽ, cô liêu của buổi chiều quê.
Đường từ nhà ngoại lên rọc đi qua một rặng tre dài rậm rạp. Lá tre đưa xào xạc, thân tre nghiến vào nhau răng rắc. Tre dày lắm, tre che âm u. Phía bên kia là vườn cây. Bây giờ đương mùa nắng, những đám cỏ dại um tùm úa vàng, xơ xác. Những cây vú sữa chết khô từ đời nào chọc lên trời cành nhánh khẳng khiu, đen sì. Bước chân trên cát lún không để lại một âm thanh nào. Tôi bất chợt rùng mình nhớ ra khi còn bé, di ngang qua chỗ này tôi luôn ù té chạy.
Kia kìa trong vườn cây trống trải, những ngôi mộ sơn trắng lạnh lẽo nhìn tôi trừng trừng, những ngôi mộ đất mùa khô nứt nẻ như có thể đến gần để nhìn xuyên tận đến đáy địa ngục. Gió lạnh lùa trên mặt đất cố tình len vào những bước chân luống cuống. Ba nhìn tôi phá lên cười. Má chỉ nhẹ nhàng nắm tay tôi. Đặt tay mình trong bàn tay gầy nhỏ nhắn của má tôi thấy an tâm lắm.
Hết lũy tre là mảnh rọc. Trống trải, im lìm. Bầu trời cao và rộng thay thế cho hàng tre rậm. Cái lạnh lẽo âm u được thay bằng nỗi buồn của mênh mông. Cũng chỉ là khung cảnh thê lương, hiu quạnh. Chúng tôi ngồi xuống bờ đê phủ cỏ xanh. Không có kỉ niệm gì để nhớ nhưng cảm giác bồi hồi, xao xuyến trong tôi vẫn dâng lên, không ngăn nỗi. Vì cái cảnh vật trước mắt kia dễ làm người ta mềm lòng? Hay là vì bài hát mà ba tôi đang cất lên trầm trầm, nho nhỏ, tựa hồ như chỉ một mình nghe: “Trong chiều dần im hơi, người ngồi thương nhớ bao ngày vui, một ngày xưa cũ…”? Đã bao lần, tôi đã thờ ơ nghe bài hát này? Tôi sống chưa đũ lâu để có thể thương nhớ về một ngày xưa cũ, để tiếc nối quảng đường đời đã qua. Thế mà giờ đây tôi bất chợt rùng mình, bất chợt người run lên gai gai, bất chợt ý thức về thời gian, về quá khứ xa xăm, về hiện tại dang bị cuốn đi, về sự tàn lụi, chết chóc, bởi bao nhiêu yếu tố ngoại cảnh đang tác động vào mình. Ba vẫn hát. Mặt trời đỏ ối hấp hối. Tôi đọc được trong đôi mắt long lanh xúc động của má sự đồng cảm.
Không! Tôi đã lầm. Ba ngừng hát. Buổi chiều này mang đến cho ba má tôi niềm vui của những giây phút hồi tưởng về quá khứ chứ không ảm đạm như những cảm giác của tôi. Như quên hẳn sự có mặt của tôi, ba má bắt đầu nói với nhau về “ngày xưa”. Về những buổi chiều như thế này, ba má ngồi với nhau trên rọc nình chiều rơi. Tôi chắc rằng ba má tôi đã cầu mong cho không gian yên ắng hơn thế này nữa để nghe tiếng đập tim mình, lạnh lẽo hơn thế này nữa để thấy ấm áp tình yêu thương. Còn nhiều nữa: về ngôi trường xưa nơi ba má từng công tác, về những đồng nghiệp cũ mà nay không còn gặp lại, về những dứa học trò quê chân đất, kính sợ thầy cô, về con đường rất dài mà ba tôi đi bộ đến thăm má vào những chiều Thứ bảy ở nhà ngoại, về bà cố ngoại tôi với món bánh trái, thức ăn rất ngon dành cho con cháu với lòng yêu thương hết mực mà nay bà đã về với đất, trong mảnh vườn kia….
Những người xưa cũ ấy, trong giọng nói sôi nổi của ba, nhớ nhung của má, thực sự không bao giờ chết đi. Nó đang tái sinh trong tiếng tí tách trở mình của đất, tiếng rì rào của gió thổi qua lũy tre, trong lòng tôi đang tràn ngập niềm hạnh phúc khó tả.
Đêm xuống. Về nhà ngoại, ngang qua vườn cây, tôi nghe tiếng rì rầm.
Sáng. Ba má dắt tôi về nhà. Chuyến đi ngắn ngủi thế thôi. Ai cũng bận công việc.
Nói về quê ngoại, tôi có thể kể về những mái tranh xơ xác, những con ngựa gầy gò, những mảnh rọc nắng cháy, những khuôn mặt dãi dầu khắc khổ, những lề thói cổ hủ, những trò mê tín dị đoan, bầu không khí buồn tẻ, lặng ngắt. Miền quê trói chặt, bức bối trong cái đói nghèo, lạc hậu ấy đôi lúc làm tôi bực bội mà so sánh nó với nhân vật Nhuận Thổ trong tác phẩm của Lỗ Tấn: một đứa bé mạnh khỏe, thông minh nhưng lớn lên trong cùng quẫn nên trở thành kẻ đần độn, bần tiện, sùng bái tượng gỗ. Sau chuyến đi ấy, tôi có kể rằng quê hương tôi có những tấm lòng nhân hậu, có mãnh đất thấm đượm giọt mồ hôi, có ba má tôi và có một tình yêu.
Nhưng làm sao có thể kể được rằng tôi đã được sống nhiều hơn cuộc đời mà mình đã sống – đó là cuộc đời của ba má tôi trong những lời kể, rằng cái mặt trời hấp hối chiều hôm ấy chưa bao giờ rơi trong tâm trí tôi, rằng tôi yêu cả những nấm mộ trong vườn cây quê ngoại.
Điều quan trọng nhất là từ hôm ấy, quê hương trong tôi lớn rộng thêm ra, tôi có thêm nhiều niềm thương nhớ.

Cái lời nhạc mà ông xã tôi hát đó
là của Phạm Duy viết cho bản Valse của Brahm
và dĩ nhiên là ông xã hát cho tôi.
Không biết con bé – bây giờ đã vào tuổi 30
- có suy nghĩ khác không.
Nhưng điều đó có còn quan trọng không
- khi điều đó nữa
- cũng đã vuột khỏi tầm tay tôi lâu rồi!?

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2009

Nhớ nhà

Lá thu một chiếc bay trong gió
Khêu gợi bao nhiêu nỗi nhớ nhà

( Nguyễn Khuyến)




Không biết tự bao giờ khi trời se lạnh tôi lại nhớ đến ngôi nhà của ngoại tôi. Mặc dù nơi đây không phải là nơi chôn nhau cắt rún của tôi, mà chỉ là nơi mỗi dịp nghỉ hè hoặc tết tôi mới được về chơi. Hồi còn nhỏ, mỗi lần được "về quê", chị em tôi thích lắm. Má tôi hay kiêng cữ, không cho nói hai tiếng "về quê" vì cho rằng về quê có nghĩa là chết! Má dạy mấy đứa con nói: "về xứ". Lúc nhỏ, tôi chưa hiểu hết ý nghĩa của ngôn từ nên má dạy sao thì nói vậy. (Sau này, khi lớn, tôi có đọc một quyển truyện dịch của một dịch giả nào đó tôi quên rồi: Quê xứ con người (dịch tác phẩm Terre des hommes của St. Exupery), tôi biết "quê" còn gọi là "xứ").



Nhà ngoại ngày xưa nền đất nện đi mát chân, vách ván bổ kho (trong nhà nhìn thấy cả ngoài sân), mái ngói âm dương, nằm dưới rặng tre mạnh tông dày bịt. Quanh năm trong nhà mát mẻ, mùa nắng cũng như mùa mưa. Có nhiều điều khiến cho tôi nhớ mãi về ngôi nhà của ngoại.


Nhà ngoại có rất nhiều bộ ván gõ mun, mà ở đây người ta quen gọi là "bộ ngựa". Trừ gian nhà thờ, chỉ có những tủ thờ cẩn ốc, đồ thờ sơn son đỏ chói, đèn thờ đỏ đỏ, âm âm u u. Bộ trường kỉ ở giữa gian thờ, ít khi dùng đến. Gian thờ chỉ mở cửa vào những dịp giỗ, tết. Bởi vậy tụi trẻ con như tôi thời đó ít dám béng mảng lên đó. Các gian khác, gian nào cũng có một, hai bộ ngựa. Tôi nghe bà ngoại nói, lúc hai cậu của tôi cưới vợ, ông bà ngoại cho mỗi cậu một bộ ngựa để ra riêng. Vậy mà trong nhà vẫn còn tới năm bộ nữa. Nhà trên, hai bộ. Nhà ngang, hai bộ (trong đó, có một bộ làm chỗ ăn cơm. Ở quê, người ta ăn cơm ngồi trên ván, quanh mâm cơm, chứ không có bàn ghế như ở thành). Nhà bếp có bộ ngựa bốn tấm, là bộ ván lớn nhất trong nhà. Nơi này làm chỗ ngồi gọt khoai, củ, lặt rau, chuẩn bị thức ăn để xào nấu, cũng là nơi sau khi nấu nướng xong, múc ra tô, ra dĩa, lên mâm, lên bát. Những khi giỗ chạp đây là nơi đông đúc, nhộn nhịp nhất trong nhà. Tiếng nói, tiếng cười vang vang kèm theo tiếng xèo xèo của mỡ trong chão, tiếng sục sục trong nồi cháo vịt bốc khói. Mùi hành, tỏi phi nức mũi. Mùi cà-ri nồng nặc. Mùi cháo vịt đậm đà. Đây cũng là nơi chốn hấp dẫn bọn trẻ lui tới để thuỗng một miếng thịt vịt, miếng bánh bò...trong khi các bà, các dì đang bận bịu lúi húi sắp dọn.



Quê ngoại ở đất giồng. Thói quen của người dân ở đây là người ta không mang guốc, dép ban ngày. Chỉ đến khi nắng chiều đã tắt, đã lên đèn, mọi người tắm rửa xong, xỏ chân vào dép, guốc là chuẩn bị lên giường. Lí do không mang dép guốc ban ngày rất hợp lí vì bước ra khỏi nhà là đụng cát bủn rồi! Sân trước, sân sau, cát bủn. Ra đường, xuống lộ, cát bủn. Lên giồng, lên gò... cũng cát bủn. Thứ cát giống như cát xây dựng nhưng hột nhuyễn nhừ, mịn. Chỉ cần một cơn gió thổi qua, bao nhiêu là cát bụi cuốn theo bay đi tứ phương. Trong nhà, mấy bộ ván gõ của ngoại lúc nào cũng nhám xàm vì cát theo gió bay vào nhà. Tôi còn nhớ mỗi lần tết bà ngoại thường gói bánh dừa, bánh tét. Thúng nếp vừa được mợ Tư gút thật sạch, để tựa trên hàng mái vú cho ráo nước. Chỉ chừng một lát sau nếp chưa kịp ráo nước, thì than ơi, cát đã phủ một lớp trên mặt thúng nếp rồi! Bởi vậy, những bữa cơm thường xuyên gặp phải cát bay vào, mọi người cũng quen đi, không ai thấy khó chịu cả.


Cũng vì đường quê cát bủn, nhất là mùa khô, cát càng vun cao, lún sâu, nên phương tiện đi lại với những người phải gánh vác nặng hoặc đi xa phải là mô-tô-hí (Trẻ em ở địa phương đặt tên cho chiếc xe ngựa ấy mà!). Hồi nhỏ, tôi cũng rất thích đi xe ngựa. Nhà ngoại tôi cũng có một cỗ xe ngựa để chuyên chở vải sồ, quần áo may sẵn vô chợ Giồng Luông. Bà ngoại tôi buôn bán từ thời con gái cho đến khi lập gia đình (Nghề này bà ngoại đã truyền lại cho cậu Tư và má của tôi). Năm 1963, nhà ngoại bị bom napal thiêu rụi: Bà cố, ông ngoại và bốn đứa em con của cậu tôi bị vùi trong lửa. Thằng Đực nhỏ, con của cậu Tư, đang đánh xe ngựa trong chợ Giồng Luông, chạy róc về nhà. Lao vào ngọn lửa hung hãn đang thiêu rụi căn nhà, thằng Đực nhỏ chỉ cứu được bộ ngựa trong gian bếp đang bị lửa sém. Còn sáu con người đành chết thảm trong hầm trú! ...


Nhà ngoại có cái nhà tắm độc đáo mà tôi nghĩ chưa nơi nào có. Cái nhà tắm nằm biệt lập ở một góc vườn. Chỉ đơn giản là cái chỗ để giải nhiệt buổi trưa hè nên nhà tắm được quây kín ba mặt bằng lá chằm đốp, mặt thứ tư là một tấm liếp cũng dừng bằng lá chằm dùng làm cửa. Nhà tắm không nóc nhưng chưa từng thấy mặt trời chiếu đến vì nó nằm dưới tán cây lê-ki-ma cổ thụ, gốc cây to một người ôm, quanh năm xanh tốt cho trái đều đặn mỗi năm hai mùa. Sau lưng nhà tắm là cái giếng nước, loại giếng đào, không xây thành xung quanh. Hồi nhỏ, thằng em trai tôi với tánh tình hiếu thắng, nghịch ngợm suýt bị chết đuối vì chạy một mạch từ trên bờ nhảy ùm xuống giếng vừa thích chí hét vang "Tắm biển! Tắm biển!" (Cho tới lúc đó, chị em tôi chưa biết biển, chỉ nghe kể và xem hình cậu Tư tôi lúc cậu đi lính, đóng quân ở Long Hải. Thỉnh thoảng được tắm biển, cậu có chụp hình ngồi trên một mõm đá.) Nếu không có cậu Tư đang ngồi vót tre ở gần đó nhảy xuống vớt lên thì thằng em tôi đã chìm xuống đáy giếng rồi vì tôi nghe ông ngoại nói giếng này sâu lắm. Nhà tắm chỉ sử dụng được vào buổi trưa, vì đến chiều thì ôi thôi...nước cũng lạnh, gió cũng lạnh, chỉ bước chân vào đến nhà tắm là thấy hơi lạnh tỏa ra rồi! Vậy mà cái nhà tắm này đã tồn tại ở đây đâu từ thời ông cố ông sơ! Cũng không nghe ông bà ngoại, cậu mợ Tư hay mấy em con cậu than lạnh lẽo gì! (Chỉ từ khi tôi có chồng, ông xã tôi là người đầu tiên nói với tôi cái nhà tắm của ngoại sao mát lạnh, buổi chiều không dám tắm!)


Nhà ngoại trồng rất nhiều đào lộn hột. Sau tết là mùa đào chín rộ. Ngoài vườn, mùi đào chín ngọt ngất ngây. Trái chín vàng treo lủng lẳng đầy cành, đầy nhánh. Trong nhà ngang, từng thúng đào chín để đầy trên mặt ván. Cậu Tư tự chế một cái lồng hái bằng lon sữa Guigoz cột ngất ngưỡng trên đầu cây tầm vông, những quả hái chín mọng này không bao giờ bị dập, được đặt cẩn thận trong thúng. Những trái chín đó sẽ góp mặt trong buổi chợ sớm mai. Còn những trái chín mùi quá hoặc bị rụng hoặc bị lỡ tay làm rơi trong lúc hái, đó là phần để ở nhà ăn. Bà ngoại luôn có những món ăn đặc sản chế biến từ loại trái này. Này nhé: canh chua đào nấu với tép bạc đất nêm rau ngò om, ngò gai và ớt chỉ thiên; đào chấm với nước cá kho thì thật tuyệt (nhắc đến là chảy nước miếng!); đào ăn kèm thịt heo quay bánh hỏi; đào dùng kèm với các món rau gừa, rau chốc, bông súng chấm mắm kho...Còn cậu Tư thì chế biến thành món rượu đào. Tụi nhỏ như tôi chỉ thích hột đào thôi. Cứ lượm được hột nào thì chạy vào bếp liệng vô cà ràng ông táo lúc nào cũng đỏ lửa, khi thì đang nấu ấm nước, khi thì nồi tấm heo, khi thì nồi khoai, nồi bắp...Hễ nghe nổ cái "bốp", tụi nhỏ tranh nhau lấy đũa bếp khều hột đào đã cháy khô, dầu hạt đào bốc khói thơm nghẹt mũi! Cạo lớp vỏ cháy khét bên ngoài, lộ ra cái nhân hột màu trắng thơm bùi, ăn bắt ngây. Cách làm này khá nguy hiểm vì vỏ cứng của hột đào có nhựa rất độc. Có lần đứa em con cậu Tư tranh giành giựt lấy cái hột còn đang nóng chảy nhựa mủ bốc khói. Nhựa mủ dính vào ngón tay, gây phỏng sâu, cả tháng sau vẫn chưa lành. Vì vậy cậu Tư cấm không cho tụi nhỏ nướng hột đào kiểu đó. Cậu Tư chế biến bằng cách rang trên chão gang cho đến khi vỏ ngoài cháy đen rồi mới tách hột. Thế là tụi nhỏ có được bữa tiệc hột đào thật thú vị! Có khi mợ Tư dùng hột đào để làm kẹo nữa, nhưng món này chỉ dành riêng cho ông ngoại uống trà với khách. Chỉ có tôi là đứa cháu gái cưng của ông ngoại mới được ông ưu ái đút giấu cho riêng không ai thấy!


Khi tôi sống lại với những kỉ niệm này thì những người được tôi nhắc đến đã ra người thiên cổ! Bà cố và ông ngoại mất một lúc trong trận bom napal năm 63 cùng ngôi nhà ba gian lợp ngói âm dương nền đất. Bà ngoại bệnh già, mất năm 83 - khi đứa con gái út tôi đang bị lên sởi - nên tôi cũng không kịp về để nhìn mặt bà lần cuối. Cậu Tư, mợ Tư cũng ra đi sau khi ngôi nhà xưa đã được xây dựng lại bằng xi-măng, nền gạch bông, mái tôn một thời gian khá lâu. Ngôi nhà có thể được xem là từ đường đó bây giờ không còn chút gì dáng dấp của mái nhà xưa. Hai đứa con tôi chắc hẳn sẽ thú vị khi tưởng tượng ra nếp nhà xưa trong câu chuyện này vì tôi chưa từng kể. Riêng tôi, mỗi khi nhớ nhà, tôi vẫn thấy như in trong tim mình mái nhà xưa của ngoại, có ngoại.

Cảm ơn người tặng chanh.

Tặng Anh So
nhân gặp trong ngày cúng chung thất
Thầy Huệ Minh

Nhân tiễn một người về núi đợi
Bạn bè xưa, ta mới lại gặp nhau
Phút đoàn viên trong ngày tiễn bạn
Tay bắt mặt mừng, lòng nhói đau
Bạn ở quê ra trái cây thay lời thăm hỏi
Quả chanh vườn thơm mát vị quê hương
Cảm ơn những trái chanh bạn tặng
Thương cái tình bè bạn lâu năm
Cảm ơn đời ban cho ta tình bạn,
Ơn bạn hiền tặng bài học yêu thương.



(17/8/ Kỉ Sửu - 05/10/2009)
Thy Tuyết.

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2009

Hôm nay tiết TIỂU TUYẾT

Sáng nay, trời se se lạnh. Gỡ tờ lịch cũ, tờ lịch mới hiện rõ dòng chữ to: TIẾT TIỂU TUYẾT. Mình chợt nhớ ra bản tin thời tiết tối qua: Sapa, Lào Cai có tuyết sớm hơn mọi năm khiến cho lượng khách du lịch đột ngột tăng cao. Họ đến Sapa để ngắm tuyết rơi. Mình cũng ao ước được một lần ngắm nhìn tuyết rơi như thế!





Trời lạnh, hèn gì mai nở sớm! Những cánh mai mỏng manh run rẩy trong sương sớm thật tội nghiệp. Còn gần ba tháng nữa mới tết! Ông xã chặc lưỡi tiếc cho đời hoa trái mùa. Cầm máy ảnh lia qua một vòng, ông xã nói một mình: Tụi học trò nói nhà thầy sao nhiều hoa vậy! Hì ..hì.. Riêng mình nghĩ: Nhiều hoa như vậy, đi đâu mình mới nhớ nhà, phải không?


Khoe hoa (1)

Vườn ta giống đồng hoang
Cỏ hoa mọc lan tràn
Đào nguyên tìm chi xa
Chỉ kế bên hiên nhà!




Hoa me đất



Hoa lan




Hoa hoàng điệp



Hoa gừa và hoa rau muống.

Khoe hoa (2)


Hoa xương rồng bát tiên



Hoa tuyết sơn phi hồ



Hoa trinh nữ




Thơm kiểng

Khoe hoa (3)


Hoa sao nhái lợt


Hoa sao nhái đậm



Hoa mai chiếu thủy




Hoa lài dưa





Hoa Má hồng





Khoe hoa (4)


Hoa trạng nguyên


Hoa sứ Thái Lan



Hoa pháo đỏ




Hoa mù u




Khoe hoa (5)



Hoa giấy





Hoa điệp





Hoa đậu biếc





Hoa dâm bụt pháo.

Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2009

Khoe hoa (6)


Hoa cúc dại



Hoa Cognac



Hoa chuối



Hoa cát lồi




Khoe hoa (7)


Gia đình nhà vịt...



Xin đừng quên tôi! Hoa forget me not!




Hoa cẩm tú





Hoa 10 giờ (Văn)





Hoa 10 giờ (Tiên)






Chẳng có gì khoe cùng thiên hạ
Thôi thì vườn khoe lá khoe hoa...

Cháu ngoại “ngang hông”





Đang chạy xe ngoài đường, tôi đi dạy về, tranh thủ ghé chợ Cầu Bà Mụ mua ít thức ăn. Trước mặt, sau lưng tôi, dòng xe đang hối hả. Cái nắng tháng mười sao vẫn cứ hừng hực như nắng tháng tư! Tôi cố len vượt qua một vài xe rì rì bên cạnh mình, cố thoát khỏi cái đám đông khói bụi và ồn ào tiếng động cơ, tiếng còi xe để tránh cái hơi nóng đang thả sức phả vào mặt người đi đường. Giờ này là giờ cao điểm đây! Người đi làm, người đi học, người đi chợ…đang lục tục, hấp tấp về nhà. Tôi chắc những người đang chạy bên cạnh tôi cũng đang cố chạy thật nhanh để tránh nắng như tôi. Nhưng làm sao chạy nhanh cho được khi con đường Nguyễn Huệ hẹp té, nhà cửa san sát, người buôn kẻ bán lấn tràn cả ra lề đường ngay chợ Cầu Bà Mụ. Giờ này mấy chị bạn hàng muốn phục vụ tận tình “quý thượng đế” của mình nên ai nấy tranh nhau mang hàng của mình bày ra sát lề đường. Mà kỳ thực tôi cũng thấy tiện làm sao khi tấp vào lề đường mà vẫn mua được mớ rau, con tép, con cá…Vậy đó, nên giao thông làm sao tránh khỏi ùn tắc, người người làm sao tránh khỏi lời qua tiếng lại vì bị va quẹt! Vậy đó, cái đám đông nhốn nháo ấy vẫn tái diễn mỗi ngày như mọi ngày. Vừa thoát được chỗ thắt cổ chai là khu chợ búa, mới tăng ga để xe trườn lên nhanh hơn, tôi gặp phải lô cốt làm cống vắt ngang qua đường. Lại một phen khói bụi đất cát mù trời, xe sau lãnh quả xe trước nào là khói xe, hơi xăng. Phiền nhất là đi sau chiếc xe máy có ống pô chỗng đít ngược, xả khói thẳng vào mặt mình.
Tôi đang bực mình, nhăn mặt, phát quạu thì phía sau lưng tôi một âm thanh lảnh lót: “Bà ngoại! Bà ngoại!” Ồ! “Cháu ngoại ngang hông” của tôi! Đang đi trên con đường tấp nập xe cộ, khói bụi và nắng nóng như vậy mà sao tôi cảm thấy lòng mình mát dịu. Dường như sự hồn nhiên của trẻ thơ có một sức mạnh diệu kì nào đó xua tan những cảm giác khó chịu tôi đang gặp phải trên đường đi. Bà ngoại của nó chở nó đi học mẫu giáo về. Cháu ngoại ngang hông của tôi đầu trần, tóc vàng hoe trong nắng, hai bầu má đỏ lựng vì nắng trưa, nhưng ánh mắt vẫn trong ngần. Chao ôi! Thương quá là thương “cháu ngoại ngang hông” của tôi! Trong khi bà ngoại ruột của nó đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang che kín gương mặt, mặc áo khoác kaki tay dài, mang găng tay che chắn kín mít để bảo vệ da khi ra nắng. Thế mà, “cháu ngoại ngang hông” của tôi, một đứa trẻ thơ măng sữa, mong manh như một cái trứng mỏng lại chẳng có lấy một mảnh khăn che, một cái nón đội đầu, chỉ phong phanh chiếc áo đầm dây hở tay hở lưng.
Mặc dù bà ngoại nó đã vọt lên ngang hàng với tôi nhưng nó vẫn không ngớt kêu “Bà ngoại! Bà ngoại!”. Cái miệng be bé xinh xinh với những giọt mồ hôi lấm tấm trên mép đang chu ra: “Bữa nay con có mẹ nè ngoại!” Tiếng “ngoại” kéo dài ra vừa nũng nịu vừa trìu mến, trong khi cái miệng bé xíu ấy đang ngoai tròn trông đáng yêu quá chừng! Nó vừa khoe với tôi về người đã sinh ra nó: Mẹ!
Mẹ cháu là em học trò cũ của tôi, một em học trò vốn hiền lành, học giỏi. Thế nhưng khi vừa rời gia đình đi học đại học ở Sài Gòn mới tròn năm, em đã trở về nhà sinh cháu bé không có cha! Phải gián đoạn mất một năm học. Rồi em trở lại giảng đường đại học, gởi con cho mẹ của em chăm sóc nuôi nấng. Thương cháu thiếu vắng hơi ấm của mẹ, tôi thường qua lại và trở thành bà ngoại ngang hông.
Tôi buột miệng hỏi:
- Mẹ nó có về hả Dung?
- Dạ, nó về có một đêm, sáng nay đi rồi chị!
Dường như có tiếng thở dài cố nén lại trong lòng cả hai bà ngoại. Con đường về nhà còn xa. Dòng người vẫn xuôi ngược chen chúc. Nắng trưa vẫn đổ lửa trên đường. Khói xe lẫn cát bụi vẫn mù trời. Con bé vẫn tíu tít hát vang trên đường bài hát vừa học ở trường mẫu giáo: “Ba thương con vì con giống mẹ. Mẹ thương con vì con giống ba…” !