Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2010

THANH TỊNH GIỮA RỪNG ĐÀO

(Cảm tưởng về chuyến đi cúng dường của đạo tràng Tịnh xá Ngọc Thuận, ngày chủ nhật 17/1/2010 nhằm mùng 3 tháng chạp năm Kỷ sửu)
Tôi theo đoàn phật tử của Tịnh xá Ngọc Thuận (xã Mỹ Thạnh An, thành phố Bến Tre) do sư Thích Minh Hiếu hướng dẫn, đi cúng dường cho các sư thầy và các ni sư đang tu học tại các tịnh xá, tịnh thất trên Núi Dinh thuộc huyện Tân Thành tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, vào một ngày đầu tháng chạp âm lịch. Nếu năm nay không nhuần thì hôm nay đã là mồng 3 tết năm Canh Dần rồi. Thời gian quả thật như bóng câu qua cửa sổ như văn chương thường viết!
Trên đường dẫn vào Tịnh xá Ngọc Sơn Dinh, hơn 10 cây số, hai bên đường là rừng đào đang khoe sắc. Không rõ ai đã trồng hay là hoa tự mọc, cả cánh rừng bỗng rực rỡ sắc hồng trong nắng sớm. Trong đoàn chúng tôi, ai cũng khoan khóai “ồ” lên sung sướng. Chưa hết ngạc nhiên này lại đến ngạc nhiên khác: khu rừng chuyển sang màu hoa đào trắng thanh tân, tinh khiết, lung linh giữa đất trời. Lần đầu tiên được nhìn tận mắt cảnh tượng này, tôi cứ ngỡ mình lạc lối đào nguyên, nhưng khác với Lưu Nguyễn ngày xưa chỉ có hai người, chúng tôi gồm cả đoàn phật tử đang vượt dặm dài bằng xe ca 52 chỗ. Và cũng khác với người xưa, chúng tôi không đi tìm thuốc trường sinh để kéo dài tuổi thọ trong cõi tạm này, mà muốn chia sẻ bớt nỗi khó nhọc của những bậc chân tu trên đường về cội giác.
Giữa một rừng hoa anh đào đang nở rộ đầu xuân, khoảng 60 tịnh thất be bé xinh xinh đang trầm mặc trong sương sớm. Có thể xem chuyến đi này như một chuyến đi cứu trợ vì ngoài 52 phật tử mặc áo lam cùng với vị sư trẻ tuổi tài cao (nghe các liên hữu nói sư đã từng đi du học ở Ấn Độ và hiện nay đang tiếp tục hoàn thành lớp cao học Phật giáo ở thành phố Hồ Chí Minh), chiếc xe 52 chỗ ngồi còn chở theo 200 kg gạo, 30 thùng mì gói, 20 kg đường, 20 kg muối, dầu ăn, nước tương, bột ngọt, bánh, mứt, trà, sữa, bột ngũ cốc…Tất cả những phẩm vật này đều do các phật tử phát tâm cúng dường. Ai ai cũng muốn góp công góp sức của mình để dâng lên cúng dường tam bảo. Ngoài ra, chúng tôi còn góp thêm tịnh tài để phẩm vật cúng dường có thể tiện dụng hơn cho quý sư thầy và quý ni sư trong sinh hoạt tu hành. Tôi đã từng tham gia nhiều chuyến đi trường hạ, đi thập tự ở các nơi, nhưng có lẽ chuyến đi này mới để lại cho tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp nhất.
Theo dự kiến ban đầu của sư Minh Hiếu, đạo tràng chúng tôi chuẩn bị 20 phần quà đến cúng dường 20 tịnh xá, tịnh thất, nhưng khi đến nơi, chỉ riêng khu vực Tịnh Xá Ngọc Sơn Dinh đã có khoảng 60 tịnh thất như thế. Đến với mỗi tịnh xá, tịnh thất, các liên hữu chúng tôi, dưới sự hướng dẫn của sư Minh Hiếu, đều cung kính xếp ngay hàng thẳng lối, chắp tay nghiêm trang, thanh tịnh cùng với nhà sư đảnh lễ Đức Phật, cúng dường tam bảo. Sau đó hồi hướng cho tất cả chúng sinh. Trong khói hương trầm mặc, hàng phật tử chúng tôi ai cũng thành tâm cầu nguyện cho quốc thới dân an, mưa thuận gió hòa, ruộng lúa, hoa màu, cây trái tốt tươi, cầu chư Phật, chư Bồ tát từ bi gia hộ cho ông bà, cha mẹ được phước huệ tăng trưởng, bản thân trí huệ sáng suốt, ngày càng tinh tấn trên đường giải thóat. Khi chúng tôi đến cúng dường tam bảo ở các tịnh thất, tôi mới biết một điều là các vị ni sư ở đây đã nhiều năm liền chưa rời khỏi am mây, chưa được tiếp xúc với phật tử, chỉ nhứt tâm tu niệm. Có một vị ni sư cao niên, tuổi đã ngoài 80, giọng run run đầy cảm xúc: Các trò đến thăm làm cho ni sư mừng run, đứng muốn không vững! Lời nói chân tình của vị ni sư già làm tan biến mọi nỗi mệt nhọc của chúng tôi do đường xa, do leo dốc…
Đến tịnh thất của ni sư Tâm Đức, vừa đúng bữa ngọ. Chúng tôi được ni sư chiêu đãi món bánh mì xíu mại chay. Mặc dù trong đoàn đã chuẩn bị cơm hộp, nhưng món bánh mì của ni sư vẫn được chúng tôi ủng hộ nhiệt tình. Trong không khí thân mật, sư đệ trở nên gần gũi mà vẫn giữ được khoảng cách cung kính cần thiết giữa các bậc xuất gia với người phật tử. Ni sư rất vui vẻ và cởi mở cho biết tâm nguyện của mình là muốn xây dựng tịnh thất trở thành tịnh xá và sẵn sàng giao lại cho một vị sư nào đạo hạnh cao hơn mình trụ trì. Hạnh nguyện của ni sư Tâm Đức thật đáng cho hàng đệ tử noi theo.
Chốn tu hành trên núi cao, xa chợ búa, xa khu dân cư, nên các sư thầy và ni sư phải vừa tự chẻ đá núi xây dựng tu viện, phải tự trồng rau, củ, tự cung tự cấp. Những bậc cấp làm thang leo lên núi được chế tác từ những tảng đá chẻ ra trong những đồi núi quanh đây. Những luống rau, cải, những luống khoai lang ngay hàng thẳng lối, xanh mướt trong buổi bình minh, gợi cảm giác an ổn, sung túc. Mặc dù trên núi cao, nhưng nguồn nước suối vẫn không ngừng tuôn chảy, cung cấp đủ nước tiêu dùng trong sinh hoạt, nước tưới rau và hoa màu. Cảm ơn thiên nhiên, đất nước đã ấp iu, che chở, nuôi dưỡng con người! Ngoài những giờ tu hành, tụng niệm, các vị đã lao động thật cật lực để trưởng dưỡng tâm đạo cuả mình. Bên cạnh những tà áo vàng của quý sư thầy và quý ni sư, thấp thoáng bóng dáng của những phật tử đi làm công quả. Số người này tuy không nhiều, nhưng họ tình nguyện đến nơi này chẻ đá, khiêng đá, bốc vác vật liệu xây dựng để biến chốn núi đồi hoang sơ, heo hút trở thành thánh địa tâm linh. Một điểm dừng chân thú vị nữa là Tịnh xá Linh Quang (còn gọi là Chùa Hòn Một). Nghe đâu chốn thanh tịnh này là nơi nghỉ ngơi, thư giãn của sư Thích Giác Toàn sau những ngày tháng phật sự đa đoan. Có thể xem Tịnh xá này là một thắng cảnh của xứ Phật. Đặc biệt hơn các ngôi tự viện khác là ở đây, ngoài các pho tượng được chế tác từ đá san hô, là một số pho tượng được đẽo gọt từ gốc tre già trên núi. Mỗi pho tượng được tạc thành là biết bao công đức của các nghệ nhân chế tác. Không chỉ là công sức mà còn là tâm nguyện của các vị đã gửi gắm vào. Mỗi mũi đục, mỗi nhát búa tạo hình là một câu niệm Phật cho đến khi hình tượng các vị La Hán, các vị Bồ Tát, các Chư Phật hiện hình hoàn mỹ. Bởi vậy, các pho tượng đều có vẻ sống động riêng, đem lại cho chốn thiền môn sự thanh tịnh, thiêng liêng và huyền diệu. Bất giác trong tôi bỗng thầm đọc bài kệ tán Phật:
Sắc thân Phật mầu đẹp,
Trong đời không ai bằng.
Khó sánh vì nghĩ bàn!
Nay con xin đảnh lễ…
Đứng chiêm bái trước tượng đức Phật Quan Thế Âm, mọi người có thể nhìn thấy toàn cảnh núi đồi trùng điệp xung quanh. Giữa nắng gió của vùng ven biển, chúng tôi khoan khoái hít thở đều đặn để cảm nhận được sự thanh khiết của thiên nhiên mà chốn thị thành không có được. Đến xứ Phật, tâm của mọi người đều an lành, gương mặt mỗi người đều tóat lên vẻ hân hoan thánh thiện. Bao nhiêu lo toan vật vã của cuộc sống đời thường chúng tôi đã để lại dưới chân núi cả rồi. Chúng tôi có cảm giác bình an hơn bao giờ hết!
Chốn thiền môn thật sự là nơi thanh tịnh! Thanh tịnh giữa rừng đào…
Diệu Hạnh (17/1/2010)

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2010

THÚ ĂN TẾT Ở QUÊ TÔI

Thời tôi còn nhỏ, cứ lối rằm tháng chạp hằng năm, khi tiếng mỏ công phu của ngôi chùa nhỏ ở cuối làng vọng lại lẫn trong tiếng pháo đì đùng lác đác, thì tiếng “cắc cụp, cắc cum” cũng trỗi đều khắp thôn khắp xóm. Mặc dù còn đang tuổi mới lớn “ham ăn ham ngủ” nhưng tôi cũng đã choàng tỉnh giấc để phụ má tôi quết bánh phồng. Quê tôi chuẩn bị ăn tết bằng cái công việc quết bánh phồng đó. Bây giờ, khi đời sống công nghiệp phát triển, nông thôn cũng bị ảnh hưởng nếp sống ấy nên không còn nghe lại âm thanh quen thuộc của một thời.
****
Ngày xưa, ở nông thôn chuẩn bị ăn tết từ đầu tháng chạp âm lịch. Lúc bấy giờ lúa má đã gặt xong, đã ví vào bồ hết rồi, ông ngoại tôi chọn thứ nếp dẻo ngon nhất thời ấy có tên “nếp bà bóng” đưa vào cối giã. Sau khi sàng sảy thật sạch, bà ngoại đem đi xôi nếp lên cho chín, thắng nước đường chung với nước cốt dừa cho thật béo là xong công đoạn thứ nhất. Tiếp theo là công đoạn quết bánh. Nếp chín còn nóng hôi hổi được bà ngoại cho vào cối. Tôi được ngoại giao cho công việc đạp chày, má tôi trở bánh và bà ngoại vô nước đường. Công việc của ba người phải được phối hợp nhịp nhàng không chậm một giây phút nào. Chỉ cần lỡ một nhịp chày thôi là tôi quết trúng vào tay của má tôi! Cứ đạp như thế khoảng vài trăm lần mới ra được một ổ bánh. Nhìn ổ bánh mịn màng, mướt rượt nước cốt dừa thơm phứt trên tay bà ngoại, đứa con nít như tôi không khỏi thèm thuồng. Không để cho tôi phải xin xỏ, lát nữa đây khi bà ngoại, mợ hai, má tôi, mợ tư và dì út cán bánh, thế nào tôi cũng được bà ngoại thưởng công cho tôi một cục bột to bằng trái chanh giấy. Không hiểu sao lúc nhỏ tôi ăn cục bột đó một cách dè sẻn ngon lành đến vậy! Cắn một miếng bột dẻo nhẹo thơm phứt, dính răng, nhưng chỉ nhai nhồm nhoàm một chút là chất béo chất ngọt tan nhanh trong miệng.
Công đoạn cán bánh đòi hỏi sự khéo léo tột cùng. Sau khi thấm tay với dầu dừa, bà ngoại ngắt một cục bột bằng trái chanh, rồi thoăn thoắt vo cho tròn. Bà vừa đặt cục bột trên mặt thớt có lót lá chuối, vừa cầm cái ống cán bánh lia qua một vòng, tôi đã thấy xuất hiện cái bánh tròn trịa trong nháy mắt. Nhìn qua tay của má, của dì tôi và các mợ, ai cũng khéo léo, thoăn thoắt không kém gì tay của bà ngoại. Trong lúc những người phụ nữ cán bánh, ông ngoại tôi đã chuẩn bị trải một chiếc chiếu to trên giàn phơi bánh rồi. Bây giờ đến lượt cậu hai, cậu tư tôi vào cuộc. Từng chiếc bánh tròn dình được mang ra trải trên mặt chiếu. Lúc ấy mặt trời rạng đông cũng vừa hé vài tia nắng đầu tiên trong ngày. Ba bốn manh chiếu trên giàn phơi cũng vừa kín mặt. Những cái bánh tròn đều sắp hàng thẳng tắp xong đâu đó thì cũng vừa lúc bà ngoại cùng mợ tư tôi ra chợ dọn hàng bán vải. Bánh được phơi dưới nắng sớm như vậy mới ngon. Nếu nắng gắt quá, bánh khô quá nhanh sẽ trở nên dòn và dễ bể. Phơi bánh phải siêng trở thì bánh mới ráo đều và khô mặt. Chỉ cần qua hai nắng, má tôi đem bánh vào nhà và gỡ bánh ra, sắp thành từng trăm bánh, cất vào những túi xốp lớn. Thế là nhà tôi đã có bánh phồng nếp để ăn tết rồi đó!
Cũng vào những ngày này, ông ngoại tôi cùng với hai cậu lo trải lá mai. Quê tôi nhà nào cũng có trồng vài cây mai ở trước sân nhà. Vì thế, hoa mai trở thành một tín hiệu báo tin xuân. Để có được hoa mai nở đúng thì, ông ngoại tôi phải ngắm nghía thật kỹ nụ hoa của từng cây mai nhiều hay ít, nụ lớn hay bé để quyết định ngày nào trải lá. Nếu cây mai nào nụ ít quá, khoảng đầu tháng 12 âm lịch, ông ngoại đã vun phân bón gốc cho cây thêm sung sức và khoảng rằm tháng chạp cho trải lá. Cây mai nào có nhiều nụ lớn, ông tôi chờ lối 20 tháng chạp mới cho trải lá. Không chỉ quan sát cây, ông ngoại tôi còn quan sát cả thời tiết,khí hậu, nắng gió nữa.Với kinh nghiệm của một cụ già sành điệu, ông ngoại tôi chưa bao giờ nhầm lẫn trong công việc chăm sóc mai và những gốc mai nhà tôi bao giờ cũng nở đúng đêm giao thừa.
Còn một thứ bánh nữa đặc trưng cho cái tết Nam bộ là bánh tét. Không biết có phải “bánh tét” là cách gọi trại ra của “bánh tết” không, nhưng tôi vẫn thích cách gọi dân dã, thân thiết từ xưa. Có gia đình gói bánh vào 28, 29, 30 tết để có dịp cho con cháu quây quần chung quanh nồi bánh đêm giao thừa, nhưng cũng có gia đình gói bánh vào mồng 2, để có bánh cúng “ra mắt” sáng mồng 3, hay cúng “tất”, cúng hạ nêu vào mồng 7 tết. Gói bánh đòi hỏi sự tỉ mỉ, chi li tính tóan của người phụ nữ. Phải lo rọc lá chuối trong vườn từ hai bữa trước, xé lá sắp thành từng đôi, để cho lá hơi dịu mới làm được. Dây lạt để cột bánh phải chọn loại dây tốt, vừa dai vừa bền chắc, cũng để sẵn. Đậu xanh cà đem ngâm 1 đêm cho tróc vỏ, đãi sạch và nấu chín với nước cốt dừa, không quên thêm một chút muối để tăng thêm độ béo cho nhưn. Mỡ gáy được cắt thành từng miếng bằng ngón tay trỏ, ướp với tỏi băm và đường cát, rồi đem phơi nắng chừng 2 tiếng cho thấm gia vị và làm cho mỡ có độ trong khi nấu chín. Nếp cái nguyên hột được gút sạch với muối bọt và ngâm 6 giờ đồng hồ. Sau đó vớt nếp ra, để thật ráo. Dừa khô nạo xong vắt nước cốt thật kẹo để sẵn. Bắt chão lên bếp, cho nước cốt vào thắng bồng con, cho nếp vào xào với chút muối, chút đường cho vừa miệng. (Có nơi trộn luôn cả xác dừa vào nếp chớ không xào nếp). Bây giờ tất cả đã sẵn sàng. Bà ngoại tôi thường lãnh phần gói còn má tôi và hai mợ mạnh tay hơn nên cột dây. Cho đến tận bây giờ, khi tôi có gia đình và cũng đôi ba lần đứng ra gói bánh tét cho các con có dịp vui bên bếp lửa, nhưng tôi phải công nhận một điều là bà ngoại tôi thật khéo tay. Cả trăm đòn bánh tét, cái nào cũng vuông vức, đều đặn như cái nào. Điều đáng nói hơn là khi bánh chín, cắt cái bánh ra bày trên dĩa, ta sẽ vô cùng thán phục bà ngoại khi thấy cái nhân đậu xanh vàng ươm bao quanh cục mỡ hồng hồng trong trong, thơm lựng, nằm chính giữa khoanh bánh, hấp dẫn làm sao!
Cột dây bánh không quá mạnh tay nhưng cũng không được lơi lỏng. Cột chặt quá, khi bánh chín, nếp nở ra khiến đòn bánh không tròn đều, có chỗ phình, chỗ thắt. Còn cột lơi lỏng, nước sẽ nong vào bên trong nếp, bánh bị nhão. Khâu chụm lửa cũng quan trọng không kém những khâu khác. Phải đẩy củi vào lò đều đều, nấu riu riu, khoảng 8 giờ đồng hồ. Để tránh cho nồi bánh không bị cạn nước, trong suốt quá trình nấu bánh, mợ tư tôi thường xuyên chêm thêm nước sôi vào nồi để bánh không bị “nín”, hột nếp không bị sượng. Bởi vậy, gói bánh tét cũng là một nghệ thuật, nghệ thuật ẩm thực của nhân dân Nam bộ. Sở dĩ ngày tết thường gói bánh tét vì bánh có thể để dài ngày mà không sợ thiu. Trong những ngày đầu năm, có bánh tét thay cơm, người phụ nữ trong gia đình được giảm bớt gánh nặng công việc nội trợ.
****
Ngày mồng một tết. Thức dậy sớm. Chờ dĩa bánh trái có bánh tét, bánh phồng và đủ thứ mứt dọn xuống từ bàn thờ tổ tiên là cả đám con nít xúm vô thưởng thức rồi sau đó đứng sắp hàng chờ chúc tết ông bà. Chúc tết xong đứa nào cũng chờ cái bao lì xì nhỏ xíu chứa mấy đồng bạc mới tinh.
Mấy đứa nhỏ bây giờ hầu như không còn niềm vui “xưa cũ” đó. Không còn nghe tiếng pháo. Không còn nghe tiếng cối đạp quết bánh. Hiếm hoi lắm mới có nhà gói và nấu bánh tét. Chỉ có mai là vẫn nở đầy sân. Còn năm ngoái tôi lại nghe đứa cháu nói với má nó: Má! Năm tới má lì xì cho con cái thẻ ATM nghe. Thời thế đổi thay có khác!

Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2010

TÌNH THÂN MÁI ẤM BỒ ĐỀ

(MÂBĐ thăm bạn cũ Bồ Đề)

Sáng 7/1/2010, chị May Duyên, chị hai của MÂBĐ, cùng với nhóm đi thăm bạn học ngày xưa hiện đang bị bệnh nan y. Theo kế hoạch, hôm nay MÂBĐ đi thăm chị Giang Muỗi, ở ấp 2, xã Phú Nhuận, Thành phố Bến Tre, tiện thể thăm và tặng quà cho sáu người già neo đơn cùng ở địa phương này. Lực lượng MÂBĐ hôm nay khá hùng hậu: Phía “nam nhi” có anh Tài, anh So và anh Thọ, còn “nữ nhi” thì hơi bị nhiều: Chị Duyên, chị Mịn, chị Hoàng, chị Hạnh, chị Me (đều là bạn học chung trường Bồ Đề với chị Giang Muỗi), còn chị Sáu và tôi (Tuyết) là hai bạn “tâm bồ đề”.
Từ cầu Bến Tre 2, thẳng đến cầu Vĩ, con đường tráng nhựa thật rộng và thoáng dẫn vào xã Phú Nhuận. Chỉ cách vài ba tháng thôi, vậy mà nhà mới xây, hàng quán mới mở khiến cho bọn tôi suýt đi lạc đường vì tìm mãi ven đường không thấy tấm bảng “Thu mua dừa - bán gạo” và con hẽm vào nhà chị Giang Muỗi. Khi xe chúng tôi chạy quá một đỗi, anh Tài buột miệng: Mấy bạn chạy đi đâu vậy? Bộ muốn đi Sơn Phú hả? Cả bọn mới dừng xe và quành trở lại.
Con hẽm vô nhà chị Giang Muỗi vẫn quen thuộc như mọi khi. Ngôi nhà của gia đình chị nằm ở vị trí cuối con hẽm này. Theo lời kể của chị Hoàng, ngày xưa, lúc còn đi học trung học Bồ Đề, ít khi bạn bè đến chơi nhà chị vì nơi này là vùng ngoại ô hoang vu. Lúc đó, chiến cuộc sôi động, Phú Nhuận là vùng kém an ninh, chúng tôi không dám vào. (Sau 35 năm thống nhất Tổ quốc, Phú Nhuận bây giờ trù phú, sung túc lên rất nhiều. Tuy vậy, số người già neo đơn, người bị dị tật, nghèo khổ vẫn khá đông. Cách nay ba tháng, MÂBĐ cũng đã đi thăm và tặng quà cho một số bà cụ ở xã này rồi).
Từ khi MÂBĐ được thành lập, một trong những bạn cũ có hoàn cảnh thương tâm được chúng tôi thăm nom thường xuyên là chị. Chị Muỗi học chung với chị Duyên, chị Mịn, chị Hoàng, Anh So … ở Bồ Đề. Sau khi đậu tú tài một, một số học sinh được chuyển qua trường trung học công lập Kiến Hòa để học tiếp năm cuối của bậc đệ nhị cấp, chị Giang Muỗi cùng với chị Duyên, chị Hoàng học lớp 12A5 (anh Tài lúc ấy là trưởng lớp). Sau khi đậu tú tài 2, chị Muỗi và chị Hoàng còn có chung kỷ niệm gần một năm học Điều dưỡng ở Sài Gòn, trước khi chị vô học Sư phạm Long An để trở thành cô giáo. Sau vài ba năm đi dạy, không rõ nguyên nhân nào, chị Muỗi lâm vào chứng bệnh tâm thần. Lúc tỉnh trí, chị Muỗi nhớ từng bạn, gọi tên từng người, nhưng lúc lên cơn, chị không nhận ra bạn bè và nói nhiều điều không ai hiểu nổi! Anh Tài nói, không ngờ cô nữ sinh ngày xưa xinh xắn, yêu kiều, nhiều anh “muốn chở mà không được” lại trở nên mất trí như vậy!
So với lần trước, lúc chị Muỗi cùng với MÂBĐ đi chơi Vũng Tàu, thì lần này chị gầy ốm quá! Người em dâu của chị nói, chị rất sợ ăn cơm, thường đem cơm trút bỏ vô nhà vệ sinh. Chị Muỗi thích ăn bánh canh, hủ tiếu hoặc bánh trái lặt vặt, không thành bữa ăn đàng hoàng. Vì không có chị hoặc em gái, nên chị thiếu sự chăm sóc cần thiết đối với một người bệnh như chị. Người em trai và em dâu vì sinh kế, để giúp chị khỏi phải gặp nguy hiểm như trèo dừa té xuống mương vườn, hay là đi lang thang bị xe đụng… nên đành khóa cửa nhốt chị trong nhà! Một ngôi nhà nhỏ, xây tường, lót gạch bông, nhưng trong nhà không có vật dụng gì ngoài chiếc giường đơn, là không gian dành riêng cho chị. Đứng ngay cửa ra vào, một mùi khai khăm khẳm từ trong nhà xông ra nồng nặc. Mấy chị em chúng tôi, không ai nói với ai một lời nào nhưng trong lòng của chúng tôi nặng như đá treo!
Anh Tài lấy cây chổi bông cọ dựng ở góc sân, quét cho sạch cái hàng ba, cho chị em chúng tôi ngồi thăm hỏi chị Muỗi. Và cũng chính anh dùng viên gạch tiểu nện lại con đường đắp bằng cát xây dựng dẫn vào thềm nhà chị Muỗi. Chị Kim Hoàng đưa máy ảnh lên chụp cảnh này vừa cười đùa với anh: Anh Tài đúng là trưởng lớp đấy nhé!
Hôm nay chị Muỗi tỉnh trí nên chị gọi đúng hết tên của các bạn cũ đến thăm. Khi tôi đến nắm tay chị, hỏi chị nhớ tôi không. Chị đáp rất nhanh: không, không biết! Chị không biết tôi vì tôi là bạn mới của MÂBĐ mà! Chị May Duyên một lần nữa giới thiệu tôi với chị Muỗi, như đã từng giới thiệu trước đây: Chị Tuyết, người có tâm bồ đề. Tôi nói với chị: Cô Lan nhắn lời thăm chị. Chị có nhớ cô Lan không? Chị gật gật đầu ra ý nhớ. Chị Hoàng, chị Mịn đi lấy bánh đưa cho chị Muỗi. Nhìn chị Muỗi hồn nhiên, ngồi trên lan can hàng ba ăn một mạch hết chiếc bánh mì một cách ngon lành, tôi cảm thấy chạnh lòng. Chị Hạnh ái ngại nhìn chị Muỗi và kể cho tôi nghe chuyện thời áo trắng với bao nhiêu niềm tiếc nuối không tìm lại được bao giờ! Đó chính là tâm sự chung của lứa tuổi chúng tôi, những cựu học sinh đang bước vào tuổi U 60. Trong chúng tôi, hầu hết đều có gia đình, có chồng có vợ (trừ trưởng lớp Văn Tài), có người đã làm ông nội ông ngoại như anh So, bà nội bà ngoại như chị Hạnh…Còn chị Muỗi, dường như chị không còn có tuổi nữa, hay là chị đã dừng lại ở tuổi 30, ở cái tuổi chị bắt đầu mất trí nhớ.
Chị Mịn thấy tóc chị Muỗi dài quá nên nói với chị Hoàng hôm nào đem kéo qua cắt tóc cho chị Muỗi “ăn tết”. Chúng tôi, ai cũng muốn làm một cái gì đó cho chị Muỗi vui, nhưng nhìn vào ánh mắt vô hồn của chị, tôi có cảm tưởng rằng chị đã vượt ra ngoài những buồn vui của nhân thế! Lần trước, mấy chị em đã dắt chị đi làm răng. Có được hàm răng giả, chị trông trẻ ra, ăn uống khá hơn. Hôm nay, đến thăm, hỏi chị sao không gắn răng để ăn, chị nói cất trên bàn rồi, khiến cho ai cũng phì cười!
Ngồi chơi với chị Muỗi khá lâu, mặt trời đã đứng bóng, chúng tôi bước qua nhà Minh, em trai của chị, trò chuyện với Minh trong khi chị Hoàng vào trong nhà thắp một nén hương trên bàn thờ ba mẹ của chị Muỗi. Câu chuyện của chúng tôi với Minh cũng xoay quanh những chuyện về chị Muỗi. Thấy quá trưa rồi, chúng tôi từ giã gia đình chị, ra về. Khác với lúc lên đường vui tươi, hồ hởi, lúc về mọi người ai nấy cũng lặng lẽ, trầm ngâm. Tôi chắc rằng trong lòng của mỗi người đều có chung một tâm nguyện: Nguyện Bồ Tát Quán Thế Âm độ cho gia đình chị Muỗi vượt qua cơn thống khổ. Còn MÂBĐ chúng tôi sẽ vận dụng tất cả năng lực của mình để san sẻ niềm vui cho chị Muỗi cũng như cho tất cả những bạn kém may mắn trong cõi đời này.

Thứ Năm, 7 tháng 1, 2010

MIẾNG KHI ĐÓI

Sáng nay, thứ tư 6/1/2010, MÂBĐ đi đám tang Má của Chị Tịnh Hữu (pháp danh của chị Kim Hiện), ở xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm. Truyền thống của MÂBĐ là khi gia đình của các bạn trong MÂBĐ gặp hữu sự, các thành viên của nhóm có mặt để sẻ chia.
Má chị Tịnh Hữu thọ 91 tuổi. Nhìn di ảnh của bà cụ đặt trước linh cửu, người ta dễ nhận ra cụ bà thật phúc hậu. Bà cụ tốt người, thương yêu con cháu, tin tưởng Phật pháp và ra đi cũng rất nhẹ nhàng. Chị Mịn nói nhỏ vào tai mình: Gia đình chị Tịnh Hữu thật phúc đức, chắc ngày xưa ông bà khá giả nên con cái đông như vậy. Thật vậy, gia đình chị Tịnh Hữu đông anh chị em, người nào cũng là phật tử, lại có mấy người cháu (là con của anh chị) xuất gia tu học. Vì thế, lễ tang của Bác được xem như là một nghi thức đưa Bác về Tây phương. Cầu nguyện cho hương linh của Bác được vãng sanh cực lạc.
Sau khi dự đám tang Má chị Tịnh Hữu, anh Kiệt, một thành viên của nhóm cư trú ở xã Phong Nẫm, đã cho MÂBĐ biết một địa chỉ đang cần sự giúp đỡ. Chúng tôi theo con đường liên xã đến Trường Tiểu học Phong Nẫm. Sát cạnh bên phải ngôi trường khang trang, đồ sộ, một căn nhà lợp tôn, vách ván nép mình cúi sát giữa vườn dừa tơ vừa cho trái chiến. Đó là nhà tình thương của địa phương xây trên đất của Ủy ban Xã Phong Nẫm, tặng cho mẹ con anh Nguyễn Văn Út, sinh năm 1968. Theo lời kể của bà Ba, mẹ anh, từ lúc sinh ra, hình hài anh đã dị dạng khác thường: đầu to, gương mặt gẫy gập biến dạng, mắt lồi, tay chân dị tật không chia năm ngón rõ ràng mà dính liền như chân vịt. Tuy đi đứng khó khăn, nhưng hằng ngày anh vẫn đi kiếm ăn bằng công việc nhặt đồ phế thải, đi mót lúa đồng…Theo năm tháng, tuổi đời chồng chất, anh đã ngoài 40 nhưng ngờ nghệch, đờ đẫn như một trẻ lên năm. Khi MÂBĐ đến nhà, anh đang ngồi cạnh bờ mương rửa mấy cái chén cái dĩa một cách khó khăn. Có lẽ gia đình anh vừa ăn cơm trưa xong. Thấy chúng tôi đến, anh vẫn thản nhiên làm công việc của mình như không hề biết có người lạ đến. Chị Hoàng cầm máy ảnh trực diện với anh, chụp vài pô hình, anh vẫn thản nhiên. Dường như anh đang ở một thế giới nào khác vậy!
Chị Nguyệt đi một vòng quanh nhà rồi vào bên trong. Chị vẫy tay rủ tôi cùng vào với chị. Đang ngồi trên giường, một cụ già khô đét, tay run rẩy đặt trên hai bắp đùi tong teo nhăn nhúm. Cái mùng rách tươm, màu khói, treo trên bốn góc giường vẫn buông rũ, càng lộ ra vẻ luộm thuộm, tuềnh toàng. Từ cái sào quần áo treo bên cạnh giường, một mùi mồ hôi lưu cữu trộn lẫn mùi ẩm mốc của vách phên xông lên mũi thật khó chịu. Trong cái không gian âm âm u u của căn nhà thấp lè tè đó, tôi và chị Nguyệt cùng nhận ra bàn tay trái của ông cụ đang sưng húp, có những chỗ đang rỉ nước vàng trên mu bàn tay được che đậy bằng những túm bông gòn vàng xỉn. Ông cụ nói: để cho bụi đừng dính vô. Chị Nguyệt hỏi: Tay bác sao vậy? - Tự nhiên nó nổi mục, ngứa, rồi sưng lên. Cụ nói thêm: Tui 73 tuổi, bả 70. Không còn làm lụng gì được mà thằng con thì như vậy đó! Tôi có cảm giác cụ đang nén tiếng thở dài sau câu nói.
Gia đình hai bác đang ở trong căn nhà tình thương của địa phương giúp đỡ, là thuộc diện hộ nghèo, được trợ cấp. Nhưng thực ra, sự trợ cấp của chính quyền cũng chẳng thấm vào đâu với cái khó cái nghèo đang đeo bám những gia đình không có nguồn lao động chính mà lại ốm đau bệnh tật triền miên. Anh Kiệt nói khi biết được hoàn cảnh gia đình hai bác như vậy, anh không ngủ được. Anh muốn thông qua MÂBĐ để có điều kiện giúp đỡ tốt hơn. Chị May Duyên, trưởng nhóm, vội lấy giấy xác nhận ghi tên họ của anh Út và dặn dò bà Ba đến Y tế xã xác nhận trường hợp dị tật bẩm sinh của anh Út để chuyển đến Hội Từ Bi Quán Thế Âm. Trong khi chờ đợi xác nhận hồ sơ của anh Út, trước mắt, để san sẻ bớt cơn thắt ngặt của gia đình anh, MÂBĐ đã trích số tiền nhỏ trong quỹ MÂBĐ tao tặng cho gia đình bà Ba 200.000 đồng, gọi là nghĩa tình “một miếng khi đói”. Bác gái rơm rớm nước mắt, cầm phong bì rối rít cảm ơn. Anh con trai đến giờ vẫn còn ngồi cạnh bờ mương kỳ cọ mấy cái chén chưa xong.
Trên đường về, chị Nguyệt xúc động nói: Cùng là con người, vậy mà có người sao được sinh ra lành lặn, đẹp đẽ lại được sống trong gia đình sung túc, ấm no, sao lại có người chịu tật nguyền, nghèo khổ, thiếu trước hụt sau! Càng nghĩ, càng thấy mình có phước, hả Tuyết? Đúng đấy chị ạ! Ông bà mình cũng thường dạy con cháu: “Có đức mặc sức mà hưởng”. Ca dao có câu:
Người trồng cây hạnh người chơi,
Ta trồng cây đức để đời về sau.
chắc cũng nhằm ý này đây!
Diệu Hạnh (ghi ngày 6/1/2010)

BỮA HỌP MẶT TÂN NIÊN CỦA MÁI ẤM BỒ ĐỀ.

Sau bữa họp mặt tất niên bất thành ở Nhường Trà, dù không ai nói ra, nhưng trong lòng mỗi chúng tôi, ai cũng cảm thấy nặng nề! Chị Nguyệt, chị Hoàng, là hai người có tính cách bộc trực, sôi nổi nhất, đã tỏ thái độ ngay bữa đó. Anh Tuấn, chị Mịn tuy không nói ra lời, nhưng ánh mắt bực dọc và có ý kiến ra về liền, đủ biết anh chị buồn lòng biết bao nhiêu! Hôm đó, không khí bạn bè có phần vui vui, bớt căng thẳng nhờ sự có mặt của một bạn Bồ Đề mà tôi chưa gặp lần nào. Chị May Duyên giới thiệu bạn cho tôi biết: Anh Nữ, nam mà tên Nữ! Nhờ lời giới thiệu dí dỏm, duyên dáng mà cả nhóm bạn chia tay, ra về trong niềm vui muộn màng.
Buổi chiều ngày đầu năm mới, một bữa họp mặt tân niên được diễn ra ở nhà anh Tuấn chị Mịn, để gỡ gạc lại bữa họp tất niên bất thành. Tôi nghe điện thoại chị Mịn gọi đến nhà chơi trong lúc mấy em học trò cũ đang ì xèo ở nhà tôi để chúc mừng năm mới thầy cô. Đám học trò, khi biết thầy cô có cái họp mặt, đã lịch sự chúc mừng thầy cô rồi từ giã, hẹn tết tụi em về chúc tết thầy cô nữa…Cái thế giới của học trò thật là giản dị và hồn nhiên làm sao!
Khi hai đứa tôi đến nhà chị Mịn, anh Tuấn chưa về đến nhà. Chắc giờ này anh vẫn còn thả rong ở một xóm nhỏ nào đó với xe bánh bao Bà Bảy! Vậy mà trong cú điện thoại báo tin cho vợ chồng tôi đến nhà anh họp mặt tân niên, anh cho tôi biết chỉ còn chờ vợ chồng tôi đến là khai tiệc!
Chị Mịn reo lên khi thấy hai đứa tôi xuất hiện trước cửa. Chị đã chuẩn bị đâu đó thật chu đáo rồi. Giờ chỉ còn quây quần, xúm xít bên nhau nữa là thành bữa tiệc đầu năm. Cũng có các thứ rượu đặc sản: “dụ dắn” (rượu rắn) của Chị Sáu, rượu chuối hột của chị Nguyệt, rượu chuối xiêm của chị Mịn và rượu “chuối già” của tôi. (Rượu “chuối già” là cách gọi của Toàn, con trai út của chị Mịn, khi cháu nếm thử và phân tích hai loại rượu chuối xiêm của chị Mịn và của tôi làm. Do tôi cho nhiều chanh vào chuối nên vị rượu hơi chua, cháu Toàn cười vui nói: Rượu của cô Tuyết là rượu chuối già!). Bữa tiệc đơn sơ vì chỉ có vài ba món “tự biên tự chế” nhưng tình cảm thì tràn đầy lai láng như mọi khi. Kết thúc bữa tiệc, Bảo Trâm, con gái chị Mịn, đã đãi chúng tôi món bánh Sinh Nhật thật ngọt ngào và thơm thảo (vì hôm nay là ngày sinh thứ 25 của cháu). Chưa ở đâu chúng tôi có được niềm vui trọn vẹn và thoái mái như ở chốn này: Mái Ấm Bồ Đề.
Kim đồng hồ đã chỉ qua con số 10 một tí. Canh đã khuya. Đường sá đã vắng tiếng xe cộ. Giờ chia tay đã đến. Cho đến phút này, anh Tuấn, chủ nhân của ngôi nhà, vẫn chưa có mặt ở nhà! Anh vẫn còn lặn lội nơi nào trên những nẻo đường của Thành phố Bến Tre, hay trong những thôn xóm xa xôi nào của đó của xã Mỹ Thạnh, Mỹ Lồng… đem niềm vui ấm nóng đến cho những em bé dỗi cơm chiều, cho những “cô chiêu, cậu ấm” ăn vặt, cho những cụ già sống lại cái vị thơm đặc trưng của bánh bao thời thanh xuân đã vụt qua mất tự khi nào…Và niềm vui lớn hơn là niềm vui của anh Tuấn khi đón nhận nụ cười tươi của chị Mịn, tiếng cười nói rộn ràng, tíu tít của Trâm và của Toàn bên mâm cơm ngút khói chờ anh về. Nghĩ đến đó, tôi thấy dường như sống mũi mình cay cay!