Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

Ấn tượng đầu tiên về Xứ Phật



Từ sân bay Suvarnabhumi – Thái Lan, chúng tôi đến sân bay Kolkata - Ấn Độ đúng 19:30. Ấn tượng đầu tiên khi vừa đặt chân đến sân bay Kolkata là cái không khí ồn ào, hỗn tạp “quen thuộc” thường thấy ở một bến xe, hay một nhà ga ở Việt Nam. Các gian phòng làm việc ở đây thiếu sự thông thoáng, những ngọn đèn điện tỏa thứ ánh sáng vàng hoạch, khiến ta có cảm giác mọi thứ đều nhuộm một màu xin xỉn, cũ kỹ và có chút gì đó dơ bẩn! Các nhân viên làm việc đều là nam giới. Họ mặc Âu phục rất giản dị: có người mặc áo sơ mi trắng hoặc màu, có người mặc áo sơ mi kẻ sọc, không phải đồng phục như ta thường gặp. Quan sát khung cảnh chung quanh, tôi không khỏi có ý nghĩ so sánh nơi này với nơi tôi vừa rời khỏi và tưởng tượng đến những điểm “tham quan” còn ở phía trước, tôi có chút băn khoăn!


Sau hơn 2 tiếng đồng hồ làm thủ tục nhập cảnh cho đoàn gồm 72 người, 22:00 chúng tôi mới bắt đầu lên xe ca để đến điểm tham quan đầu tiên là Bồ Đề Đạo Tràng (Bodha Gaya). Mặc dù anh nhà tôi đã search trên Google map để giới thiệu trước cho tôi các địa điểm sắp đến, biết trước đoạn đường từ Kolkata đến Bồ Đề Đạo Tràng dài gần 500km, nhưng tôi vẫn không khỏi hồi hộp trên mỗi chặng đường. Sau khi mọi người đã yên vị trên xe, khoảng 20 phút sau, dù xe lắc tới lắc lui nghiêng ngã, ai nấy đều ngoẻo đầu ngủ ngon lành! Tôi không cảm thấy buồn ngủ, nhưng khi phải căng mắt ra để nhìn chung quanh mình, nhìn ra ngoài cửa xe, toàn là bóng tối, tôi chợp mắt lúc nào không biết. Tôi giật mình thức giấc khi văng vẳng bên tai giọng của một người phụ nữ miền Bắc chì chiết, mạt sát ai đó. Tiếp theo, giọng một người phụ nữ miền Nam càu nhàu phân bua, như muốn tìm người cùng “phe cánh” với mình. Mọi người, cũng giống như tôi, lục tục thức giấc. Lắng nghe hai bên đôi co, cãi cọ giây lát, mọi người bèn hiểu chuyện. Chị người miền Bắc ngồi hàng ghế trên, ngã lưng ghế ra phía sau để ngủ, không ngờ cái chốt giữ cho lưng ghế cố định bị lờn, lưng ghế ngã hẳn ra sau, đè lên bắp đùi của chị miền Nam đang ngồi ở đấy. (À, thì ra, chiếc xe đưa chúng tôi đi là loại xe cũ, băng ghế đã hỏng hóc, có lẽ giông giống tình hình xe cộ ở Việt Nam thập niên 80 của thế kỉ trước.) Lỗi không thuộc về ai, nhưng cả hai đều không tìm được giải pháp nào có lợi cho mình nên to tiếng để nhờ tập thể phân xử. Một giọng nói trầm trầm, điềm tĩnh, khuyên can: Thôi, mỗi người chịu khó nhường nhịn một chút đi, đi hành hương chứ có phải đi du lịch đâu mà đòi tiện nghi! Một chị ngồi hàng ghế trước mặt tôi xung phong đổi chỗ ngồi cho chị miền Nam để hai bên không cãi cọ nữa. Tôi trộm nghĩ: Toàn là “bạn lữ” với nhau cả mà vẫn còn sân si như vậy đó! Nếu không phải “bạn lữ” với nhau, không biết ra sao à nghen! Bầu không khí trong xe được thanh tịnh trở lại, mọi người lại tiếp tục giấc ngủ dang dở. Tôi chợt tỉnh giấc lần thứ hai khi chiếc xe dừng lại trước một motel bên cạnh một cây xăng dọc đường. Không có đèn đường. Chỉ có ánh sáng yếu ớt từ cây xăng dọi ra và ánh sáng của vài ngọn đèn vàng khè trong motel hắt lại. Sư Cô trưởng đoàn thông báo cho mọi người đi vệ sinh và để “ban hậu cần” nấu mì gói phục vụ cho tập thể. Ai đói bụng, có thể dùng mì gói “không trả tiền” (free). Tôi nhìn đồng hồ trong chiếc điện thoại di động, bây giờ đã 2 giờ sáng. Vậy là chúng tôi đã ngồi trên xe suốt 4 tiếng đồng hồ rồi đó. Mọi người lục tục xuống xe, tìm chỗ đi vệ sinh. Quả thật là mỗi người phải tìm chỗ riêng mà “xả nước cứu thân” chứ ở đây không có nhà vệ sinh công cộng! Ngay lúc này tôi chợt nhớ những cây xăng dọc đường ở xứ mình thường thường có khu vực vệ sinh riêng cho nam nữ. Tôi còn nhớ trong câu chuyện văn hóa trên báo chí nước mình thỉnh thoảng cũng đề cập đến vấn đề xây dựng nhà vệ sinh công cộng ở những nơi chợ búa, thị tứ, công viên… Nhiều ý kiến cho rằng dân mình chưa ý thức giữ vệ sinh nơi công cộng như các nước tiên tiến, còn có người đứng đái đường nên trên tường của một khu trường học hoặc một cơ quan, dinh thự nào đó vẫn phải viết lên tường hàng chữ thiếu thẩm mỹ: Cấm đái! Bây giờ, trên đường đi đến xứ Phật, tôi gặp phải một chuyện bất ngờ và gây phản cảm như vậy, tôi không khỏi ái ngại! Thì ra, xứ mình vẫn có chút ít tiến bộ hơn nơi này! Đoàn hành hương lại tiếp tục lên đường. Trên con đường thiên lý, bóng tối vẫn bao trùm vạn vật. Dường như chúng tôi đang vượt qua những cánh rừng bạt ngàn, không bóng dáng của nhà cửa, không một ngọn đèn đường. Thỉnh thoảng, một chiếc xe chạy ngược chiều pha ngọn đèn quá sáng, tôi mới thấy được cảnh vật hai bên đường trong ánh đèn lấp loáng. Rất nhiều xe tải và xe container đậu dọc hai bên lề đường, dường như tài xế và người áp tải hàng dừng lại để nghỉ qua đêm! Chiếc xe đưa chúng tôi đi vẫn gầm gừ vượt qua những chặng đường một cách mỏi mệt. Hơi lạnh của trời đêm gay gay trên da thịt. Tôi lấy trong túi xách chiếc áo khoác, nhẹ nhàng choàng qua vai và tiếp tục ngủ gà gật trong âm thanh rền rỉ của tiếng máy xe “quá date”! Chiếc xe thắng gấp. Tiếng siết của vỏ xe trên mặt đường ê cả óc! Cả người tôi bị dồn đẩy về phía trước khiến tôi giật mình tỉnh dậy. Có tiếng càu nhàu đâu đó trong xe, không phải một mà nhiều tiếng xen lẫn nhau. Rồi tiếng nói của một người nam (có lẽ là Thượng tọa Giác Tùng): Chắc tới chỗ rồi đó! Tôi nhìn ra phía ngoài cửa xe, không gian vẫn âm âm u u, đẫm sương đêm lạnh lẽo. Dưới ánh sáng vàng khè của ngọn đèn đường, hai dãy nhà hai bên phố cửa đóng im ỉm. Trước mặt tiền, nhà nào cũng có gắn bảng hiệu, có bảng toàn chữ Ấn Độ (không biết có phải!), cũng có bảng kèm theo một vài tiếng Anh “Hotel”, “Motel”. Tôi nhận ra đây là dãy nhà nghỉ hoặc khách sạn gì đây! Nhưng hình ảnh đập vào mắt tôi là một thanh niên khuyết tật, râu tóc xạc xờ , áo sống tả tơi, hai chân bị teo nhỏ, đang bơi thật nhanh thật nhanh bằng hai cánh tay khẳng khiu, bám sát theo xe. Tôi không thể ngờ được sức mạnh của đôi cánh tay gầy guộc và còng queo đó có thể nâng bổng thân người và kéo theo hai chân bất động để đuổi theo kịp chiếc xe đang chạy! Không thể kìm nén được, nước mắt của tôi tự nhiên tuôn trào ra. Một dấu hỏi to tướng trong đầu tôi. Tôi chưa kịp nghĩ ra chuyện gì, thì từ trong ngõ khuất kia xuất hiện hai chiếc xe đạp ba bánh, có đóng thùng để ngồi, được cải tạo để dành riêng cho người khuyết tật hai chân, dùng tay để quay trục pê đan. Trên một xe có chở theo một người phụ nữ và hai đứa bé gầy gò, rách rưới như nhau. Có vẻ đây là một gia đình(?). Bên lề đường kia, hai bóng áo nâu đỏ, một bé, một lớn, đầu trọc, tay ôm bình bát, cũng vội vã chạy đến đứng gần chỗ xe đang dừng. Rồi một đám trẻ em, ăn mặc rách rưới, trên tay mỗi em là một ôm bông súng đỏ, ra vẻ như đang mời mọc. Sau ít phút dừng lại để hỏi thăm đường, chiếc xe bẻ cong đánh một cua vòng quẹo sang hướng khác. Cả đám người lếch thếch kia đang chầu chực vụt chạy theo hướng xe đang quẹo, lại tiếp tục cuộc đeo bám. Xe dừng hẳn. Mọi người trong xe đều tỉnh thức để chuẩn bị xuống xe. Tuy mặt trời chưa ló dạng, nhưng dường như sinh hoạt ở đây diễn ra không kể đêm hay ngày. Các chú bé ôm hoa tiến sát cửa xe mời mọc, một chú giơ 3 ngón tay ra dấu rồi chỉ vào mớ hoa súng đang ôm trước ngực. Một vài em biết bập bẹ dăm câu tiếng Anh “Hello! Hello!...” vừa ngô nghê vừa liến thoắng cười xã giao để mong bán được hàng. Bất giác tôi nhớ đến những em bé Việt Nam đeo bám khách Tây để chào mời mua bưu ảnh trên lề đường Đề Thám, đường Phạm Ngũ Lão…(Quận 1, Sàigòn) mà đôi lần tôi bắt gặp trên đường. Hóa ra, ở nơi nào trên trái đất này, con người cũng đáng thương như nhau! Tôi đang đi đến xứ Phật để lần tìm dấu tích của Vị Thầy Toàn Giác mà lâu nay tôi kính ngưỡng và thiết tha tu học đạo của Ngài. Và sáng tinh mơ hôm nay, ngay khi vừa đến Bồ Đề Đạo Tràng, chứng kiến những cảnh khổ của kiếp nhân sinh hiện tại, tôi hiểu được phần nào tâm trạng của Thái Tử Tất Đạt Đa xưa kia, “Chúng sanh từ đâu đến cõi đời ô trược này để chịu nhiều điều đau khổ”! Để rồi khi Bồ Tát Sĩ Đạt Đa thành Phật, tự chứng ngộ tam minh lục thông, Đức Phật mới dạy rằng: “Chúng sanh vô minh tạo nghiệp mà luôn trôi lăn mãi trong luân hồi lục đạo, vô cùng đau khổ”. Vì vậy, Đức Phật ví cuộc đời là biển khổ, và từ vô thỉ kiếp đến nay, nước mắt chúng sanh đã tuôn rơi vì đau khổ còn nhiều hơn nước của bốn đại dương! Thế nhưng, cuộc đời này có mấy ai ý thức được điều này để dừng lại, để đi tìm nguồn hạnh phúc chân thật trong kiếp nhân sinh này!

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2011

Nhớ Saigon

(Chat với Sơn Thủy,
làm mình nhớ Sài Gòn
thời trẻ quá chừng!)

Nhớ Sài Gòn mỗi sáng mỗi chiều tất bật
Đạp xe đi về, hai bận qua cầu
Cơn gió vô tình thổi lồng đôi tà áo
Thoáng ngập ngừng, bối rối, gì đâu!

Nhớ Sài Gòn trời chợt mưa chợt nắng
Góc phố nào ta dừng lại trú chân
Vẫn vội vã trên đường, dòng xe như thác
Rất lạ lùng mà cũng rất quen thân.

Nhớ Sài Gòn lang thang chiều thứ bảy
Đôi gót tình nhân khua nhẵn vỉa hè
Hành lang Eden lá me đan kín lối
Ta, một mình, nghe lạnh cả hai vai!

Này nhỏ, chiều nay trời mưa hay nắng?
Em đi dạo dùm ta một chút Sài Gòn
Cuối tuần này, em có ai đứng đợi?
Xin hãy cùng ta xuống phố đi rong!

Bến Tre, 27/3/2011

TÌNH LỠ LÀM SAO QUÊN!

(Xin tặng Người, thay cho lời tạ lỗi!)

Tình lỡ như đường gươm rất cũ
Vết thương đau, mãi tận bây giờ!
Người đi – tăm cá theo năm tháng
Ta vẫn cùng chăn chiếu bơ vơ.

Thêm một lần cho ta vĩnh biệt
Cuộc tình buồn quá đủ hư hao.
Yêu người, ta gánh thêm lận đận
Hết một đời, còn hẹn kiếp nao!

Xin trao hết cho người nước mắt
Của một thời thiếu nữ thanh tân.
Xếp lại áo khăn thời hoa mộng,
Biết đã rồi, tình lỡ làm sao quên!
23/3/2011

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

6. ẤN TƯỢNG SENTOSA.

Theo tiếng Mã Lai, Sentosa có nghĩa là thanh bình và yên tĩnh. Từ một làng chài của ngư dân Singapore, năm 1972, Sentosa được cải tạo thành một khu giải trí và đảo nghỉ mát ở Singapore. Diện tích của đảo khoảng 5 km vuông với bờ biển dài hơn 2 km. Đảo Sentosa là đảo lớn thứ tư của Singapore, cách bờ biển phía nam của bán đảo Sin độ 0,5 km và được mệnh danh là thiên đường du lịch. Qua những tờ bướm tiếp thị du lịch Singapore, con gái út giới thiệu cho tôi một điểm tham quan thú vị khác của Sin: đảo Sentosa.
Tôi cùng con gái út đến Sentosa vào một buổi chiều nắng nhạt. Không khí mát mẻ thật lý tưởng cho một chuyến đi dạo trên đảo. Hai mẹ con vừa bước qua cổng soát vé, chưa kịp trèo lên xe điện di chuyển vào bên trong thì trời đổ một trận mưa rào. Con gái vừa giương dù lên thì mưa đã dứt hột. Singapore chợt mưa chợt nắng, không biết lòng người có chợt nắng chợt mưa? Con gái càu nhàu…

Với tôi, ấn tượng đầu tiên về Sentosa là bàn tay con người đã thay tạo hóa để sắp đặt nhiều công trình từ rừng cây, núi đồi cho đến bãi biển…
Rừng cây, núi đồi được thiết kế, sắp đặt, cắt tỉa rất nghệ thuật. Tượng đài sư tử biển, biểu tượng của du lịch đảo quốc Singapore, vươn cao như thách thức gió biển và mây trời. Những tia nước phun đặc sắc từ các vòi của một con quái vật khổng lồ đắp bằng xi măng được trang trí với nhiều màu sắc nổi bật khiến cho khu công viên Merlion Walk này trở thành điểm dừng chân lâu nhất, đặc biệt là thu hút du khách “nhí”. Đến nơi đây, chúng ta có cảm giác được trút bỏ hết mọi ưu tư khi nhìn bọn trẻ con cũng như đám thanh niên hay những đôi tình nhân lao xao lượn lờ bên những vòi nước theo chu kỳ thoắt phun trào thoắt ngưng nghỉ như đùa cợt, như chơi trò trốn tìm cùng con người. Con gái út của tôi được thừa hưởng cái gene khoa học kỹ thuật của bố nên ngồi yên quan sát thật lâu và đếm từng giây ngừng nghỉ của mỗi vòi nước rồi chép miệng: Lập trình sao mà hay quá vậy ta! Còn tôi, tôi chỉ ghi nhận bằng cảm tính hoàn toàn: Sức lực và trí tuệ con người quá tuyệt vời!
Bãi biển ở đây tuy không rộng và dài bằng bãi trước, bãi sau của biển Vũng Tàu, cũng không thơ mộng trữ tình như bãi Đại Lãnh (Nha Trang), thậm chí nước biển không trong xanh như biển Hồ Cốc (Bà Rịa – Vũng Tàu), nhưng cách tổ chức, quản lý một khu nghỉ mát ở biển thật tuyệt vời! Ngoài thú vui tắm biển ra, ở đây có rất nhiều dịch vụ hấp dẫn giới trẻ: sân golf, sân bóng chuyền trên bãi cát, xe đạp thể thao trên bãi, ca nô trên biển, trượt pa tanh, trò chơi dù lượn trên không…
Có thể nói, mọi kỳ quan nhìn thấy ở đây chính là thành tựu của khoa học kỹ thuật, của bàn tay và khối óc con người Sin tạo ra. Tôi cảm phục họ, thậm chí ngưỡng mộ trí tuệ siêu việt của họ, cách tổ chức quản lý công trình của họ, nhưng tôi không thích lắm cảnh quan nơi này! Tôi vốn yêu thiên nhiên, thứ thiên nhiên do tạo hóa kỳ công sắp đặt, bởi vậy, trước những kỳ quan nhân tạo, khó hấp dẫn được tôi. Tôi mau chán vì thấy cảnh quan giả tạo: rừng cây thiếu sức sống, thác nước thiếu nhạc trời, núi đá thiếu tự nhiên (do các bậc thềm xi măng giả sơn!)… Dù sao cũng phải “đi cho biết đó biết đây”. Thế là hai mẹ con lại tiếp tục đi khắp hết mọi chỗ, cho đến khi mỏi chân mới đến công viên nhạc nước.
Lần đầu tiên tôi được xem nhạc nước nên khi ngồi trước một sân khấu lộ thiên bãi cát trắng và bờ biển xanh tôi hết sức ngạc nhiên. Chúng tôi chọn hàng ghế ngay trung tâm sân khấu, nhưng không gần lắm vì con gái nói sợ má giật mình khi người ta trình diễn! Tuy có hơi thắc mắc về cái điều con gái nói “sợ má giật mình” nhưng tôi mãi quan sát “dưới” sân khấu nên không hỏi lại (gọi là “dưới” sân khấu vì hàng ghế tự chọn của chúng tôi ở một vị trí cao hơn). Sân khấu được sắp đặt rất đơn giản: trên bãi cát biển, những tảng đá, gộp đá nằm rải rác hệt như trong tự nhiên; sát bờ biển, một dãy nhà sàn bằng tre nứa đơn sơ như một làng chài lưới thật sự. Xa xa, những ráng mây chiều hồng tía nhuộm dần sang màu tím thẫm của một hoàng hôn trĩu nặng hơi nước. Những làn gió mát lạnh từ biển khơi nhẹ nhàng, mơn man, chuyển sang mạnh mẽ, thổi tung cát bụi và một trận mưa rào rào cấp tập. Khán giả dường như quá quen thuộc với thời tiết khí hậu xứ này nên ai cũng giương dù lên tại chỗ chứ không chạy tìm chỗ trú mưa. Thoắt một cái, mưa tạnh. Mọi người xếp dù lại.
19:40, đúng giờ trình diễn, sân khấu nổi nhạc lên, âm thanh của sóng biển, gió biển ầm ào kết hợp với bọt nước tung tóe . Ánh sáng đèn pha, phối hợp với ánh đèn màu từ những dàn đèn đặt sát mặt bãi cát và các gộp đá tạo thành một không gian kỳ ảo. Vở nhạc kịch này có nhan đề: Bài ca của biển (Songs of the sea), bởi vậy nhạc nền và ánh sáng gây cho khán giả một cảm giác đang đứng trước biển cả trùng trùng sóng dữ. Một đoàn vũ công đóng vai những ngư dân lần lượt kéo ra. Họ diễn tả niềm vui của ngư dân sống thanh bình, hoan lạc, làm bạn với đại dương bằng những vũ điệu chài lưới và lời ca khơi dậy sức sống của biển cả mênh mông. Từ lời ca nồng nàn của họ, xuất hiện một nàng công chúa thật xinh đẹp kiều diễm có tên là Amy, bấy lâu nay nàng bị một lời nguyền đắm chìm trong một giấc ngủ sâu tại Thành phố Ngủ Yên. Theo chú cá Oscar từng sống rất lâu trên đại dương này, chỉ có một cách để giải lời nguyền cho công chúa là các ngư dân ở đây phải dùng lời ca tiếng hát thật to, thật thành khẩn. Vì thực lòng muốn cứu Amy thoát khỏi giấc ngủ nghìn năm, những ngư dân đã hát thật to. Giọng hát của họ đã đánh thức nhiều vị thần: Thần Lửa, Nữ Thần Ánh Sáng, Nữ Thần Biển Cả. Các vị Thần đều nhận thấy sức mạnh và quyền năng của mình càng tăng thêm khi giọng hát của những người ngư dân cất lên một cách nhiệt thành. Vì thế, các ngư dân hết sức cố gắng đem giọng hát của mình giải cứu cho tất cả. Câu chuyện về Bài ca của biển không có gì éo le, gay cấn, nhưng sức hấp dẫn của nhạc nước chính ở sự trình diễn tuyệt vời giữa nước và lửa, ánh sáng và âm thanh, sự kết hợp tinh tế giữa cổ tích và công nghệ, giữa truyền thống và hiện đại.
Đặc sắc nhất và tuyệt vời nhất là màn trình diễn cuối cùng. Sau nhiều tiếng pháo nổ thật to (tôi được con gái cảnh báo trước nhưng vẫn không khỏi giật mình), những tràng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời đầy màu sắc. Những vũ điệu ba lê của hàng nghìn vòi nước kết hợp cùng ánh sáng laser tạo nhiều hình ảnh thật sống động, trong ánh sáng đa chiều, hiệu ứng hình ảnh không gian ba chiều cùng với âm nhạc rộn rã vui tươi, sân khấu trở nên hoành tráng, kỳ ảo chưa từng thấy. Cuối cùng, các ngư dân đã xóa được lời nguyền của công chúa Amy, đưa nàng trở lại với cuộc sống trong lời hát thiết tha không dứt: “We did it! We did it!...”. Hàng ngàn, hàng vạn tràng pháo tay góp thêm vào không gian náo nhiệt, kết thúc buổi trình diễn nhạc nước.
Ra về, tôi vẫn mãi vấn vương trong ý nghĩ phải chăng câu chuyện nàng công chúa Amy được giải lời nguyền giấc ngủ ngàn năm là một ẩn dụ thú vị về hòn đảo Sentosa được đánh thức để cống hiến cho du khách vẻ đẹp, vẻ hấp dẫn tiềm tàng của mấy trăm năm chưa được con người khám phá?

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

NGÔI TRƯỜNG, NƠI NUÔI TÔI TRƯỞNG THÀNH…

(Tôi ghi lại kỉ niệm đối với ngôi trường cưu mang tôi khi khốn khó và nuôi dưỡng tinh thần tôi cho đến lúc tôi trưởng thành, thay cho lời cảm ơn! )

Tôi rời Thạnh Phú, và tôi về Nguyễn Đình Chiểu. Những ngày đầu tiên tôi tưởng tôi bị cắt rời khỏi trái tim mình. Và … tôi quen dần! Tháng 9 năm 1981, tôi đến với ngôi trường lúc ấy có thể gọi là “trường điểm” vì nằm ngay trung tâm Thị Xã, nơi mà bất cứ một thầy cô giáo nào đã có tuổi nghề kha khá hay mới chập chững bước vào nghề cũng mơ ước được về đây công tác để được tự hào. Riêng tôi, đến với trường do hoàn cảnh tôi đã có đứa con thứ nhất được 20 tháng tuổi và tôi đang có mang đứa thứ hai sắp sửa chào đời. Lúc ấy, tôi đã có 5 năm tuổi nghề ở một trường cấp ba của huyện cuối cùng vùng biển mặn và cũng là quê ngoại của tôi. Anh nhà tôi muốn xin cho tôi về dạy học ở một nơi vừa có nhà tập thể vừa có nhà trẻ để tôi có thể vừa gửi con, vừa yên tâm công tác. Ở thời điểm ấy, chỉ có trường cấp ba Nguyễn Đình Chiểu mới có đủ điều kiện như tôi vừa nói. Do đó, l‎í do tôi đến với ngôi trường cũng thật là thực tế và hết sức đời thường…
Ngày 1 tháng 9 năm 1981 tôi có quyết định thuyên chuyển đến trường cấp ba Nguyễn Đình Chiểu nhưng người đi trình diện lại là anh nhà của tôi. Tôi lúc ấy có mang tháng cuối, sắp đến ngày sanh nên tôi ngại quá, không dám mang “cái bầu” đi trình diện. Rồi chỉ một tuần sau, tôi vào bệnh viện sanh đứa con thứ hai. “Mẹ tròn con vuông” xong, hai tháng rưỡi sau (thời kì đó nữ công chức được nghỉ hộ sản chỉ có hai tháng rưỡi) tôi bế con thơ đi nhà trẻ và tôi đi dạy học.
Ngày đầu tiên vào trường, tôi được “ra mắt” Tổ Văn và Thầy Hiệu trưởng Dũng Tiến trong phiên họp lệ kì của Tổ (chiều thứ ba trong tuần) cũng là buổi họp phân công cho tôi, một giáo viên mới của Tổ. Lời nói đầu tiên của Thầy Hiệu trưởng là giới thiệu tôi, vợ của một đồng nghiệp (ám chỉ anh nhà tôi), một nách hai con nhỏ, vì Thầy nể nang và giúp đỡ đồng nghiệp nên mới nhận tôi về đây chứ ngôi trường này từ trước nay không nhận giáo viên có con mọn, vì sợ người có con mọn khó có thể chu toàn công tác của trường! Nghe Thầy nói như vậy tôi buồn trong bụng lắm vì mang mặc cảm của người thọ ơn nhưng không dám để lộ ra ngoài mặt, lại vừa có cảm giác lo sợ không biết mình có đảm đương nổi công tác của trường không! Bấy giờ tôi cúi đầu vừa mắc cỡ vì có hai đứa con sanh liền kề năm trước năm sau, vừa cảm thấy “khớp” vì chung quanh tôi toàn là những bậc thầy cô và đàn anh đàn chị có tuổi đời lẫn tuổi nghề: Thầy Nguyễn Văn Tòng (Tổ trưởng), Cô Phan Thị Huỳnh Cúc (Tổ phó chuyên môn), Cô Nguyễn Thị Lan (Tổ phó công đoàn), Thầy Trần Quang Mân, Thầy Võ Thanh Nghị, Thầy Mai Chí Công (giáo viên A chi viện, hình như bên công an chuyển qua), Cô Nguyễn Phương Thanh, Chị Huỳnh Tấn Kim Thoa, Cô Lí Nam Kiên, Cô Trần Thị Nghĩa (giáo viên A chi viện). Ngoài chị Kim Thoa là đàn chị, ra trường sư phạm trước tôi ba khóa, cũng là bạn cùng hoạt động thời kì sinh viên với anh nhà tôi, nên có sự quen biết trước, phần lớn những thầy cô khác tôi xem như là bậc “trưởng thượng”, trước đây tôi có gặp mặt trong những lần chấm thi tốt nghiệp nhưng chưa trò chuyện bao giờ, vì thế tôi rất e dè, “thủ thế”. Buổi họp lệ kì nhanh gọn, tôi được phân công lãnh trọn thời khóa biểu của Cô Phương Thanh lúc ấy đang điều trị dài hạn vì viêm đa khớp: dạy ba lớp 11A1, 11A3, 11A4 , kiêm chủ nhiệm lớp 11A1, tổng cộng 15 tiết/ tuần. Sau buổi họp đó, Thầy Thanh Nghị đến bên tôi, thăm hỏi, động viên tôi và dặn dò nếu hôm nào mấy cháu “khó ở”, “ấm đầu” cứ nói cho thầy biết để thầy dạy thay cho. Thú thật lúc ấy, tôi vô cùng xúc động trước chân tình của một bậc đàn anh trong nghề. Ấn tượng tốt đẹp về Thầy Nghị đã cho tôi bài học về tình đồng chí, đồng nghiệp của nhà trường xã hội chủ nghĩa vào một thời kì lãng mạn nhất và cảm nhận được chút ấm áp ban đầu của Tổ Văn. Sau này tôi mới biết Thầy Nghị trước kia là giáo viên kháng chiến, sau ngày thống nhất đất nước, thầy đi học đại học sư phạm, hiện thời điểm đó thầy là cán bộ của Phòng Phổ thông Sở Giáo dục. Thầy chỉ dạy hợp đồng 4 tiết/ tuần ở lớp 11A2, nghĩa là cùng một khối lớp tôi mới được phân công.
Tôi chưa kịp nói lời cảm ơn thầy Nghị thì thầy đã ra khỏi phòng họp để đi qua Sở rồi. Kế đó Cô Cúc ân cần đến bên tôi, chỉ cho tôi đến Thư viện mượn sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy. Cô Lan hỏi thăm gia cảnh và các con nhỏ của tôi. Rồi các cô, các chị vây quanh tôi “làm quen”, làm cho tôi không còn cảm giác “người mới” nữa.
Tuần lễ đầu tiên tôi lên lớp rất vất vả vì chưa gửi được các cháu vào nhà trẻ, tôi phải gửi cháu lớn ở nhà bà, mang cháu bé vào phòng học, cháu bé được quấn chặt trong khăn lông to và nằm trên bàn giáo viên say sưa ngủ, không hề quấy khóc. Các em học trò của tôi, nhất là lớp 11A1, lớp chủ nhiệm của tôi, rất ngoan và rất cảm thông, thương cảm cho cô giáo. Thái độ học tập nghiêm túc và ân cần chia sẻ cảm thông của các em đã giúp tôi mạnh dạn tự tin hơn trên bục giảng. Tôi đã đem hết tâm huyết và lòng tận tụy yêu nghề, mến trẻ để truyền đạt tất cả kiến thức có được cho các em. Tuy cuộc sống gia đình lúc ấy cực kỳ khó khăn, nhưng theo tôi, đó là những ngày bình yên hạnh phúc nhất trong thời gian tôi mới về Thị Xã vì quanh tôi có những em học trò hồn nhiên và chân tình.
Thời kì đó, trường có một cơ sở lao động tự túc ở Châu Bình. Thầy trò đã cùng nhau trồng mía nhiều năm liền, thu hoạch rất khá. Để hoạt động này mang đến hiệu quả như vậy, Thầy Hiệu phó Lao động Lương Nhân cùng một số thầy trong Ban Lao động rất vất vả để điều hành công tác. Theo sự phân công của Ban Lao động, các lớp luân phiên đi lao động sản xuất, mỗi tuần có hai lớp cùng với giáo viên chủ nhiệm trực tiếp canh tác và bảo vệ thành quả lao động ở Châu Bình. Đối với tôi, lúc ấy cháu bé còn nhỏ quá, tôi không thể bỏ cháu ở nhà để đi theo lớp chủ nhiệm. Do đó Ban Lao động cử một giáo viên khác thế tôi quản lí lớp: Thầy Nguyễn Văn Chấn, dạy môn kĩ thuật nông nghiệp. Một lần nữa tôi lại mang trong tâm mình lòng biết ơn một đồng nghiệp đã chịu thương chịu khó thay tôi “chăn dắt” cái đám “nhất quỉ nhì ma” ở một nơi chốn ngoài cánh cổng học đường. Lớp chủ nhiệm của tôi mặc dù được tuyên dương ở nhiều mặt, nào là liên tiếp nhiều tuần đạt danh hiệu tuần học tốt, nào là lớp có phong trào Đoàn thanh niên xuất sắc, phong trào văn nghệ, báo chí đứng đầu nhà trường, đạt thành tích xuất sắc trong đợt huấn luyện quân sự học đường…nhưng không phải là lớp “không biết quậy” (những cái “quậy” đáng yêu của tuổi học trò).
Mỗi lần đi lao động tập trung như thế, các lớp được phân công phải tập trung đầy đủ, có mặt tại bến ghe đúng 7 giờ sáng hôm ấy để cùng với thầy cô chủ nhiệm và thầy phụ trách lao động “lên đường”. Để phục vụ cho những chuyến đi lao động đó, nhà trường có một chiếc đò máy, loại đò chuyên chở khách chạy bằng máy nổ rất thông dụng vào thời kì phương tiện vận chuyển còn khá khó khăn. Có một lần lớp tôi đã không tuân thủ nội quy lao động như thế này đây. Đúng giờ tập trung, thầy Chấn điểm danh, nhận thấy lớp vẫn còn vắng mặt một số em nam sinh. Lớp 11A2 (cô Phạm Thị Mỡn chủ nhiệm) cũng vắng mặt vài ba nam sinh. Kể như các em này vắng mặt rồi, chắc chắn sẽ có phê bình kỉ luật đây! Đến giờ xuất phát, đò nổ máy thẳng hướng Châu Bình. Khi đò máy sắp sửa cập vào bến, nghe tiếng reo vui của các nữ sinh trên đò, các thầy cô mới nhận ra nguyên nhân reo vui của các em là chiếc xuồng máy chở một số nam sinh của lớp 11A1 và 11A2 cũng vừa kịp đến nơi an toàn! Kẻ “đầu têu” bày trò lại là một nam sinh trong ban cán bộ lớp của lớp tôi chủ nhiệm. May mà kỳ lao động này không xảy ra sự cố đáng tiếc! Và sự việc này sau nhiều năm khi các em đã trưởng thành, tốt nghiệp đại học, đến thăm tôi mỗi dịp 20/11 mới kể lại cho tôi nghe. Cả lớp đã đồng lòng giấu nhẹm chuyện trên nên tôi không hay biết gì và vẫn đánh giá các em ngoan hiền nhất trường! Từ chuyện trên, tôi có thêm bài học là muốn đánh giá đúng học sinh, người thầy phải gần gũi các em từ trong đến ngoài ghế nhà trường mới thấu hiểu học sinh của mình.
Năm học kế tiếp, tôi được Tổ Văn phân công dạy lớp 12 và kiêm nhiệm phụ trách Phòng Phát thanh báo chí, cắt dán băng rôn mỗi dịp lễ lạc. Bấy giờ tôi đã được Công đoàn cơ sở cấp cho một gian phòng ở tập thể phía sau trường. Các con tôi: Tuyết Tiên và Tuyết Văn đều được các cô Vân, cô Thiệt, nhủ mẫu trong nhà trẻ, chăm sóc tốt. Thời đó, các thầy cô có con nhỏ cũng đều gửi con vào nhà trẻ của trường: Thầy Mân gửi bé Quang Diệu, Thầy Lương Nhân gửi 2 cháu Ngọc Nghĩa, Ngọc Lễ, Thầy Thọ và Cô Phụng gửi 2 cháu Thái Bảo, Thái Huy, Thầy Tuấn gửi cháu Minh Duy… Đó cũng là điều kiện tốt để các thầy cô cũng như tôi dốc hết tâm sức trau dồi chuyên môn của mình. Rồi một cơ hội tốt đến với tôi, tạo điều kiện cho tôi học tập thêm và nâng cao năng lực chuyên môn là lúc Phòng Phổ thông Sở Giáo dục chọn tôi làm giáo viên giảng minh họa cho Hội nghị chuyên đề Giảng dạy thơ văn Hồ Chủ Tịch trong các năm học 1983-1984, 1984-1985. Nhờ sự hướng dẫn của Cô Hoàng Thị Liêu và kế thừa vốn kiến thức của các Thầy Cô trong Tổ Văn cộng với sự cố gắng nỗ lực của bản thân, tôi nhận thấy bước đi chuyên môn của mình ngày càng vững vàng mạnh dạn hơn rất nhiều. Tôi cảm thấy tự tin và rất sẵn sàng dạy thao giảng trước Hội nghị toàn tỉnh, tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, tham dự các Hội nghị chuyên môn toàn quốc ở Hà Nội, ở Huế, ở Đà Nẵng, ở Vũng Tàu…
Sau vài ba năm học, hai con gái của tôi lần lượt rời nhà trẻ để bước chân vào trường Mẫu giáo. Các cháu được chăm sóc chu đáo từ những năm tháng đầu tiên nên phát triển rất tốt, có nề nếp, ngoan ngoãn và lễ phép. Nhiều lúc tôi chạnh nghĩ nếu lúc trước tôi luyến lưu quê ngoại, không muốn rời xa ngôi trường thân thương Thạnh Phú, liệu hai con gái tôi có được phát triển lớn khôn như thế không?! Từ những suy nghĩ đó, tôi nhận thức được điều này, nhờ có Công đoàn cơ sở và các bộ phận chăm sóc đời sống của giáo viên cán bộ công nhân viên mà tôi có thể vừa tổ chức nuôi dạy hai con vừa toàn tâm toàn ‎y công tác hết sức mình. Khu tập thể giáo viên tuy chật hẹp và thiếu đủ thứ tiện nghi nhưng trong một thời buổi nhà nước bao cấp mọi thứ thì tôi cho rằng như thế “cũng tạm được”: có chỗ cho một gia đình nho nhỏ sinh hoạt ăn uống ngủ nghỉ, có bàn ghế cho thầy cô soạn bài và con cái ngồi học bài, có sân chơi trước mỗi phòng để các cháu có thể chơi đùa, có khoảnh đất bé bé để trồng một vài dây mồng tơi tim tím, một giàn đậu móng chim trái đeo thành chùm, một luống rau muống, rau lang cho bữa cơm thêm hương vị…Thế là quá đủ! Nhưng theo tôi, đời sống tinh thần mới quan trọng: mỗi buổi chiều khi sinh hoạt của trường học tạm lắng, các đồng nghiệp bây giờ gặp nhau nơi hồ nước công cộng. Người thì tắm giặt, người thì rửa chén bát, người thì vo gạo thổi cơm chiều…Trong không gian chật hẹp độ chừng chục mét vuông, mọi người chen chúc, nhường qua nhịn lại, râm ran vài ba câu chuyện vui vui cũng thấy ấm tình. Các cháu nhỏ túm tụm lại chơi trò búng thun. Khoảng chừng tám giờ tối, bên nhà Thầy Quang Châu giọng ca ấm áp của thầy cất lên một bản tình ca, từ nhà tôi, âm thanh tiếng đàn tây ban cầm của anh nhà réo rắt bản Sonate Ánh trăng…Phía xa kia, ở cuối dãy nhà tập thể nơi gia đình của Thầy Văn Hạnh đang chuẩn bị nồi nước lèo để bán căn tin vào sáng sớm hôm sau…Những âm thanh thân quen làm tôi nhớ thương rất lâu sau khi rời khu tập thể và ngay cả khi tôi ngồi đây hồi nhớ ghi lại những dòng này. Tôi cảm ơn Công đoàn cơ sở nhà trường và những thầy cô đã từng trải qua chức danh Thư Kí Công đoàn mà sau này là Chủ tịch Công đoàn: Thầy Lương Nhân, Thầy Lê Ngọc Sện, Thầy Nguyễn Văn Hạnh, Cô Nguyễn Thị Sang, Thầy Nguyễn Văn Đầy, Thầy Võ Thanh Vân… và nhiều thầy cô khác trong Ban Chấp hành đã giúp tôi đi qua “thời kì lửa đỏ và nước lạnh” và cho tôi nhận biết ‎ý nghĩa cuộc sống và tình người. Nhiều người trong số đó đã đi xa vĩnh viễn nhưng còn để lại trong lòng tôi bao nhiêu là biết ơn và yêu mến.
Chính tình cảm của những thầy cô làm công tác Công đoàn gây cho tôi nhiều thiện cảm và bản thân tôi cùng gia đình đã nhận được nhiều ưu ái của Công đoàn nên khi Cô Lan giới thiệu tôi ứng cử vào Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, tôi đã không chối từ. Năm học 1989-1990, tôi bắt đầu nhận công tác kiêm nhiệm: Trưởng ban Nữ công của Công đoàn cơ sở và nhiệm vụ này theo tôi cho đến khi tôi nghỉ hưu vào tháng 1 năm 2007. Năm học 1991-1992, tôi được Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở tín nhiệm giao cho nhiệm vụ Chủ tịch Công đoàn cơ sở và vẫn kiêm nhiệm Trưởng ban Nữ công. Nhận trách nhiệm nào tôi cũng tự nhủ mình phải cố gắng học hỏi thầy cô đi trước đồng thời phải tự thân vận động, tự tìm hiểu sách báo, tư liệu liên quan và lấy phương châm “vì quyền lợi của công đoàn viên” mà thừa hành công tác. Bây giờ, nhìn lại một thời năng nổ hoạt động, công tác không biết mệt mỏi, tôi có thể nói lên một điều rằng dù làm công tác kiêm nhiệm hay công tác chuyên môn, tôi đã làm bằng chính cái tâm yêu thương và hết lòng “mình vì mọi người”. Mỗi lần đến với gia đình của các công đoàn viên để chia sẻ khi hữu sự, tôi thấu hiểu bài học “cho nhận, trả vay” của cuộc sống này và tâm nguyện xem ngôi trường này là gia đình thứ hai của tôi, những thầy cô, bạn hữu đồng nghiệp chính là những người chú, bác, cô, dì, là anh, chị, em rất thân yêu của tôi.
Từ năm học 2000-2001 cho đến 31/12/2006, khi phụ trách công tác quản lí chuyên môn Tổ Văn, dù tôi đã bắt đầu ở tuổi xế chiều, tôi vẫn không ngừng vươn lên học hỏi công nghệ mới để đáp ứng được thời đại thông tin, đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá chất lượng học tập của học sinh. Đối với các chị em đồng nghiệp trong Tổ, tôi luôn động viên họ tự khẳng định bằng chính năng lực của mình. Các thành viên trong Tổ luôn đoàn kết gắn bó và tương trợ nhau để mỗi cuối năm học đều đạt được thành tích Tổ Lao động Xã hội chủ nghĩa, đóng góp vào thành tích chung của trường. Có được những kết quả khả quan như vậy tôi nghĩ trước hết là nhờ trí tuệ và tâm lực của các thầy cô đi trước đã đặt nền móng cho chúng tôi đi sau kế thừa. Mặt khác, nhờ sự lãnh đạo của Chi Bộ Đảng, sự chỉ đạo của Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn mà Tổ Văn lớn mạnh như ngày nay. Mỗi năm đón nhận thành tích của Tổ cũng như thành tích chung của trường, tôi thầm cảm ơn Thầy Hiệu trưởng Dũng Tiến đã khéo nhắc nhở tôi ngay trong phiên họp phân công đầu tiên khi tôi mới về trường. Tôi cũng muốn nhắn gửi đến các bạn đồng nghiệp trẻ đang công tác hãy mạnh dạn nhận nhiệm vụ để tự khẳng định mình và giúp mọi người bỏ qua thành kiến: Có con mọn không thể chu toàn công tác của trường!
Nói gì thì nói, tôi cũng không bao giờ quên được ngôi trường cấp ba Thạnh Phú. Đó là nơi tôi đã đặt những bước chân háo hức nhiệt tình đầu tiên trên bục giảng, nơi tôi đón nhận rất nhiều tình cảm quê hương, tình thương mộc mạc của phụ huynh học sinh và bà con cô bác xóm giềng. Nơi đó tôi có những người bạn đồng nghiệp cùng chung lứa tuổi, cùng chung lí tưởng, yêu thương đùm bọc san sẻ vui buồn, khó khăn thử thách của vùng đất cùng trời cuối đất. Đó là nơi tôi đã hào phóng giảng cho học sinh rất nhiều kiến thức và nhận được rất nhiều lòng quí trọng của các thế hệ học sinh đầu tiên của tôi và cũng là nơi nảy nở tình yêu rất đằm thắm và riêng tư của hai chúng tôi, nơi kết tinh những tình cảm thiêng liêng mà tôi không thể rời bỏ được. Tôi yêu Thạnh Phú một cách và yêu Nguyễn Đình Chiểu một cách khác. Tôi yêu các thế hệ học sinh của trường Nguyễn Đình Chiểu, các em là nguồn động lực rất lớn để giúp tôi đứng vững trên bục giảng dù bao biến động thăng trầm bên ngoài nhà trường một thời đã tác động không nhỏ đến đời sống của giáo viên. Tôi rất biết ơn tập thể sư phạm của Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu, nơi có những bậc thầy tâm huyết với ngành với nghề cho đến hơi thở cuối cùng. Chính nơi này đã cưu mang nuôi dưỡng và giúp đỡ tôi toại nguyện ước mơ “làm cô giáo”. Xin một phút lắng lòng tưởng nhớ đến bao thế hệ Thầy Cô đã dốc hết tâm trí, sức khỏe và nhiệt huyết thanh niên của mình cho ngôi trường Nguyễn Đình Chiểu thân thương.
T.P Bến Tre, 10/3/2011.

Thứ Hai, 21 tháng 3, 2011

5. MỘT CHÚT NGẬM NGÙI TRÊN PHỐ TÀU (CHINA TOWN)

Khi ba mẹ con đã bước xuống xe buýt rồi, con gái tôi mới nhận ra đã tính sai đường đi. Từ trạm xe này, còn phải đi vòng qua lại cả mấy khu phố nữa mới có thể đến China Town. Mặc dù có hơi mỏi chân, nhưng nhờ khúc đường vòng qua lại này tôi mới có dịp nhìn tận mắt đời sống của cư dân ở đây.
Qua mấy dãy phố hơi thấp và cũ kỹ, thoạt nhìn tôi cứ tưởng mình đang đi giữa khu phố mua bán ở Chợ Lớn (Quận 5, Sài Gòn). Cũng những cửa hàng bán thuốc bắc, cửa hàng bán dụng cụ y tế, cửa hàng bán quần áo may sẵn, cửa hàng bán giày dép, tiệm bánh, quán trà, quán ăn… nhưng hơi khác với Chợ Lớn, các cửa hàng ở đây không chiếm dụng lề đường. Trên lề đường, người đi bộ khá đông. Từng tốp ba, tốp năm vừa đi vừa chuyện trò vui vẻ. Hòa trong dòng người đó, ba mẹ con tôi cũng vừa đi vừa cười nói huyên thuyên (bao giờ cũng vậy, con gái út liến thoắng, nói không ngừng, đủ thứ “đề tài”). Ở đây, cư dân rất đa dạng, vừa có người Trung Hoa, vừa có người Ấn Độ, vừa có người Mã Lai… Qua cách ăn mặc, ta có thể nhận biết họ. Tuy nhiên, không ai để ý dòm ngó ai hết. Mọi người cứ thản nhiên đi trên đường theo lề trái, đúng theo luật đi đường ở Sin.

Gần đến ngã tư đường, trước một tiệm buôn lớn, bảng hiệu đèn nê ông rực sáng, xung quanh nhấp nháy ánh đèn màu li ti như những vì sao lạc. Đó là một cửa hàng thời trang hiện đại. Chiếc tủ kính chiếm một vị trí quan trọng trước mặt tiền. Bên trong tủ kính, hai “cô mannequin” trong hai bộ trang phục dạ hội đỏ rực, ánh lên những hạt kim sa thêu rồng phụng đính trên ngực áo, thật sang trọng! Một vài ông cụ người Trung Hoa đang ngồi xổm, quay lưng vào cửa hàng, chăm chú với cái nhìn đăm đắm. Trên lề đường là hai nghệ nhân đang “hành nghề”: Người đàn ông vóc dáng tầm thước, giống như một nghệ sĩ về chiều, có lẽ ngoài 60 tuổi, mặc chiếc áo khoác màu đen, hơi nhàu, cổ đứng, hàng nút thắt ở giữa dọc thân áo hơi xô lệch, đang nhắm nghiền đôi mắt thả hồn theo âm thanh thê thiết phát ra từ chiếc kèn rất đặc trưng của cổ nhạc Trung Hoa. Người phụ nữ còn trẻ hơn nhưng có lẽ cũng ngoài 50, “mặt hoa da phấn” trang điểm giống như các vai chính kịch của Trung Hoa. Bộ trang phục sặc sỡ, đính nhiều hạt kim sa lấp lánh nhưng không giấu được cái vẻ cũ kỹ, cùng với cái mũ kềnh càng cũng đính đầy hạt ngọc trai giả, trông diêm dúa, kệch cỡm. Bà ta cũng đang đắm mình hóa thân vào vai một nhân vật nào đó trong một tuồng tích cổ. Phía trước họ, chiếc nón bằng nan tre đang lật ngửa trên lòng lề đường, bên trong nón lấp lánh những đồng tiền xu của ai đó đặt vào tự bao giờ.

Hai đứa trẻ thấy tôi có ‎ý muốn xem nên cũng dừng lại. Không hiểu sao tôi lại xúc động, ngậm ngùi! Giữa khu phố sầm uất, phồn hoa đô hội, hiện đại nhất nhì khu vực Đông Nam Á, hai con người già nua tuổi tác đang vắt kiệt sức mình để kiếm sống trên hè phố về đêm. Sự tương phản giữa không gian rực rỡ ánh đèn màu của chốn ăn chơi xa xỉ, người qua kẻ lại tấp nập (nhưng rất ít người dừng lại) với điệu kèn thê thiết hòa cùng giọng hát khàn đục lạc lỏng của hai nghệ nhân đường phố đem lại cho tôi một cảm giác nhoi nhói nơi trái tim mình. Không hiểu được ý nghĩa lời hát, không rành tuồng tích cổ Trung Hoa, nhưng tôi chừng như cảm nhận trong tiếng nấc nghèn nghẹn của giọng hát và những âm thanh đứt đoạn rã rời của điệu kèn (biết có phải!?) là nỗi lòng của nàng Dương Quý Phi ở Mã Ngôi!
Dòng người đi mỗi lúc một đông hơn, không khí rộn rịp càng lúc càng nóng hơn, nhưng hình như chốn này thuộc về một thế giới khác. Thỉnh thoảng, điệu nhạc rock từ một quán giải khát gần đấy gầm gừ vọng lại tạo thành một âm thanh hỗn tạp, ngỡ ngàng. Một làn gió mát thoáng qua không biết có làm mát lòng đôi vợ chồng nghệ sĩ về chiều? Chuyến tham quan chiều chủ nhật khép lại để lại trong lòng tôi biết bao niềm trắc ẩn sâu xa!

4. MỘT GÓC TRỜI RIÊNG (SINGAPORE BOTANIC GARDENS)


Hôm đó là một ngày chủ nhật đẹp trời! Cô con gái út bảo: Hôm nay mình đi Botanic Gardens nha má, P ở đây mấy năm rồi mà chưa đi B.G lần nào! (Cũng phải thôi vì con rể tôi sang đây đi làm chứ có phải du lịch đâu, mà đi chơi thì phải có người thân hoặc “người yêu” đi cùng mới thú vị chứ bộ!)

Thế là ba mẹ con chuẩn bị đi B.G bằng xe buýt. Thật là tiện lợi vì B.G không xa trung tâm thành phố mấy, trạm xe lại đậu ngay cổng vào. Nhìn những dòng chữ ghi trước cổng, người ta biết được lịch sử xa xưa của vườn hoa rồi đó. Nếu tính từ khi được Ngài Stamford Raffles thành lập đầu tiên, B.G đã có gần 200 tuổi. Vậy là B.G thuộc vào hạng “lão” trong lãnh vực vườn bách thảo ở Đông Nam Châu Á. Nếu tính diện tích, G.B cũng “có hạng” với 64 hecta. Thật đáng nể!

Theo sơ đồ chỉ dẫn, chúng tôi men theo con đường nhựa rợp mát bởi những tán cổ thụ vĩ đại. Thảm thực vật của B.G không khác thảm thực vật của Vườn thú Sài Gòn vì cả hai cùng trong khu vực Đông Nam Châu Á, nhưng cây cối ở đây có vẻ rậm rạp và hoang sơ hơn nhiều. Chỉ mới hơn 2 giờ chiều, nhưng dường như bóng mặt trời đã lặn?! Hay là trời sắp chuyển mưa? Bầu không khí có vẻ âm u, lành lạnh. Càng đi sâu vào khu rừng, không gian càng bí hiểm. Con gái nói Sin mưa nắng thất thường hoài chứ gì má! Con rể thì buột miệng hỏi không biết trong rừng này có cọp không? Í ẹ… Nói vậy nhưng rồi ba mẹ con cùng cười vang và rảo bước nhanh thêm.

Qua hết khu rừng nguyên sinh, chúng tôi đến khu “Vườn gừng” (Ginger Garden) và “Vườn lan” (National Orchid Garden). Ba mẹ con bắt đầu có sự lựa chọn: Vô vườn nào trước? Con gái nhanh miệng: Vô Vườn lan đi má ơi! Thật vậy, chỉ nhìn thấy phía bên ngoài cổng Vườn lan trang trí bằng nhiều giống lan lạ mắt và màu sắc phong phú làm thành một thảm lan rực rỡ có vẻ mời mọc, dù không phải là người yêu hoa ta cũng phải “phải lòng” trước tiên (Rất tiếc là tấm ảnh chụp phía trước cổng Vườn lan đã bị xóa mất trong lúc con gái tôi loay hoay điều chỉnh cái máy ảnh với hy vọng tăng dung lượng thẻ ghi hình). Hình như mọi du khách khi đến đây cũng có sự lựa chọn như con gái tôi vì tôi nhìn thấy dòng người xếp hàng mua vé vào cổng Vườn lan có phần đông hơn.

Trước đây, tôi cứ tưởng Thái Lan là vương quốc của các giống hoa lan, nhưng khi đặt chân vào Vườn lan quốc gia của Singapore (National Orchid Garden) tôi mới biết ở đây có hơn 20.000 loài phong lan, còn trong một tài liệu khác lại nói có đến 700 loài lan tự nhiên và 3000 loài lan lai và NOG được đánh giá là vườn trưng bày lan lớn nhất thế giới, là thiên đường của các loài lan! Wa! Đáng khâm phục! Vì thế mà quốc hoa của Sin đã chọn lan Vanda Miss Joaquim, một loài hoa vương giả, làm biểu tượng! Và hoa lan đã hiện diện khắp nơi khi khách du lịch vừa đặt chân xuống sân bay Changi.

Từ lối vào vườn lan, ba mẹ con dạo bước trên con đường trải nhựa sạch mát. Tràn ngập trong không gian, hương hoa thơm ngát, thanh khiết. Chúng tôi khoan khoái hít sâu thở mạnh để tận hưởng không khí tự nhiên của khu rừng nhiệt đới hoang vắng. Sau khi lướt qua những lùm cây nhiệt đới sinh động đan xen một cách hài hòa với những thác nước, đài nước phủ đầy hoa lan nhiều màu sắc mà nổi bật là màu tím đặc trưng của phong lan, chúng tôi đến khu vườn trồng lan Vanda. Trong không gian thoáng đãng, những cành lan vươn cao rung rinh trong gió chiều. Những cánh hoa phớt hồng, mỏng manh, quý‎ phái đang hân hoan chào đón chúng tôi. Sau đó, chúng tôi đến Nhà sương Tan Hoon Siang. Nơi đây sưu tầm và trưng bày những loài hoa lan quý hiếm. Trong ánh sáng huyền ảo của màn sương nhân tạo, những cành lan càng lộng lẫy, càng quyến rủ khách nhàn du.

Từ lâu, tôi đã ao ước được sở hữu một giàn lan, với một vài giò lan hồ điệp, lan vũ nữ, Dendrobium… chỉ là một vài loại thông thường, không nhiều tiền lắm. Và thực tế ở nhà tôi, con gái út cũng đã “sắm” cho tôi một giàn lan như vậy rồi. Hằng ngày, tôi đều chăm chút tưới tắm, săm soi các “em Lan”, nhưng thỉnh thoảng mới nhận được một vài bông hoa lẻ mọn, mong manh. Bởi vậy, khi đặt chân vào Nhà sương Tan Hoon Siang rồi, cảm giác của tôi dường như là ngất ngây bởi vẻ đẹp, sự phong phú, sự đa dạng và sự quyến rủ của nhiều giống lan rất lạ so với hiểu biết của tôi. Tôi đã “làm người mẫu” đứng bên cạnh tất cả các giò lan, chậu lan, chiếc trống lan… trong Nhà sương để con gái chụp hình, đến nổi chật cứng cái thẻ nhớ 256 MB của chiếc máy Canon. (Thế là con gái phải loay hoay tìm cách để có thể chụp hình tiếp ở chặng tham quan phía trước. Trong tích tắc, bỗng con gái hốt hoảng: Chết rồi! Con bấm nhầm nút xóa, bay mất hết hình rồi Má ơi! Đó là “sự cố kỹ thuật” bất ngờ khiến loạt hình chụp từ chỗ Nhà sương trở về trước không còn nữa).
Thêm một “cái xui” nữa là ngoài trời mưa bắt đầu nặng hạt. Không gian trở nên âm u, bí hiểm như trong truyện cổ tích. Trong Nhà sương bây giờ chỉ còn ba mẹ con tôi. Bất giác tôi có cảm giác ớn lạnh rùng mình trong cái không gian huyễn hoặc đó. Dù sao cũng phải chờ cơn mưa đi qua nên chúng tôi lân la khá lâu trong này. Bây giờ, con gái tôi muốn ghi lại hình ảnh trong Nhà sương nhưng cái đèn flash hơi yếu, không còn chụp tốt như cách đây 30 phút. (Khi về nhà, xem lại hình ảnh đoạn này, chất lượng hình không được đẹp nữa và “người mẫu” thì mặt mày “méo xẹo” do tiếc đoạn hình đã chụp ban đầu bị “bay mất”!!!).
Lát sau, mưa dứt. Chúng tôi rời Nhà sương, đi ngang qua Vườn dứa. Những giống cây này được nhập khẩu từ Trung và Nam Phi. Nó chỉ lạ mắt thôi chứ không hấp dẫn đối với chúng tôi. Nhìn những chiếc lá gai nhọn sắc chỉa tua tủa, tôi có cảm giác rát ngứa, nên không muốn dừng lại lâu ở nơi này.
Chúng tôi tiếp tục trên lộ trình và đi đến Nhà lạnh (Cool House). Con rể vừa cầm tay nắm mở cánh cửa nhôm kính của Nhà lạnh, một luồng khí lạnh ùa ra cùng với làn khói cũng lạnh buốt. Bên trong Nhà lạnh, trần nhà lợp bằng loại tôn sáng nên không gian vẫn giống với bên ngoài thiên nhiên. Có điều nơi đây mô phỏng một khu rừng nhiệt đới trên núi cao, cây và đá xen lẫn với vô vàn loài lan quý và những cây ăn thịt kỳ lạ. Không khí lạnh, trong lành và đầy sương ẩm ướt. Chúng tôi bước từng bước cẩn thận vì sợ trượt ngã. Âm thanh tiếng nước suối chảy róc rách hai bên đường đi gây cho ta cảm giác đang lạc bước vào một khu rừng thực sự. Những giống lan trong Nhà lạnh rất lạ, có những giống lan tôi chưa từng thấy bao giờ. Vì không khí ẩm ướt quá nên con gái không dám lấy máy ảnh ra ghi hình. Thật tiếc!
Rời Nhà lạnh, chiếc cầu dây văng bằng thép với dây leo của các loài cây rừng hoang dại quấn qu‎ýt hai bên đưa chúng tôi đến những mái lều có đặt những chiếc ghế xi măng giả gỗ bên trong làm chỗ nghỉ chân cho khách. Ba mẹ con ngồi nghỉ chân, dùng một ít trái cây, bánh ngọt, nước giải khát tự mang theo. Chúng tôi chỉ tham quan một góc rất nhỏ của SBG mà cảm thấy chân cẳng rã rời.
Mặt trời đã xuống thấp từ lâu. Không gian yên tĩnh ở đây hãy còn mời mọc chúng tôi nhưng cái bụng đói bắt đầu réo gọi. Con gái kêu lên: P ơi! Mình đưa má đi ăn Phố Tàu đi anh! Từ chỗ này đi ra cổng cũng khá xa. Chúng tôi sợ trời tối không thấy đường đi, nên rảo bước nhanh thêm. BG không để chúng tôi lo sợ, những ngọn đèn vàng dọc theo đường đi bắt đầu chiếu sáng. Hình như BG mở cửa đến tận 12 giờ đêm kia mà! Trên đường, chúng tôi bắt gặp một vài nhóm du khách đi ngược chiều với chúng tôi. Có lẽ đây là những vị khách mới vào tham quan. Ở xứ sở văn minh, dường như bóng đêm không phải là một trở ngại cho con người. Càng về đêm, cuộc vui của con người càng đa dạng phong phú hơn nhiều. Đang đứng chờ xe búyt, bất giác tôi nghĩ đến quê hương xứ sở của mình mà ước mong sao Thảo Cầm Viên của chúng ta tổ chức được những không gian xanh thân thiện như Vườn Bách Thảo của nước bạn.