Thứ Năm, 2 tháng 12, 2010

ĐI MƯỜI NGÀY ĐÀNG...

3. NHÀ HÁT SẦU RIÊNG ( VICTORIA ESPLANADE)

Buổi chiều ngày thứ hai trên đất Sin là một ngày thứ bảy cuối tuần, con rể tôi nói với vợ: mình đưa má đi vịnh Marina đi em! Con gái nháy nháy với tôi: Chỗ đó nhìn qua thấy công trình của P đó má! Con rể cười khoan khoái…
Nắng chiều chưa tắt hẳn nhưng khu vực xung quanh nhà hát Victoria Esplanade đã đông nghịt: Có nhiều gia đình cha mẹ, ông bà, con cái đều có mặt ở đây, ngồi trên những bậc tam cấp để ăn uống, trò chuyện. Đông nhất là thanh niên nam nữ, họ ngồi bên nhau thật tình tứ và hạnh phúc… Gần đây, tôi và ông xã tôi bỗng dưng dễ dãi và rất thông cảm với bọn trẻ khi thấy bọn chúng biểu lộ tình cảm khi bên nhau, có lẽ chúng tôi cảm thấy xã hội mình bây giờ quá nhiều bạo lực, hiếm có những tình cảm yêu thương! Cuộc đời chúng ta lắm nỗi lo toan, sao chúng ta không yêu thương nhau để cuộc đời thêm hương vị nhỉ!
Những tia sáng cuối ngày vẫn còn ánh lên cuối chân trời, phía có nhiều tàu cập theo bến cảng. Con rể tôi “nói nịnh” má vợ: Má đứng chỗ này đi, con chụp cho má một pô lấy luôn cảnh Marina Bay Sands phía sau lưng má, đẹp lắm đó! Con gái lại phụ họa theo: má chụp hình là đẹp nhất “dzồi”!
Chúng tôi tiến vào bên trong nhà hát. Hôm nay là chiều cuối tuần. Một dàn nhạc hòa tấu và dàn hợp xướng đang biểu diễn miễn phí trong đại sảnh. Khán giả đã ngồi kín trên các hàng ghế xếp sẵn. Lại có khá đông khán giả đứng phía ngoài. Khi chúng tôi đến nơi, một giọng soprano bắt đầu khắc khoải với bản Comeback to Soriento. Phần phụ họa của bè trầm lắng đưa hồn khán giả về một quê xứ nhớ nhung nào đó… Có lúc cung đàn violon tha thiết làm thổn thức tâm hồn của kẻ xa quê lạc lối về. Nhạc buông chùng, chậm dần, chậm dần và kết thúc trong tràng pháo tay kéo dài không dứt. Được sống trong không gian âm nhạc thính phòng sang trọng thật hạnh phúc biết bao! Ước gì người dân ở xứ tôi cũng có được cuộc sống tinh thần phong phú tương tự như thế! Sau mỗi màn trình diễn, dàn nhạc và dàn hợp xướng tạm nghỉ dăm phút rồi tiếp tục giới thiệu một bài hát khác. Toàn là những tác phẩm âm nhạc kinh điển của thế giới đã từng gây những dấu ấn đặc biệt trong lòng người hâm mộ. Tôi ao ước phải chi có ông xã tôi đi cùng tôi hôm nay để giải thích cho tôi nghe xuất xứ, nguồn gốc của những bản nhạc nổi tiếng ấy vì tôi không sành âm nhạc bao nhiêu!
Khi bản nhạc cuối cùng chấm dứt cho lượt trình diễn chiều nay, những tràng pháo tay vang dội lặp đi lặp lại nhiều lần tưởng chừng không dứt thì trên sân khấu các nghệ sĩ cũng cúi đầu chào khán giả liên tục nhiều lần mà không thể rời sân khấu được. Tuy không có hoa tặng cho các nghệ sĩ, nhưng màu trang phục đỏ thắm của các nghệ sĩ dưới ánh đèn sân khấu lung linh tưởng như những bông hoa di động đang nở bừng tràn ngập sảnh đường.
Theo dòng người ra về, chúng tôi nhận thấy phía bên ngoài sảnh đường nhà hát, các họa sĩ đang triển lãm nghệ thuật sắp đặt với giấy vụn. Từ những mẩu giấy (tương tự giấy toilet) các nghệ sĩ tạo hình người, hình thú, các loại trang phục và các vật dụng thường dùng, rồi sắp đặt trong một không gian nghệ thuật với những ẩn dụ thú vị. Tôi không biết mình có hiểu trúng ý của tác giả không nhưng tôi linh cảm rằng tác phẩm đã gửi đến công chúng một thông điệp về sự cảnh báo ô nhiễm môi trường trong thời đại hiện nay!
Khi rời khỏi nhà hát, ba mẹ con tôi đi trên một chiếc cầu bắc ngang sông Singapore để tiến qua tượng đài đầu sư tử phun nước, biểu tượng của đảo quốc sư tử. Trên cầu đã có khá đông các nhà nhiếp ảnh không chuyên ( đó là những du khách) với những chiếc máy ảnh đủ kiểu, đang chọn góc nhìn để chụp cho được hình ảnh người thân của mình đưa bàn tay hứng lấy vòi nước phun từ miệng đầu sư tử. Con rể tôi cũng bày trò cho tôi và con gái tôi đứng trong tư thế đưa bàn tay hứng lấy những tia nước. Chung quanh khu vực này, du khách đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Tôi dễ nhận ra họ nhờ màu da, màu tóc hoặc nhờ trang phục. Có những người châu Âu, họ đang sải những bước dài đi bên nhau hoặc ngừng lại để ghi vài hình ảnh trong chiếc máy của họ. Có một tốp du khách Hàn Quốc hay Nhật Bản không rõ vì khó phân biệt ở đôi mắt nhỏ tí, vừa hẹp vừa dài, trang phục áo pull quần jean không có nét đặc trưng lắm. Họ trò chuyện rất nhỏ nhẹ và kín đáo. Lại có những gia đình người Ấn Độ, gồm cha mẹ, vợ chồng, con cái cùng nhau vừa đi vừa trò chuyện rất vui vẻ. Thật là một cảnh tượng sinh động hào hứng!
Dòng người tấp nập trên đường đưa chúng tôi đi bộ khá xa nhưng không thấy mỏi chân vì chung quanh mình từng tốp năm, tốp ba xuôi ngược trên đường nói cười huyên thuyên, phố sá rực rỡ ánh đèn màu. Chúng tôi dường như không còn ‎ý niệm về thời gian nữa. Khung cảnh thành phố rộn rịp, ánh sáng phồn hoa đô hội và đám đông đã đánh lừa cảm giác mình mất rồi!

2 nhận xét:

Gà ròm nói...

Má ơi P nịnh Má tiếp nè: "Má vợ của anh viết hay quá em ơi!!!" hí hí hí

Kim Hiền nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.