Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

NGÔI TRƯỜNG, NƠI NUÔI TÔI TRƯỞNG THÀNH…

(Tôi ghi lại kỉ niệm đối với ngôi trường cưu mang tôi khi khốn khó và nuôi dưỡng tinh thần tôi cho đến lúc tôi trưởng thành, thay cho lời cảm ơn! )

Tôi rời Thạnh Phú, và tôi về Nguyễn Đình Chiểu. Những ngày đầu tiên tôi tưởng tôi bị cắt rời khỏi trái tim mình. Và … tôi quen dần! Tháng 9 năm 1981, tôi đến với ngôi trường lúc ấy có thể gọi là “trường điểm” vì nằm ngay trung tâm Thị Xã, nơi mà bất cứ một thầy cô giáo nào đã có tuổi nghề kha khá hay mới chập chững bước vào nghề cũng mơ ước được về đây công tác để được tự hào. Riêng tôi, đến với trường do hoàn cảnh tôi đã có đứa con thứ nhất được 20 tháng tuổi và tôi đang có mang đứa thứ hai sắp sửa chào đời. Lúc ấy, tôi đã có 5 năm tuổi nghề ở một trường cấp ba của huyện cuối cùng vùng biển mặn và cũng là quê ngoại của tôi. Anh nhà tôi muốn xin cho tôi về dạy học ở một nơi vừa có nhà tập thể vừa có nhà trẻ để tôi có thể vừa gửi con, vừa yên tâm công tác. Ở thời điểm ấy, chỉ có trường cấp ba Nguyễn Đình Chiểu mới có đủ điều kiện như tôi vừa nói. Do đó, l‎í do tôi đến với ngôi trường cũng thật là thực tế và hết sức đời thường…
Ngày 1 tháng 9 năm 1981 tôi có quyết định thuyên chuyển đến trường cấp ba Nguyễn Đình Chiểu nhưng người đi trình diện lại là anh nhà của tôi. Tôi lúc ấy có mang tháng cuối, sắp đến ngày sanh nên tôi ngại quá, không dám mang “cái bầu” đi trình diện. Rồi chỉ một tuần sau, tôi vào bệnh viện sanh đứa con thứ hai. “Mẹ tròn con vuông” xong, hai tháng rưỡi sau (thời kì đó nữ công chức được nghỉ hộ sản chỉ có hai tháng rưỡi) tôi bế con thơ đi nhà trẻ và tôi đi dạy học.
Ngày đầu tiên vào trường, tôi được “ra mắt” Tổ Văn và Thầy Hiệu trưởng Dũng Tiến trong phiên họp lệ kì của Tổ (chiều thứ ba trong tuần) cũng là buổi họp phân công cho tôi, một giáo viên mới của Tổ. Lời nói đầu tiên của Thầy Hiệu trưởng là giới thiệu tôi, vợ của một đồng nghiệp (ám chỉ anh nhà tôi), một nách hai con nhỏ, vì Thầy nể nang và giúp đỡ đồng nghiệp nên mới nhận tôi về đây chứ ngôi trường này từ trước nay không nhận giáo viên có con mọn, vì sợ người có con mọn khó có thể chu toàn công tác của trường! Nghe Thầy nói như vậy tôi buồn trong bụng lắm vì mang mặc cảm của người thọ ơn nhưng không dám để lộ ra ngoài mặt, lại vừa có cảm giác lo sợ không biết mình có đảm đương nổi công tác của trường không! Bấy giờ tôi cúi đầu vừa mắc cỡ vì có hai đứa con sanh liền kề năm trước năm sau, vừa cảm thấy “khớp” vì chung quanh tôi toàn là những bậc thầy cô và đàn anh đàn chị có tuổi đời lẫn tuổi nghề: Thầy Nguyễn Văn Tòng (Tổ trưởng), Cô Phan Thị Huỳnh Cúc (Tổ phó chuyên môn), Cô Nguyễn Thị Lan (Tổ phó công đoàn), Thầy Trần Quang Mân, Thầy Võ Thanh Nghị, Thầy Mai Chí Công (giáo viên A chi viện, hình như bên công an chuyển qua), Cô Nguyễn Phương Thanh, Chị Huỳnh Tấn Kim Thoa, Cô Lí Nam Kiên, Cô Trần Thị Nghĩa (giáo viên A chi viện). Ngoài chị Kim Thoa là đàn chị, ra trường sư phạm trước tôi ba khóa, cũng là bạn cùng hoạt động thời kì sinh viên với anh nhà tôi, nên có sự quen biết trước, phần lớn những thầy cô khác tôi xem như là bậc “trưởng thượng”, trước đây tôi có gặp mặt trong những lần chấm thi tốt nghiệp nhưng chưa trò chuyện bao giờ, vì thế tôi rất e dè, “thủ thế”. Buổi họp lệ kì nhanh gọn, tôi được phân công lãnh trọn thời khóa biểu của Cô Phương Thanh lúc ấy đang điều trị dài hạn vì viêm đa khớp: dạy ba lớp 11A1, 11A3, 11A4 , kiêm chủ nhiệm lớp 11A1, tổng cộng 15 tiết/ tuần. Sau buổi họp đó, Thầy Thanh Nghị đến bên tôi, thăm hỏi, động viên tôi và dặn dò nếu hôm nào mấy cháu “khó ở”, “ấm đầu” cứ nói cho thầy biết để thầy dạy thay cho. Thú thật lúc ấy, tôi vô cùng xúc động trước chân tình của một bậc đàn anh trong nghề. Ấn tượng tốt đẹp về Thầy Nghị đã cho tôi bài học về tình đồng chí, đồng nghiệp của nhà trường xã hội chủ nghĩa vào một thời kì lãng mạn nhất và cảm nhận được chút ấm áp ban đầu của Tổ Văn. Sau này tôi mới biết Thầy Nghị trước kia là giáo viên kháng chiến, sau ngày thống nhất đất nước, thầy đi học đại học sư phạm, hiện thời điểm đó thầy là cán bộ của Phòng Phổ thông Sở Giáo dục. Thầy chỉ dạy hợp đồng 4 tiết/ tuần ở lớp 11A2, nghĩa là cùng một khối lớp tôi mới được phân công.
Tôi chưa kịp nói lời cảm ơn thầy Nghị thì thầy đã ra khỏi phòng họp để đi qua Sở rồi. Kế đó Cô Cúc ân cần đến bên tôi, chỉ cho tôi đến Thư viện mượn sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy. Cô Lan hỏi thăm gia cảnh và các con nhỏ của tôi. Rồi các cô, các chị vây quanh tôi “làm quen”, làm cho tôi không còn cảm giác “người mới” nữa.
Tuần lễ đầu tiên tôi lên lớp rất vất vả vì chưa gửi được các cháu vào nhà trẻ, tôi phải gửi cháu lớn ở nhà bà, mang cháu bé vào phòng học, cháu bé được quấn chặt trong khăn lông to và nằm trên bàn giáo viên say sưa ngủ, không hề quấy khóc. Các em học trò của tôi, nhất là lớp 11A1, lớp chủ nhiệm của tôi, rất ngoan và rất cảm thông, thương cảm cho cô giáo. Thái độ học tập nghiêm túc và ân cần chia sẻ cảm thông của các em đã giúp tôi mạnh dạn tự tin hơn trên bục giảng. Tôi đã đem hết tâm huyết và lòng tận tụy yêu nghề, mến trẻ để truyền đạt tất cả kiến thức có được cho các em. Tuy cuộc sống gia đình lúc ấy cực kỳ khó khăn, nhưng theo tôi, đó là những ngày bình yên hạnh phúc nhất trong thời gian tôi mới về Thị Xã vì quanh tôi có những em học trò hồn nhiên và chân tình.
Thời kì đó, trường có một cơ sở lao động tự túc ở Châu Bình. Thầy trò đã cùng nhau trồng mía nhiều năm liền, thu hoạch rất khá. Để hoạt động này mang đến hiệu quả như vậy, Thầy Hiệu phó Lao động Lương Nhân cùng một số thầy trong Ban Lao động rất vất vả để điều hành công tác. Theo sự phân công của Ban Lao động, các lớp luân phiên đi lao động sản xuất, mỗi tuần có hai lớp cùng với giáo viên chủ nhiệm trực tiếp canh tác và bảo vệ thành quả lao động ở Châu Bình. Đối với tôi, lúc ấy cháu bé còn nhỏ quá, tôi không thể bỏ cháu ở nhà để đi theo lớp chủ nhiệm. Do đó Ban Lao động cử một giáo viên khác thế tôi quản lí lớp: Thầy Nguyễn Văn Chấn, dạy môn kĩ thuật nông nghiệp. Một lần nữa tôi lại mang trong tâm mình lòng biết ơn một đồng nghiệp đã chịu thương chịu khó thay tôi “chăn dắt” cái đám “nhất quỉ nhì ma” ở một nơi chốn ngoài cánh cổng học đường. Lớp chủ nhiệm của tôi mặc dù được tuyên dương ở nhiều mặt, nào là liên tiếp nhiều tuần đạt danh hiệu tuần học tốt, nào là lớp có phong trào Đoàn thanh niên xuất sắc, phong trào văn nghệ, báo chí đứng đầu nhà trường, đạt thành tích xuất sắc trong đợt huấn luyện quân sự học đường…nhưng không phải là lớp “không biết quậy” (những cái “quậy” đáng yêu của tuổi học trò).
Mỗi lần đi lao động tập trung như thế, các lớp được phân công phải tập trung đầy đủ, có mặt tại bến ghe đúng 7 giờ sáng hôm ấy để cùng với thầy cô chủ nhiệm và thầy phụ trách lao động “lên đường”. Để phục vụ cho những chuyến đi lao động đó, nhà trường có một chiếc đò máy, loại đò chuyên chở khách chạy bằng máy nổ rất thông dụng vào thời kì phương tiện vận chuyển còn khá khó khăn. Có một lần lớp tôi đã không tuân thủ nội quy lao động như thế này đây. Đúng giờ tập trung, thầy Chấn điểm danh, nhận thấy lớp vẫn còn vắng mặt một số em nam sinh. Lớp 11A2 (cô Phạm Thị Mỡn chủ nhiệm) cũng vắng mặt vài ba nam sinh. Kể như các em này vắng mặt rồi, chắc chắn sẽ có phê bình kỉ luật đây! Đến giờ xuất phát, đò nổ máy thẳng hướng Châu Bình. Khi đò máy sắp sửa cập vào bến, nghe tiếng reo vui của các nữ sinh trên đò, các thầy cô mới nhận ra nguyên nhân reo vui của các em là chiếc xuồng máy chở một số nam sinh của lớp 11A1 và 11A2 cũng vừa kịp đến nơi an toàn! Kẻ “đầu têu” bày trò lại là một nam sinh trong ban cán bộ lớp của lớp tôi chủ nhiệm. May mà kỳ lao động này không xảy ra sự cố đáng tiếc! Và sự việc này sau nhiều năm khi các em đã trưởng thành, tốt nghiệp đại học, đến thăm tôi mỗi dịp 20/11 mới kể lại cho tôi nghe. Cả lớp đã đồng lòng giấu nhẹm chuyện trên nên tôi không hay biết gì và vẫn đánh giá các em ngoan hiền nhất trường! Từ chuyện trên, tôi có thêm bài học là muốn đánh giá đúng học sinh, người thầy phải gần gũi các em từ trong đến ngoài ghế nhà trường mới thấu hiểu học sinh của mình.
Năm học kế tiếp, tôi được Tổ Văn phân công dạy lớp 12 và kiêm nhiệm phụ trách Phòng Phát thanh báo chí, cắt dán băng rôn mỗi dịp lễ lạc. Bấy giờ tôi đã được Công đoàn cơ sở cấp cho một gian phòng ở tập thể phía sau trường. Các con tôi: Tuyết Tiên và Tuyết Văn đều được các cô Vân, cô Thiệt, nhủ mẫu trong nhà trẻ, chăm sóc tốt. Thời đó, các thầy cô có con nhỏ cũng đều gửi con vào nhà trẻ của trường: Thầy Mân gửi bé Quang Diệu, Thầy Lương Nhân gửi 2 cháu Ngọc Nghĩa, Ngọc Lễ, Thầy Thọ và Cô Phụng gửi 2 cháu Thái Bảo, Thái Huy, Thầy Tuấn gửi cháu Minh Duy… Đó cũng là điều kiện tốt để các thầy cô cũng như tôi dốc hết tâm sức trau dồi chuyên môn của mình. Rồi một cơ hội tốt đến với tôi, tạo điều kiện cho tôi học tập thêm và nâng cao năng lực chuyên môn là lúc Phòng Phổ thông Sở Giáo dục chọn tôi làm giáo viên giảng minh họa cho Hội nghị chuyên đề Giảng dạy thơ văn Hồ Chủ Tịch trong các năm học 1983-1984, 1984-1985. Nhờ sự hướng dẫn của Cô Hoàng Thị Liêu và kế thừa vốn kiến thức của các Thầy Cô trong Tổ Văn cộng với sự cố gắng nỗ lực của bản thân, tôi nhận thấy bước đi chuyên môn của mình ngày càng vững vàng mạnh dạn hơn rất nhiều. Tôi cảm thấy tự tin và rất sẵn sàng dạy thao giảng trước Hội nghị toàn tỉnh, tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, tham dự các Hội nghị chuyên môn toàn quốc ở Hà Nội, ở Huế, ở Đà Nẵng, ở Vũng Tàu…
Sau vài ba năm học, hai con gái của tôi lần lượt rời nhà trẻ để bước chân vào trường Mẫu giáo. Các cháu được chăm sóc chu đáo từ những năm tháng đầu tiên nên phát triển rất tốt, có nề nếp, ngoan ngoãn và lễ phép. Nhiều lúc tôi chạnh nghĩ nếu lúc trước tôi luyến lưu quê ngoại, không muốn rời xa ngôi trường thân thương Thạnh Phú, liệu hai con gái tôi có được phát triển lớn khôn như thế không?! Từ những suy nghĩ đó, tôi nhận thức được điều này, nhờ có Công đoàn cơ sở và các bộ phận chăm sóc đời sống của giáo viên cán bộ công nhân viên mà tôi có thể vừa tổ chức nuôi dạy hai con vừa toàn tâm toàn ‎y công tác hết sức mình. Khu tập thể giáo viên tuy chật hẹp và thiếu đủ thứ tiện nghi nhưng trong một thời buổi nhà nước bao cấp mọi thứ thì tôi cho rằng như thế “cũng tạm được”: có chỗ cho một gia đình nho nhỏ sinh hoạt ăn uống ngủ nghỉ, có bàn ghế cho thầy cô soạn bài và con cái ngồi học bài, có sân chơi trước mỗi phòng để các cháu có thể chơi đùa, có khoảnh đất bé bé để trồng một vài dây mồng tơi tim tím, một giàn đậu móng chim trái đeo thành chùm, một luống rau muống, rau lang cho bữa cơm thêm hương vị…Thế là quá đủ! Nhưng theo tôi, đời sống tinh thần mới quan trọng: mỗi buổi chiều khi sinh hoạt của trường học tạm lắng, các đồng nghiệp bây giờ gặp nhau nơi hồ nước công cộng. Người thì tắm giặt, người thì rửa chén bát, người thì vo gạo thổi cơm chiều…Trong không gian chật hẹp độ chừng chục mét vuông, mọi người chen chúc, nhường qua nhịn lại, râm ran vài ba câu chuyện vui vui cũng thấy ấm tình. Các cháu nhỏ túm tụm lại chơi trò búng thun. Khoảng chừng tám giờ tối, bên nhà Thầy Quang Châu giọng ca ấm áp của thầy cất lên một bản tình ca, từ nhà tôi, âm thanh tiếng đàn tây ban cầm của anh nhà réo rắt bản Sonate Ánh trăng…Phía xa kia, ở cuối dãy nhà tập thể nơi gia đình của Thầy Văn Hạnh đang chuẩn bị nồi nước lèo để bán căn tin vào sáng sớm hôm sau…Những âm thanh thân quen làm tôi nhớ thương rất lâu sau khi rời khu tập thể và ngay cả khi tôi ngồi đây hồi nhớ ghi lại những dòng này. Tôi cảm ơn Công đoàn cơ sở nhà trường và những thầy cô đã từng trải qua chức danh Thư Kí Công đoàn mà sau này là Chủ tịch Công đoàn: Thầy Lương Nhân, Thầy Lê Ngọc Sện, Thầy Nguyễn Văn Hạnh, Cô Nguyễn Thị Sang, Thầy Nguyễn Văn Đầy, Thầy Võ Thanh Vân… và nhiều thầy cô khác trong Ban Chấp hành đã giúp tôi đi qua “thời kì lửa đỏ và nước lạnh” và cho tôi nhận biết ‎ý nghĩa cuộc sống và tình người. Nhiều người trong số đó đã đi xa vĩnh viễn nhưng còn để lại trong lòng tôi bao nhiêu là biết ơn và yêu mến.
Chính tình cảm của những thầy cô làm công tác Công đoàn gây cho tôi nhiều thiện cảm và bản thân tôi cùng gia đình đã nhận được nhiều ưu ái của Công đoàn nên khi Cô Lan giới thiệu tôi ứng cử vào Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, tôi đã không chối từ. Năm học 1989-1990, tôi bắt đầu nhận công tác kiêm nhiệm: Trưởng ban Nữ công của Công đoàn cơ sở và nhiệm vụ này theo tôi cho đến khi tôi nghỉ hưu vào tháng 1 năm 2007. Năm học 1991-1992, tôi được Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở tín nhiệm giao cho nhiệm vụ Chủ tịch Công đoàn cơ sở và vẫn kiêm nhiệm Trưởng ban Nữ công. Nhận trách nhiệm nào tôi cũng tự nhủ mình phải cố gắng học hỏi thầy cô đi trước đồng thời phải tự thân vận động, tự tìm hiểu sách báo, tư liệu liên quan và lấy phương châm “vì quyền lợi của công đoàn viên” mà thừa hành công tác. Bây giờ, nhìn lại một thời năng nổ hoạt động, công tác không biết mệt mỏi, tôi có thể nói lên một điều rằng dù làm công tác kiêm nhiệm hay công tác chuyên môn, tôi đã làm bằng chính cái tâm yêu thương và hết lòng “mình vì mọi người”. Mỗi lần đến với gia đình của các công đoàn viên để chia sẻ khi hữu sự, tôi thấu hiểu bài học “cho nhận, trả vay” của cuộc sống này và tâm nguyện xem ngôi trường này là gia đình thứ hai của tôi, những thầy cô, bạn hữu đồng nghiệp chính là những người chú, bác, cô, dì, là anh, chị, em rất thân yêu của tôi.
Từ năm học 2000-2001 cho đến 31/12/2006, khi phụ trách công tác quản lí chuyên môn Tổ Văn, dù tôi đã bắt đầu ở tuổi xế chiều, tôi vẫn không ngừng vươn lên học hỏi công nghệ mới để đáp ứng được thời đại thông tin, đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá chất lượng học tập của học sinh. Đối với các chị em đồng nghiệp trong Tổ, tôi luôn động viên họ tự khẳng định bằng chính năng lực của mình. Các thành viên trong Tổ luôn đoàn kết gắn bó và tương trợ nhau để mỗi cuối năm học đều đạt được thành tích Tổ Lao động Xã hội chủ nghĩa, đóng góp vào thành tích chung của trường. Có được những kết quả khả quan như vậy tôi nghĩ trước hết là nhờ trí tuệ và tâm lực của các thầy cô đi trước đã đặt nền móng cho chúng tôi đi sau kế thừa. Mặt khác, nhờ sự lãnh đạo của Chi Bộ Đảng, sự chỉ đạo của Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn mà Tổ Văn lớn mạnh như ngày nay. Mỗi năm đón nhận thành tích của Tổ cũng như thành tích chung của trường, tôi thầm cảm ơn Thầy Hiệu trưởng Dũng Tiến đã khéo nhắc nhở tôi ngay trong phiên họp phân công đầu tiên khi tôi mới về trường. Tôi cũng muốn nhắn gửi đến các bạn đồng nghiệp trẻ đang công tác hãy mạnh dạn nhận nhiệm vụ để tự khẳng định mình và giúp mọi người bỏ qua thành kiến: Có con mọn không thể chu toàn công tác của trường!
Nói gì thì nói, tôi cũng không bao giờ quên được ngôi trường cấp ba Thạnh Phú. Đó là nơi tôi đã đặt những bước chân háo hức nhiệt tình đầu tiên trên bục giảng, nơi tôi đón nhận rất nhiều tình cảm quê hương, tình thương mộc mạc của phụ huynh học sinh và bà con cô bác xóm giềng. Nơi đó tôi có những người bạn đồng nghiệp cùng chung lứa tuổi, cùng chung lí tưởng, yêu thương đùm bọc san sẻ vui buồn, khó khăn thử thách của vùng đất cùng trời cuối đất. Đó là nơi tôi đã hào phóng giảng cho học sinh rất nhiều kiến thức và nhận được rất nhiều lòng quí trọng của các thế hệ học sinh đầu tiên của tôi và cũng là nơi nảy nở tình yêu rất đằm thắm và riêng tư của hai chúng tôi, nơi kết tinh những tình cảm thiêng liêng mà tôi không thể rời bỏ được. Tôi yêu Thạnh Phú một cách và yêu Nguyễn Đình Chiểu một cách khác. Tôi yêu các thế hệ học sinh của trường Nguyễn Đình Chiểu, các em là nguồn động lực rất lớn để giúp tôi đứng vững trên bục giảng dù bao biến động thăng trầm bên ngoài nhà trường một thời đã tác động không nhỏ đến đời sống của giáo viên. Tôi rất biết ơn tập thể sư phạm của Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu, nơi có những bậc thầy tâm huyết với ngành với nghề cho đến hơi thở cuối cùng. Chính nơi này đã cưu mang nuôi dưỡng và giúp đỡ tôi toại nguyện ước mơ “làm cô giáo”. Xin một phút lắng lòng tưởng nhớ đến bao thế hệ Thầy Cô đã dốc hết tâm trí, sức khỏe và nhiệt huyết thanh niên của mình cho ngôi trường Nguyễn Đình Chiểu thân thương.
T.P Bến Tre, 10/3/2011.

1 nhận xét:

Gà ròm nói...

He he rõ ràng là bé Văn ngay từ nhỏ xíu mới mấy tháng tuổi đã biết hiền ngoan rồi nhá. Chỉ có chị Hai khoái bắt nạt bé Văn, làm bé Văn khóc hu hu hu thôi :D :D :D