Thầy dạy Triết học Đông phương. Giờ học với Thầy sinh động hơn hẳn những giờ học khác, bởi cách dạy của Thầy không giống ai.
Tôi còn nhớ khi dạy Kinh Dịch, Thầy cho chúng tôi một tháng để đọc hết tài liệu (cours) của Thầy biên soạn cho sinh viên và một danh sách dài ngoằng tên các quyển sách đọc thêm. Khi vào lớp, Thầy dạy chúng tôi ứng dụng vào việc “bốc quẻ”. Thầy kể nhiều giai thoại về những quẻ kiết, quẻ hung trong lịch sử Trung Quốc, trong Sử ký Tư Mã Thiên, trong Tam quốc diễn nghĩa, trong Thủy hử…Thầy nói rất nhiều về “Đạo” của người quân tử. Thầy yêu cầu chúng tôi đọc rất nhiều sách về nhân sinh quan của người Trung Quốc. Sau khi sinh viên đọc xong những tài liệu, sách vở, Thầy bắt đầu kiểm tra chúng tôi bằng những vấn đề do Thầy đặt ra.
Rồi Thầy trao đổi với chúng tôi về văn chương Trung Quốc và văn chương Việt Nam đã ảnh hưởng triết lý Đông phương như thế nào. Đặc biệt hơn nữa, Thầy còn ngâm thơ do chính Thầy sáng tác. Không hiểu sao, trong số những bài thơ của Thầy ngâm minh họa thời ấy mà bây giờ, ba mươi lăm năm sau, tôi vẫn còn nhớ. Tôi ghi lại ở đây để tưởng nhớ Thầy:
PHÚT GIÂY BÊN NÚI
Nắng mai rực bóng anh đào,
Gió thông lồng lộng hương vào bút nghiên.
Bềnh bồng mây trắng qua hiên,
Nhân gian chợt nhớ chợt quên có mình.
Tiếng gà trưa vắng non xanh,
Trâm tùng khô, nhẹ trước mành rơi rơi…
Sương khuya cuối lũng trăng soi,
Hư vô một sắc sáng ngời tâm tư.
Giật mình đợt súng xa đưa,
Niềm quê hương chẳng gió mưa mà buồn!
Gác Tùng âm, Đà Lạt.
Ngày 24-12-1966.
GIẢN CHI.
Ngày đó, nhà tôi ở quận 4. Rất gần nhà của Thầy. Từ đường Bến Vân Đồn đến nhà Thầy ở đường Hoàng Diệu chỉ đi bộ khoảng 10 phút. Vậy mà tôi nhút nhát quá, chưa lần nào đến thăm Thầy. Mấy hôm nay nghe tin Thầy qua đời, tôi cảm thấy ân hận quá. Vậy là không còn cơ hội để mình đến thăm Thầy nữa rồi! Mấy đứa bạn cũ báo tin buồn và hẹn mình dự tang lễ của Thầy, mình cũng không đi được vì bận đi dạy. Chỉ biết nhớ Thầy trong tâm tưởng và ghi lại vài dòng thay cho nén tâm hương để tưởng nhớ người Thầy đáng kính của mình. Bất chợt mình nhẩm lại hai câu thơ trong bài thơ của Thầy:
Bềnh bồng mây trắng qua hiên,
Nhân gian chợt nhớ chợt quên có mình…
Bến Tre, 25-10-2005.
2 nhận xét:
Cũng có một thời cụ Giản Chi có học trò là...Học xong, vẫn đọc sách của Giản Chi,trong đó có Chiến Quốc sách tái bản 1989 trên giấy rất hẩm thấy ngậm ngùi làm sao! Trong "Tâm hồn caothượng",thư ông bố viết cho con có câu không thể quên được :"...bao nhiêu đứa trẻ sẽ quên Thấy". Chia sẻ tâm trạng với bạn đồng môn!
Xxx
Đăng nhận xét