Đang chạy xe ngoài đường, tôi đi dạy về, tranh thủ ghé chợ Cầu Bà Mụ mua ít thức ăn. Trước mặt, sau lưng tôi, dòng xe đang hối hả. Cái nắng tháng mười sao vẫn cứ hừng hực như nắng tháng tư! Tôi cố len vượt qua một vài xe rì rì bên cạnh mình, cố thoát khỏi cái đám đông khói bụi và ồn ào tiếng động cơ, tiếng còi xe để tránh cái hơi nóng đang thả sức phả vào mặt người đi đường. Giờ này là giờ cao điểm đây! Người đi làm, người đi học, người đi chợ…đang lục tục, hấp tấp về nhà. Tôi chắc những người đang chạy bên cạnh tôi cũng đang cố chạy thật nhanh để tránh nắng như tôi. Nhưng làm sao chạy nhanh cho được khi con đường Nguyễn Huệ hẹp té, nhà cửa san sát, người buôn kẻ bán lấn tràn cả ra lề đường ngay chợ Cầu Bà Mụ. Giờ này mấy chị bạn hàng muốn phục vụ tận tình “quý thượng đế” của mình nên ai nấy tranh nhau mang hàng của mình bày ra sát lề đường. Mà kỳ thực tôi cũng thấy tiện làm sao khi tấp vào lề đường mà vẫn mua được mớ rau, con tép, con cá…Vậy đó, nên giao thông làm sao tránh khỏi ùn tắc, người người làm sao tránh khỏi lời qua tiếng lại vì bị va quẹt! Vậy đó, cái đám đông nhốn nháo ấy vẫn tái diễn mỗi ngày như mọi ngày. Vừa thoát được chỗ thắt cổ chai là khu chợ búa, mới tăng ga để xe trườn lên nhanh hơn, tôi gặp phải lô cốt làm cống vắt ngang qua đường. Lại một phen khói bụi đất cát mù trời, xe sau lãnh quả xe trước nào là khói xe, hơi xăng. Phiền nhất là đi sau chiếc xe máy có ống pô chỗng đít ngược, xả khói thẳng vào mặt mình.
Tôi đang bực mình, nhăn mặt, phát quạu thì phía sau lưng tôi một âm thanh lảnh lót: “Bà ngoại! Bà ngoại!” Ồ! “Cháu ngoại ngang hông” của tôi! Đang đi trên con đường tấp nập xe cộ, khói bụi và nắng nóng như vậy mà sao tôi cảm thấy lòng mình mát dịu. Dường như sự hồn nhiên của trẻ thơ có một sức mạnh diệu kì nào đó xua tan những cảm giác khó chịu tôi đang gặp phải trên đường đi. Bà ngoại của nó chở nó đi học mẫu giáo về. Cháu ngoại ngang hông của tôi đầu trần, tóc vàng hoe trong nắng, hai bầu má đỏ lựng vì nắng trưa, nhưng ánh mắt vẫn trong ngần. Chao ôi! Thương quá là thương “cháu ngoại ngang hông” của tôi! Trong khi bà ngoại ruột của nó đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang che kín gương mặt, mặc áo khoác kaki tay dài, mang găng tay che chắn kín mít để bảo vệ da khi ra nắng. Thế mà, “cháu ngoại ngang hông” của tôi, một đứa trẻ thơ măng sữa, mong manh như một cái trứng mỏng lại chẳng có lấy một mảnh khăn che, một cái nón đội đầu, chỉ phong phanh chiếc áo đầm dây hở tay hở lưng.
Mặc dù bà ngoại nó đã vọt lên ngang hàng với tôi nhưng nó vẫn không ngớt kêu “Bà ngoại! Bà ngoại!”. Cái miệng be bé xinh xinh với những giọt mồ hôi lấm tấm trên mép đang chu ra: “Bữa nay con có mẹ nè ngoại!” Tiếng “ngoại” kéo dài ra vừa nũng nịu vừa trìu mến, trong khi cái miệng bé xíu ấy đang ngoai tròn trông đáng yêu quá chừng! Nó vừa khoe với tôi về người đã sinh ra nó: Mẹ!
Mẹ cháu là em học trò cũ của tôi, một em học trò vốn hiền lành, học giỏi. Thế nhưng khi vừa rời gia đình đi học đại học ở Sài Gòn mới tròn năm, em đã trở về nhà sinh cháu bé không có cha! Phải gián đoạn mất một năm học. Rồi em trở lại giảng đường đại học, gởi con cho mẹ của em chăm sóc nuôi nấng. Thương cháu thiếu vắng hơi ấm của mẹ, tôi thường qua lại và trở thành bà ngoại ngang hông.
Tôi buột miệng hỏi:
- Mẹ nó có về hả Dung?
- Dạ, nó về có một đêm, sáng nay đi rồi chị!
Dường như có tiếng thở dài cố nén lại trong lòng cả hai bà ngoại. Con đường về nhà còn xa. Dòng người vẫn xuôi ngược chen chúc. Nắng trưa vẫn đổ lửa trên đường. Khói xe lẫn cát bụi vẫn mù trời. Con bé vẫn tíu tít hát vang trên đường bài hát vừa học ở trường mẫu giáo: “Ba thương con vì con giống mẹ. Mẹ thương con vì con giống ba…” !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét