Thứ Ba, 24 tháng 11, 2009

Nhớ nhà

Lá thu một chiếc bay trong gió
Khêu gợi bao nhiêu nỗi nhớ nhà

( Nguyễn Khuyến)




Không biết tự bao giờ khi trời se lạnh tôi lại nhớ đến ngôi nhà của ngoại tôi. Mặc dù nơi đây không phải là nơi chôn nhau cắt rún của tôi, mà chỉ là nơi mỗi dịp nghỉ hè hoặc tết tôi mới được về chơi. Hồi còn nhỏ, mỗi lần được "về quê", chị em tôi thích lắm. Má tôi hay kiêng cữ, không cho nói hai tiếng "về quê" vì cho rằng về quê có nghĩa là chết! Má dạy mấy đứa con nói: "về xứ". Lúc nhỏ, tôi chưa hiểu hết ý nghĩa của ngôn từ nên má dạy sao thì nói vậy. (Sau này, khi lớn, tôi có đọc một quyển truyện dịch của một dịch giả nào đó tôi quên rồi: Quê xứ con người (dịch tác phẩm Terre des hommes của St. Exupery), tôi biết "quê" còn gọi là "xứ").



Nhà ngoại ngày xưa nền đất nện đi mát chân, vách ván bổ kho (trong nhà nhìn thấy cả ngoài sân), mái ngói âm dương, nằm dưới rặng tre mạnh tông dày bịt. Quanh năm trong nhà mát mẻ, mùa nắng cũng như mùa mưa. Có nhiều điều khiến cho tôi nhớ mãi về ngôi nhà của ngoại.


Nhà ngoại có rất nhiều bộ ván gõ mun, mà ở đây người ta quen gọi là "bộ ngựa". Trừ gian nhà thờ, chỉ có những tủ thờ cẩn ốc, đồ thờ sơn son đỏ chói, đèn thờ đỏ đỏ, âm âm u u. Bộ trường kỉ ở giữa gian thờ, ít khi dùng đến. Gian thờ chỉ mở cửa vào những dịp giỗ, tết. Bởi vậy tụi trẻ con như tôi thời đó ít dám béng mảng lên đó. Các gian khác, gian nào cũng có một, hai bộ ngựa. Tôi nghe bà ngoại nói, lúc hai cậu của tôi cưới vợ, ông bà ngoại cho mỗi cậu một bộ ngựa để ra riêng. Vậy mà trong nhà vẫn còn tới năm bộ nữa. Nhà trên, hai bộ. Nhà ngang, hai bộ (trong đó, có một bộ làm chỗ ăn cơm. Ở quê, người ta ăn cơm ngồi trên ván, quanh mâm cơm, chứ không có bàn ghế như ở thành). Nhà bếp có bộ ngựa bốn tấm, là bộ ván lớn nhất trong nhà. Nơi này làm chỗ ngồi gọt khoai, củ, lặt rau, chuẩn bị thức ăn để xào nấu, cũng là nơi sau khi nấu nướng xong, múc ra tô, ra dĩa, lên mâm, lên bát. Những khi giỗ chạp đây là nơi đông đúc, nhộn nhịp nhất trong nhà. Tiếng nói, tiếng cười vang vang kèm theo tiếng xèo xèo của mỡ trong chão, tiếng sục sục trong nồi cháo vịt bốc khói. Mùi hành, tỏi phi nức mũi. Mùi cà-ri nồng nặc. Mùi cháo vịt đậm đà. Đây cũng là nơi chốn hấp dẫn bọn trẻ lui tới để thuỗng một miếng thịt vịt, miếng bánh bò...trong khi các bà, các dì đang bận bịu lúi húi sắp dọn.



Quê ngoại ở đất giồng. Thói quen của người dân ở đây là người ta không mang guốc, dép ban ngày. Chỉ đến khi nắng chiều đã tắt, đã lên đèn, mọi người tắm rửa xong, xỏ chân vào dép, guốc là chuẩn bị lên giường. Lí do không mang dép guốc ban ngày rất hợp lí vì bước ra khỏi nhà là đụng cát bủn rồi! Sân trước, sân sau, cát bủn. Ra đường, xuống lộ, cát bủn. Lên giồng, lên gò... cũng cát bủn. Thứ cát giống như cát xây dựng nhưng hột nhuyễn nhừ, mịn. Chỉ cần một cơn gió thổi qua, bao nhiêu là cát bụi cuốn theo bay đi tứ phương. Trong nhà, mấy bộ ván gõ của ngoại lúc nào cũng nhám xàm vì cát theo gió bay vào nhà. Tôi còn nhớ mỗi lần tết bà ngoại thường gói bánh dừa, bánh tét. Thúng nếp vừa được mợ Tư gút thật sạch, để tựa trên hàng mái vú cho ráo nước. Chỉ chừng một lát sau nếp chưa kịp ráo nước, thì than ơi, cát đã phủ một lớp trên mặt thúng nếp rồi! Bởi vậy, những bữa cơm thường xuyên gặp phải cát bay vào, mọi người cũng quen đi, không ai thấy khó chịu cả.


Cũng vì đường quê cát bủn, nhất là mùa khô, cát càng vun cao, lún sâu, nên phương tiện đi lại với những người phải gánh vác nặng hoặc đi xa phải là mô-tô-hí (Trẻ em ở địa phương đặt tên cho chiếc xe ngựa ấy mà!). Hồi nhỏ, tôi cũng rất thích đi xe ngựa. Nhà ngoại tôi cũng có một cỗ xe ngựa để chuyên chở vải sồ, quần áo may sẵn vô chợ Giồng Luông. Bà ngoại tôi buôn bán từ thời con gái cho đến khi lập gia đình (Nghề này bà ngoại đã truyền lại cho cậu Tư và má của tôi). Năm 1963, nhà ngoại bị bom napal thiêu rụi: Bà cố, ông ngoại và bốn đứa em con của cậu tôi bị vùi trong lửa. Thằng Đực nhỏ, con của cậu Tư, đang đánh xe ngựa trong chợ Giồng Luông, chạy róc về nhà. Lao vào ngọn lửa hung hãn đang thiêu rụi căn nhà, thằng Đực nhỏ chỉ cứu được bộ ngựa trong gian bếp đang bị lửa sém. Còn sáu con người đành chết thảm trong hầm trú! ...


Nhà ngoại có cái nhà tắm độc đáo mà tôi nghĩ chưa nơi nào có. Cái nhà tắm nằm biệt lập ở một góc vườn. Chỉ đơn giản là cái chỗ để giải nhiệt buổi trưa hè nên nhà tắm được quây kín ba mặt bằng lá chằm đốp, mặt thứ tư là một tấm liếp cũng dừng bằng lá chằm dùng làm cửa. Nhà tắm không nóc nhưng chưa từng thấy mặt trời chiếu đến vì nó nằm dưới tán cây lê-ki-ma cổ thụ, gốc cây to một người ôm, quanh năm xanh tốt cho trái đều đặn mỗi năm hai mùa. Sau lưng nhà tắm là cái giếng nước, loại giếng đào, không xây thành xung quanh. Hồi nhỏ, thằng em trai tôi với tánh tình hiếu thắng, nghịch ngợm suýt bị chết đuối vì chạy một mạch từ trên bờ nhảy ùm xuống giếng vừa thích chí hét vang "Tắm biển! Tắm biển!" (Cho tới lúc đó, chị em tôi chưa biết biển, chỉ nghe kể và xem hình cậu Tư tôi lúc cậu đi lính, đóng quân ở Long Hải. Thỉnh thoảng được tắm biển, cậu có chụp hình ngồi trên một mõm đá.) Nếu không có cậu Tư đang ngồi vót tre ở gần đó nhảy xuống vớt lên thì thằng em tôi đã chìm xuống đáy giếng rồi vì tôi nghe ông ngoại nói giếng này sâu lắm. Nhà tắm chỉ sử dụng được vào buổi trưa, vì đến chiều thì ôi thôi...nước cũng lạnh, gió cũng lạnh, chỉ bước chân vào đến nhà tắm là thấy hơi lạnh tỏa ra rồi! Vậy mà cái nhà tắm này đã tồn tại ở đây đâu từ thời ông cố ông sơ! Cũng không nghe ông bà ngoại, cậu mợ Tư hay mấy em con cậu than lạnh lẽo gì! (Chỉ từ khi tôi có chồng, ông xã tôi là người đầu tiên nói với tôi cái nhà tắm của ngoại sao mát lạnh, buổi chiều không dám tắm!)


Nhà ngoại trồng rất nhiều đào lộn hột. Sau tết là mùa đào chín rộ. Ngoài vườn, mùi đào chín ngọt ngất ngây. Trái chín vàng treo lủng lẳng đầy cành, đầy nhánh. Trong nhà ngang, từng thúng đào chín để đầy trên mặt ván. Cậu Tư tự chế một cái lồng hái bằng lon sữa Guigoz cột ngất ngưỡng trên đầu cây tầm vông, những quả hái chín mọng này không bao giờ bị dập, được đặt cẩn thận trong thúng. Những trái chín đó sẽ góp mặt trong buổi chợ sớm mai. Còn những trái chín mùi quá hoặc bị rụng hoặc bị lỡ tay làm rơi trong lúc hái, đó là phần để ở nhà ăn. Bà ngoại luôn có những món ăn đặc sản chế biến từ loại trái này. Này nhé: canh chua đào nấu với tép bạc đất nêm rau ngò om, ngò gai và ớt chỉ thiên; đào chấm với nước cá kho thì thật tuyệt (nhắc đến là chảy nước miếng!); đào ăn kèm thịt heo quay bánh hỏi; đào dùng kèm với các món rau gừa, rau chốc, bông súng chấm mắm kho...Còn cậu Tư thì chế biến thành món rượu đào. Tụi nhỏ như tôi chỉ thích hột đào thôi. Cứ lượm được hột nào thì chạy vào bếp liệng vô cà ràng ông táo lúc nào cũng đỏ lửa, khi thì đang nấu ấm nước, khi thì nồi tấm heo, khi thì nồi khoai, nồi bắp...Hễ nghe nổ cái "bốp", tụi nhỏ tranh nhau lấy đũa bếp khều hột đào đã cháy khô, dầu hạt đào bốc khói thơm nghẹt mũi! Cạo lớp vỏ cháy khét bên ngoài, lộ ra cái nhân hột màu trắng thơm bùi, ăn bắt ngây. Cách làm này khá nguy hiểm vì vỏ cứng của hột đào có nhựa rất độc. Có lần đứa em con cậu Tư tranh giành giựt lấy cái hột còn đang nóng chảy nhựa mủ bốc khói. Nhựa mủ dính vào ngón tay, gây phỏng sâu, cả tháng sau vẫn chưa lành. Vì vậy cậu Tư cấm không cho tụi nhỏ nướng hột đào kiểu đó. Cậu Tư chế biến bằng cách rang trên chão gang cho đến khi vỏ ngoài cháy đen rồi mới tách hột. Thế là tụi nhỏ có được bữa tiệc hột đào thật thú vị! Có khi mợ Tư dùng hột đào để làm kẹo nữa, nhưng món này chỉ dành riêng cho ông ngoại uống trà với khách. Chỉ có tôi là đứa cháu gái cưng của ông ngoại mới được ông ưu ái đút giấu cho riêng không ai thấy!


Khi tôi sống lại với những kỉ niệm này thì những người được tôi nhắc đến đã ra người thiên cổ! Bà cố và ông ngoại mất một lúc trong trận bom napal năm 63 cùng ngôi nhà ba gian lợp ngói âm dương nền đất. Bà ngoại bệnh già, mất năm 83 - khi đứa con gái út tôi đang bị lên sởi - nên tôi cũng không kịp về để nhìn mặt bà lần cuối. Cậu Tư, mợ Tư cũng ra đi sau khi ngôi nhà xưa đã được xây dựng lại bằng xi-măng, nền gạch bông, mái tôn một thời gian khá lâu. Ngôi nhà có thể được xem là từ đường đó bây giờ không còn chút gì dáng dấp của mái nhà xưa. Hai đứa con tôi chắc hẳn sẽ thú vị khi tưởng tượng ra nếp nhà xưa trong câu chuyện này vì tôi chưa từng kể. Riêng tôi, mỗi khi nhớ nhà, tôi vẫn thấy như in trong tim mình mái nhà xưa của ngoại, có ngoại.

1 nhận xét:

Tien Vuong nói...

Má viết ở đây vài thứ má chưa kể cho con nghe bao giờ. Nhà mình vẫn kêu "về quê", không biết bà Ngoại kiêng, phải kêu là "về xứ", hi hi.

Hồi con bé xíu, chưa có khái niệm về "nghèo đói", "lạc hậu" thì quê ngoại là thiên đường tuổi thơ.

Mùa hè, mùa về quê, là mùa có quần áo mới. Nhà mình hồi đó không có bàn máy may, phải đợi hè má về quê mượn máy may của Ngoại thì hai đứa nhóc mới có quần áo mới.

Cho nên hai đứa mong hè không khác chi mong Tết.

Về quê đi đò máy. Hai đứa nhóc luôn khoái chí với cảnh sông nước và cảm giác tròng trành. Thích cả tiếng máy đò nổ ầm ầm và mùi xăng khét lẹt. Khóc tấm tức mấy lần vì làm rớt dép xuống khe lườn đò.

Về quê được đi chân không, được chạy đến mỏi chân từ đường cái lên giồng, lên rọc. Đất cát giồng dẻ, mịn, đi êm chân, lại rất dễ trồng cột cất nhà chòi, đào hầm công sự
đánh trận giả với các dì, cậu cũng đang tuổi niên thiếu.

Về quê có bao nhiêu món ngon. Muôn loại cây trái: vú sữa, bắp, đậu phộng, hạt điều, dưa gang ...đến quả dại như keo, dúi ... kể cả những hạt độc làm đồ chơi như hạt cườm thảo cũng làm mấy đứa con nít mê tít.


Sáng là trông ngóng bà Năm hay các bà các mợ khác đi chợ về thế nào cũng mua cho con gói bánh tầm, bánh rau mơ, hay bánh ú, bánh dừa. Tép rang dừa, canh chua trái điều tép bạc là hai món đặc sản quê mình con thích nhất. Ngay cả con Pinô mình dắt về quê chơi cũng nhanh chóng phát hiện ra mấy ổ gà đẻ trứng mà nhà nó trên thị xã không có và láu lỉnh chén liền mấy quả.

Con lớn lên, đi đây đi đó, không khỏi so sánh quê ngoại với Sài Gòn, với những miền đất khác. Nhưng khi con càng lớn, có công việc và phải chịu trách nhiệm với công việc, có gia đình nhỏ và những việc nhà lặt vặt không dứt, toàn là những thứ nhỏ bé thôi, nhưng tốn bao nhiêu công sức, thời gian, thì sự phê phán cũng ít hơn.

Biết rằng chuyên môn của mình là kỹ thuật, và mình cũng chỉ đủ sức làm bao nhiêu đó thôi. Biết rằng việc vặt trong nhà tuy nhỏ nhưng cũng nên chu toàn, và mình cũng chỉ đủ sức làm bao nhiêu đó thôi. Quê hương chỉ là nơi chốn êm đềm để trở về.

Tuy vậy, con vẫn hiểu, và vẫn ủng hộ những ai hay so sánh, và phê phán. Những nguồn năng lượng sống lớn hơn, những hi vọng về sự đi lên, ...