Thứ Năm, 7 tháng 1, 2010

MIẾNG KHI ĐÓI

Sáng nay, thứ tư 6/1/2010, MÂBĐ đi đám tang Má của Chị Tịnh Hữu (pháp danh của chị Kim Hiện), ở xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm. Truyền thống của MÂBĐ là khi gia đình của các bạn trong MÂBĐ gặp hữu sự, các thành viên của nhóm có mặt để sẻ chia.
Má chị Tịnh Hữu thọ 91 tuổi. Nhìn di ảnh của bà cụ đặt trước linh cửu, người ta dễ nhận ra cụ bà thật phúc hậu. Bà cụ tốt người, thương yêu con cháu, tin tưởng Phật pháp và ra đi cũng rất nhẹ nhàng. Chị Mịn nói nhỏ vào tai mình: Gia đình chị Tịnh Hữu thật phúc đức, chắc ngày xưa ông bà khá giả nên con cái đông như vậy. Thật vậy, gia đình chị Tịnh Hữu đông anh chị em, người nào cũng là phật tử, lại có mấy người cháu (là con của anh chị) xuất gia tu học. Vì thế, lễ tang của Bác được xem như là một nghi thức đưa Bác về Tây phương. Cầu nguyện cho hương linh của Bác được vãng sanh cực lạc.
Sau khi dự đám tang Má chị Tịnh Hữu, anh Kiệt, một thành viên của nhóm cư trú ở xã Phong Nẫm, đã cho MÂBĐ biết một địa chỉ đang cần sự giúp đỡ. Chúng tôi theo con đường liên xã đến Trường Tiểu học Phong Nẫm. Sát cạnh bên phải ngôi trường khang trang, đồ sộ, một căn nhà lợp tôn, vách ván nép mình cúi sát giữa vườn dừa tơ vừa cho trái chiến. Đó là nhà tình thương của địa phương xây trên đất của Ủy ban Xã Phong Nẫm, tặng cho mẹ con anh Nguyễn Văn Út, sinh năm 1968. Theo lời kể của bà Ba, mẹ anh, từ lúc sinh ra, hình hài anh đã dị dạng khác thường: đầu to, gương mặt gẫy gập biến dạng, mắt lồi, tay chân dị tật không chia năm ngón rõ ràng mà dính liền như chân vịt. Tuy đi đứng khó khăn, nhưng hằng ngày anh vẫn đi kiếm ăn bằng công việc nhặt đồ phế thải, đi mót lúa đồng…Theo năm tháng, tuổi đời chồng chất, anh đã ngoài 40 nhưng ngờ nghệch, đờ đẫn như một trẻ lên năm. Khi MÂBĐ đến nhà, anh đang ngồi cạnh bờ mương rửa mấy cái chén cái dĩa một cách khó khăn. Có lẽ gia đình anh vừa ăn cơm trưa xong. Thấy chúng tôi đến, anh vẫn thản nhiên làm công việc của mình như không hề biết có người lạ đến. Chị Hoàng cầm máy ảnh trực diện với anh, chụp vài pô hình, anh vẫn thản nhiên. Dường như anh đang ở một thế giới nào khác vậy!
Chị Nguyệt đi một vòng quanh nhà rồi vào bên trong. Chị vẫy tay rủ tôi cùng vào với chị. Đang ngồi trên giường, một cụ già khô đét, tay run rẩy đặt trên hai bắp đùi tong teo nhăn nhúm. Cái mùng rách tươm, màu khói, treo trên bốn góc giường vẫn buông rũ, càng lộ ra vẻ luộm thuộm, tuềnh toàng. Từ cái sào quần áo treo bên cạnh giường, một mùi mồ hôi lưu cữu trộn lẫn mùi ẩm mốc của vách phên xông lên mũi thật khó chịu. Trong cái không gian âm âm u u của căn nhà thấp lè tè đó, tôi và chị Nguyệt cùng nhận ra bàn tay trái của ông cụ đang sưng húp, có những chỗ đang rỉ nước vàng trên mu bàn tay được che đậy bằng những túm bông gòn vàng xỉn. Ông cụ nói: để cho bụi đừng dính vô. Chị Nguyệt hỏi: Tay bác sao vậy? - Tự nhiên nó nổi mục, ngứa, rồi sưng lên. Cụ nói thêm: Tui 73 tuổi, bả 70. Không còn làm lụng gì được mà thằng con thì như vậy đó! Tôi có cảm giác cụ đang nén tiếng thở dài sau câu nói.
Gia đình hai bác đang ở trong căn nhà tình thương của địa phương giúp đỡ, là thuộc diện hộ nghèo, được trợ cấp. Nhưng thực ra, sự trợ cấp của chính quyền cũng chẳng thấm vào đâu với cái khó cái nghèo đang đeo bám những gia đình không có nguồn lao động chính mà lại ốm đau bệnh tật triền miên. Anh Kiệt nói khi biết được hoàn cảnh gia đình hai bác như vậy, anh không ngủ được. Anh muốn thông qua MÂBĐ để có điều kiện giúp đỡ tốt hơn. Chị May Duyên, trưởng nhóm, vội lấy giấy xác nhận ghi tên họ của anh Út và dặn dò bà Ba đến Y tế xã xác nhận trường hợp dị tật bẩm sinh của anh Út để chuyển đến Hội Từ Bi Quán Thế Âm. Trong khi chờ đợi xác nhận hồ sơ của anh Út, trước mắt, để san sẻ bớt cơn thắt ngặt của gia đình anh, MÂBĐ đã trích số tiền nhỏ trong quỹ MÂBĐ tao tặng cho gia đình bà Ba 200.000 đồng, gọi là nghĩa tình “một miếng khi đói”. Bác gái rơm rớm nước mắt, cầm phong bì rối rít cảm ơn. Anh con trai đến giờ vẫn còn ngồi cạnh bờ mương kỳ cọ mấy cái chén chưa xong.
Trên đường về, chị Nguyệt xúc động nói: Cùng là con người, vậy mà có người sao được sinh ra lành lặn, đẹp đẽ lại được sống trong gia đình sung túc, ấm no, sao lại có người chịu tật nguyền, nghèo khổ, thiếu trước hụt sau! Càng nghĩ, càng thấy mình có phước, hả Tuyết? Đúng đấy chị ạ! Ông bà mình cũng thường dạy con cháu: “Có đức mặc sức mà hưởng”. Ca dao có câu:
Người trồng cây hạnh người chơi,
Ta trồng cây đức để đời về sau.
chắc cũng nhằm ý này đây!
Diệu Hạnh (ghi ngày 6/1/2010)

Không có nhận xét nào: