(Cảm tưởng về chuyến đi cúng dường của đạo tràng Tịnh xá Ngọc Thuận, ngày chủ nhật 17/1/2010 nhằm mùng 3 tháng chạp năm Kỷ sửu)
Tôi theo đoàn phật tử của Tịnh xá Ngọc Thuận (xã Mỹ Thạnh An, thành phố Bến Tre) do sư Thích Minh Hiếu hướng dẫn, đi cúng dường cho các sư thầy và các ni sư đang tu học tại các tịnh xá, tịnh thất trên Núi Dinh thuộc huyện Tân Thành tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, vào một ngày đầu tháng chạp âm lịch. Nếu năm nay không nhuần thì hôm nay đã là mồng 3 tết năm Canh Dần rồi. Thời gian quả thật như bóng câu qua cửa sổ như văn chương thường viết!
Trên đường dẫn vào Tịnh xá Ngọc Sơn Dinh, hơn 10 cây số, hai bên đường là rừng đào đang khoe sắc. Không rõ ai đã trồng hay là hoa tự mọc, cả cánh rừng bỗng rực rỡ sắc hồng trong nắng sớm. Trong đoàn chúng tôi, ai cũng khoan khóai “ồ” lên sung sướng. Chưa hết ngạc nhiên này lại đến ngạc nhiên khác: khu rừng chuyển sang màu hoa đào trắng thanh tân, tinh khiết, lung linh giữa đất trời. Lần đầu tiên được nhìn tận mắt cảnh tượng này, tôi cứ ngỡ mình lạc lối đào nguyên, nhưng khác với Lưu Nguyễn ngày xưa chỉ có hai người, chúng tôi gồm cả đoàn phật tử đang vượt dặm dài bằng xe ca 52 chỗ. Và cũng khác với người xưa, chúng tôi không đi tìm thuốc trường sinh để kéo dài tuổi thọ trong cõi tạm này, mà muốn chia sẻ bớt nỗi khó nhọc của những bậc chân tu trên đường về cội giác.
Giữa một rừng hoa anh đào đang nở rộ đầu xuân, khoảng 60 tịnh thất be bé xinh xinh đang trầm mặc trong sương sớm. Có thể xem chuyến đi này như một chuyến đi cứu trợ vì ngoài 52 phật tử mặc áo lam cùng với vị sư trẻ tuổi tài cao (nghe các liên hữu nói sư đã từng đi du học ở Ấn Độ và hiện nay đang tiếp tục hoàn thành lớp cao học Phật giáo ở thành phố Hồ Chí Minh), chiếc xe 52 chỗ ngồi còn chở theo 200 kg gạo, 30 thùng mì gói, 20 kg đường, 20 kg muối, dầu ăn, nước tương, bột ngọt, bánh, mứt, trà, sữa, bột ngũ cốc…Tất cả những phẩm vật này đều do các phật tử phát tâm cúng dường. Ai ai cũng muốn góp công góp sức của mình để dâng lên cúng dường tam bảo. Ngoài ra, chúng tôi còn góp thêm tịnh tài để phẩm vật cúng dường có thể tiện dụng hơn cho quý sư thầy và quý ni sư trong sinh hoạt tu hành. Tôi đã từng tham gia nhiều chuyến đi trường hạ, đi thập tự ở các nơi, nhưng có lẽ chuyến đi này mới để lại cho tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp nhất.
Theo dự kiến ban đầu của sư Minh Hiếu, đạo tràng chúng tôi chuẩn bị 20 phần quà đến cúng dường 20 tịnh xá, tịnh thất, nhưng khi đến nơi, chỉ riêng khu vực Tịnh Xá Ngọc Sơn Dinh đã có khoảng 60 tịnh thất như thế. Đến với mỗi tịnh xá, tịnh thất, các liên hữu chúng tôi, dưới sự hướng dẫn của sư Minh Hiếu, đều cung kính xếp ngay hàng thẳng lối, chắp tay nghiêm trang, thanh tịnh cùng với nhà sư đảnh lễ Đức Phật, cúng dường tam bảo. Sau đó hồi hướng cho tất cả chúng sinh. Trong khói hương trầm mặc, hàng phật tử chúng tôi ai cũng thành tâm cầu nguyện cho quốc thới dân an, mưa thuận gió hòa, ruộng lúa, hoa màu, cây trái tốt tươi, cầu chư Phật, chư Bồ tát từ bi gia hộ cho ông bà, cha mẹ được phước huệ tăng trưởng, bản thân trí huệ sáng suốt, ngày càng tinh tấn trên đường giải thóat. Khi chúng tôi đến cúng dường tam bảo ở các tịnh thất, tôi mới biết một điều là các vị ni sư ở đây đã nhiều năm liền chưa rời khỏi am mây, chưa được tiếp xúc với phật tử, chỉ nhứt tâm tu niệm. Có một vị ni sư cao niên, tuổi đã ngoài 80, giọng run run đầy cảm xúc: Các trò đến thăm làm cho ni sư mừng run, đứng muốn không vững! Lời nói chân tình của vị ni sư già làm tan biến mọi nỗi mệt nhọc của chúng tôi do đường xa, do leo dốc…
Đến tịnh thất của ni sư Tâm Đức, vừa đúng bữa ngọ. Chúng tôi được ni sư chiêu đãi món bánh mì xíu mại chay. Mặc dù trong đoàn đã chuẩn bị cơm hộp, nhưng món bánh mì của ni sư vẫn được chúng tôi ủng hộ nhiệt tình. Trong không khí thân mật, sư đệ trở nên gần gũi mà vẫn giữ được khoảng cách cung kính cần thiết giữa các bậc xuất gia với người phật tử. Ni sư rất vui vẻ và cởi mở cho biết tâm nguyện của mình là muốn xây dựng tịnh thất trở thành tịnh xá và sẵn sàng giao lại cho một vị sư nào đạo hạnh cao hơn mình trụ trì. Hạnh nguyện của ni sư Tâm Đức thật đáng cho hàng đệ tử noi theo.
Chốn tu hành trên núi cao, xa chợ búa, xa khu dân cư, nên các sư thầy và ni sư phải vừa tự chẻ đá núi xây dựng tu viện, phải tự trồng rau, củ, tự cung tự cấp. Những bậc cấp làm thang leo lên núi được chế tác từ những tảng đá chẻ ra trong những đồi núi quanh đây. Những luống rau, cải, những luống khoai lang ngay hàng thẳng lối, xanh mướt trong buổi bình minh, gợi cảm giác an ổn, sung túc. Mặc dù trên núi cao, nhưng nguồn nước suối vẫn không ngừng tuôn chảy, cung cấp đủ nước tiêu dùng trong sinh hoạt, nước tưới rau và hoa màu. Cảm ơn thiên nhiên, đất nước đã ấp iu, che chở, nuôi dưỡng con người! Ngoài những giờ tu hành, tụng niệm, các vị đã lao động thật cật lực để trưởng dưỡng tâm đạo cuả mình. Bên cạnh những tà áo vàng của quý sư thầy và quý ni sư, thấp thoáng bóng dáng của những phật tử đi làm công quả. Số người này tuy không nhiều, nhưng họ tình nguyện đến nơi này chẻ đá, khiêng đá, bốc vác vật liệu xây dựng để biến chốn núi đồi hoang sơ, heo hút trở thành thánh địa tâm linh. Một điểm dừng chân thú vị nữa là Tịnh xá Linh Quang (còn gọi là Chùa Hòn Một). Nghe đâu chốn thanh tịnh này là nơi nghỉ ngơi, thư giãn của sư Thích Giác Toàn sau những ngày tháng phật sự đa đoan. Có thể xem Tịnh xá này là một thắng cảnh của xứ Phật. Đặc biệt hơn các ngôi tự viện khác là ở đây, ngoài các pho tượng được chế tác từ đá san hô, là một số pho tượng được đẽo gọt từ gốc tre già trên núi. Mỗi pho tượng được tạc thành là biết bao công đức của các nghệ nhân chế tác. Không chỉ là công sức mà còn là tâm nguyện của các vị đã gửi gắm vào. Mỗi mũi đục, mỗi nhát búa tạo hình là một câu niệm Phật cho đến khi hình tượng các vị La Hán, các vị Bồ Tát, các Chư Phật hiện hình hoàn mỹ. Bởi vậy, các pho tượng đều có vẻ sống động riêng, đem lại cho chốn thiền môn sự thanh tịnh, thiêng liêng và huyền diệu. Bất giác trong tôi bỗng thầm đọc bài kệ tán Phật:
Sắc thân Phật mầu đẹp,
Trong đời không ai bằng.
Khó sánh vì nghĩ bàn!
Nay con xin đảnh lễ…
Đứng chiêm bái trước tượng đức Phật Quan Thế Âm, mọi người có thể nhìn thấy toàn cảnh núi đồi trùng điệp xung quanh. Giữa nắng gió của vùng ven biển, chúng tôi khoan khoái hít thở đều đặn để cảm nhận được sự thanh khiết của thiên nhiên mà chốn thị thành không có được. Đến xứ Phật, tâm của mọi người đều an lành, gương mặt mỗi người đều tóat lên vẻ hân hoan thánh thiện. Bao nhiêu lo toan vật vã của cuộc sống đời thường chúng tôi đã để lại dưới chân núi cả rồi. Chúng tôi có cảm giác bình an hơn bao giờ hết!
Chốn thiền môn thật sự là nơi thanh tịnh! Thanh tịnh giữa rừng đào…
Diệu Hạnh (17/1/2010)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét