Thứ Hai, 21 tháng 3, 2011

4. MỘT GÓC TRỜI RIÊNG (SINGAPORE BOTANIC GARDENS)


Hôm đó là một ngày chủ nhật đẹp trời! Cô con gái út bảo: Hôm nay mình đi Botanic Gardens nha má, P ở đây mấy năm rồi mà chưa đi B.G lần nào! (Cũng phải thôi vì con rể tôi sang đây đi làm chứ có phải du lịch đâu, mà đi chơi thì phải có người thân hoặc “người yêu” đi cùng mới thú vị chứ bộ!)

Thế là ba mẹ con chuẩn bị đi B.G bằng xe buýt. Thật là tiện lợi vì B.G không xa trung tâm thành phố mấy, trạm xe lại đậu ngay cổng vào. Nhìn những dòng chữ ghi trước cổng, người ta biết được lịch sử xa xưa của vườn hoa rồi đó. Nếu tính từ khi được Ngài Stamford Raffles thành lập đầu tiên, B.G đã có gần 200 tuổi. Vậy là B.G thuộc vào hạng “lão” trong lãnh vực vườn bách thảo ở Đông Nam Châu Á. Nếu tính diện tích, G.B cũng “có hạng” với 64 hecta. Thật đáng nể!

Theo sơ đồ chỉ dẫn, chúng tôi men theo con đường nhựa rợp mát bởi những tán cổ thụ vĩ đại. Thảm thực vật của B.G không khác thảm thực vật của Vườn thú Sài Gòn vì cả hai cùng trong khu vực Đông Nam Châu Á, nhưng cây cối ở đây có vẻ rậm rạp và hoang sơ hơn nhiều. Chỉ mới hơn 2 giờ chiều, nhưng dường như bóng mặt trời đã lặn?! Hay là trời sắp chuyển mưa? Bầu không khí có vẻ âm u, lành lạnh. Càng đi sâu vào khu rừng, không gian càng bí hiểm. Con gái nói Sin mưa nắng thất thường hoài chứ gì má! Con rể thì buột miệng hỏi không biết trong rừng này có cọp không? Í ẹ… Nói vậy nhưng rồi ba mẹ con cùng cười vang và rảo bước nhanh thêm.

Qua hết khu rừng nguyên sinh, chúng tôi đến khu “Vườn gừng” (Ginger Garden) và “Vườn lan” (National Orchid Garden). Ba mẹ con bắt đầu có sự lựa chọn: Vô vườn nào trước? Con gái nhanh miệng: Vô Vườn lan đi má ơi! Thật vậy, chỉ nhìn thấy phía bên ngoài cổng Vườn lan trang trí bằng nhiều giống lan lạ mắt và màu sắc phong phú làm thành một thảm lan rực rỡ có vẻ mời mọc, dù không phải là người yêu hoa ta cũng phải “phải lòng” trước tiên (Rất tiếc là tấm ảnh chụp phía trước cổng Vườn lan đã bị xóa mất trong lúc con gái tôi loay hoay điều chỉnh cái máy ảnh với hy vọng tăng dung lượng thẻ ghi hình). Hình như mọi du khách khi đến đây cũng có sự lựa chọn như con gái tôi vì tôi nhìn thấy dòng người xếp hàng mua vé vào cổng Vườn lan có phần đông hơn.

Trước đây, tôi cứ tưởng Thái Lan là vương quốc của các giống hoa lan, nhưng khi đặt chân vào Vườn lan quốc gia của Singapore (National Orchid Garden) tôi mới biết ở đây có hơn 20.000 loài phong lan, còn trong một tài liệu khác lại nói có đến 700 loài lan tự nhiên và 3000 loài lan lai và NOG được đánh giá là vườn trưng bày lan lớn nhất thế giới, là thiên đường của các loài lan! Wa! Đáng khâm phục! Vì thế mà quốc hoa của Sin đã chọn lan Vanda Miss Joaquim, một loài hoa vương giả, làm biểu tượng! Và hoa lan đã hiện diện khắp nơi khi khách du lịch vừa đặt chân xuống sân bay Changi.

Từ lối vào vườn lan, ba mẹ con dạo bước trên con đường trải nhựa sạch mát. Tràn ngập trong không gian, hương hoa thơm ngát, thanh khiết. Chúng tôi khoan khoái hít sâu thở mạnh để tận hưởng không khí tự nhiên của khu rừng nhiệt đới hoang vắng. Sau khi lướt qua những lùm cây nhiệt đới sinh động đan xen một cách hài hòa với những thác nước, đài nước phủ đầy hoa lan nhiều màu sắc mà nổi bật là màu tím đặc trưng của phong lan, chúng tôi đến khu vườn trồng lan Vanda. Trong không gian thoáng đãng, những cành lan vươn cao rung rinh trong gió chiều. Những cánh hoa phớt hồng, mỏng manh, quý‎ phái đang hân hoan chào đón chúng tôi. Sau đó, chúng tôi đến Nhà sương Tan Hoon Siang. Nơi đây sưu tầm và trưng bày những loài hoa lan quý hiếm. Trong ánh sáng huyền ảo của màn sương nhân tạo, những cành lan càng lộng lẫy, càng quyến rủ khách nhàn du.

Từ lâu, tôi đã ao ước được sở hữu một giàn lan, với một vài giò lan hồ điệp, lan vũ nữ, Dendrobium… chỉ là một vài loại thông thường, không nhiều tiền lắm. Và thực tế ở nhà tôi, con gái út cũng đã “sắm” cho tôi một giàn lan như vậy rồi. Hằng ngày, tôi đều chăm chút tưới tắm, săm soi các “em Lan”, nhưng thỉnh thoảng mới nhận được một vài bông hoa lẻ mọn, mong manh. Bởi vậy, khi đặt chân vào Nhà sương Tan Hoon Siang rồi, cảm giác của tôi dường như là ngất ngây bởi vẻ đẹp, sự phong phú, sự đa dạng và sự quyến rủ của nhiều giống lan rất lạ so với hiểu biết của tôi. Tôi đã “làm người mẫu” đứng bên cạnh tất cả các giò lan, chậu lan, chiếc trống lan… trong Nhà sương để con gái chụp hình, đến nổi chật cứng cái thẻ nhớ 256 MB của chiếc máy Canon. (Thế là con gái phải loay hoay tìm cách để có thể chụp hình tiếp ở chặng tham quan phía trước. Trong tích tắc, bỗng con gái hốt hoảng: Chết rồi! Con bấm nhầm nút xóa, bay mất hết hình rồi Má ơi! Đó là “sự cố kỹ thuật” bất ngờ khiến loạt hình chụp từ chỗ Nhà sương trở về trước không còn nữa).
Thêm một “cái xui” nữa là ngoài trời mưa bắt đầu nặng hạt. Không gian trở nên âm u, bí hiểm như trong truyện cổ tích. Trong Nhà sương bây giờ chỉ còn ba mẹ con tôi. Bất giác tôi có cảm giác ớn lạnh rùng mình trong cái không gian huyễn hoặc đó. Dù sao cũng phải chờ cơn mưa đi qua nên chúng tôi lân la khá lâu trong này. Bây giờ, con gái tôi muốn ghi lại hình ảnh trong Nhà sương nhưng cái đèn flash hơi yếu, không còn chụp tốt như cách đây 30 phút. (Khi về nhà, xem lại hình ảnh đoạn này, chất lượng hình không được đẹp nữa và “người mẫu” thì mặt mày “méo xẹo” do tiếc đoạn hình đã chụp ban đầu bị “bay mất”!!!).
Lát sau, mưa dứt. Chúng tôi rời Nhà sương, đi ngang qua Vườn dứa. Những giống cây này được nhập khẩu từ Trung và Nam Phi. Nó chỉ lạ mắt thôi chứ không hấp dẫn đối với chúng tôi. Nhìn những chiếc lá gai nhọn sắc chỉa tua tủa, tôi có cảm giác rát ngứa, nên không muốn dừng lại lâu ở nơi này.
Chúng tôi tiếp tục trên lộ trình và đi đến Nhà lạnh (Cool House). Con rể vừa cầm tay nắm mở cánh cửa nhôm kính của Nhà lạnh, một luồng khí lạnh ùa ra cùng với làn khói cũng lạnh buốt. Bên trong Nhà lạnh, trần nhà lợp bằng loại tôn sáng nên không gian vẫn giống với bên ngoài thiên nhiên. Có điều nơi đây mô phỏng một khu rừng nhiệt đới trên núi cao, cây và đá xen lẫn với vô vàn loài lan quý và những cây ăn thịt kỳ lạ. Không khí lạnh, trong lành và đầy sương ẩm ướt. Chúng tôi bước từng bước cẩn thận vì sợ trượt ngã. Âm thanh tiếng nước suối chảy róc rách hai bên đường đi gây cho ta cảm giác đang lạc bước vào một khu rừng thực sự. Những giống lan trong Nhà lạnh rất lạ, có những giống lan tôi chưa từng thấy bao giờ. Vì không khí ẩm ướt quá nên con gái không dám lấy máy ảnh ra ghi hình. Thật tiếc!
Rời Nhà lạnh, chiếc cầu dây văng bằng thép với dây leo của các loài cây rừng hoang dại quấn qu‎ýt hai bên đưa chúng tôi đến những mái lều có đặt những chiếc ghế xi măng giả gỗ bên trong làm chỗ nghỉ chân cho khách. Ba mẹ con ngồi nghỉ chân, dùng một ít trái cây, bánh ngọt, nước giải khát tự mang theo. Chúng tôi chỉ tham quan một góc rất nhỏ của SBG mà cảm thấy chân cẳng rã rời.
Mặt trời đã xuống thấp từ lâu. Không gian yên tĩnh ở đây hãy còn mời mọc chúng tôi nhưng cái bụng đói bắt đầu réo gọi. Con gái kêu lên: P ơi! Mình đưa má đi ăn Phố Tàu đi anh! Từ chỗ này đi ra cổng cũng khá xa. Chúng tôi sợ trời tối không thấy đường đi, nên rảo bước nhanh thêm. BG không để chúng tôi lo sợ, những ngọn đèn vàng dọc theo đường đi bắt đầu chiếu sáng. Hình như BG mở cửa đến tận 12 giờ đêm kia mà! Trên đường, chúng tôi bắt gặp một vài nhóm du khách đi ngược chiều với chúng tôi. Có lẽ đây là những vị khách mới vào tham quan. Ở xứ sở văn minh, dường như bóng đêm không phải là một trở ngại cho con người. Càng về đêm, cuộc vui của con người càng đa dạng phong phú hơn nhiều. Đang đứng chờ xe búyt, bất giác tôi nghĩ đến quê hương xứ sở của mình mà ước mong sao Thảo Cầm Viên của chúng ta tổ chức được những không gian xanh thân thiện như Vườn Bách Thảo của nước bạn.

2 nhận xét:

Góc trời riêng của ai đó nói...

Hu hu...cô viết văn hay quá. Sau này có tiền con đi Sing du lịch một chuyến mới được.

Nguyễn Thị Tuyết nói...

Cảm ơn con! Khen cô hoài, cô "bể lỗ mũi" mất! Nếu con "du lịch ba lô" thì không tốn kém nhiều đâu! Muốn sử dụng "máy bay giá rẻ", con vô Web của Tiger Airway để booking vé rẻ. Qua Sin, hệ thống giao thông công cộng rất tiện nghi và rẻ, có nhiều khả năng để lựa chọn. Chỉ cần để dành một tháng lương là đủ! Chúc con sớm thực hiện "ước mơ".