Thứ Hai, 14 tháng 6, 2010

MẤY NGÀY TẾT...

Không biết vì sao người ta thường dùng thành ngữ “Bị sao quả tạ chiếu” để chỉ những chuyện xui xẻo trong cuộc đời?! Và tôi, người đang bị sao quả tạ chiếu, trong khi mọi người đang vui xuân đón tết. Đến hôm nay, khi không khí mùa xuân đã lắng dịu, tôi vẫn còn chiêm nghiệm lời nói của ông bà mình: “Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí”, vì tôi bị xui liên tiếp mấy cú.
Những ngày giáp tết đối với vợ chồng tôi thật bận rộn nhưng niềm vui được sum họp với con cái còn lớn hơn nên dù có bận rộn với công việc chuẩn bị nhà cửa, sân vườn, cây kiểng, bánh mứt…tụi tôi vẫn không biết mệt. Hằng năm, mặc dù không khéo tay mấy, nhưng vợ chồng tôi đều bày ra gói bánh tét để đêm 30 tết đón giao thừa bên nồi bánh bốc khói cùng với con cái và mấy đứa học trò ruột của minh. Năm nay, hai cô gái đều có gia đình, nên chúng tôi dời ngày gói bánh sớm hơn một ngày, để đêm giao thừa chúng có mặt trong gia đình nhỏ của chúng, cùng với ông bà thông gia của tụi tôi. Bởi vậy, ngày 28 tết là một ngày tất bật nhất. Tôi đi chợ từ 5 giờ sáng để mua sắm những thứ cần thiết cho ngày 29 vừa gói bánh tét vừa nấu bữa cơm rước ông bà về vui xuân với con cháu. Sau khi đi chợ về, đầu tiên là kho nồi thịt kho tàu với hột vịt để cho thấm nước dừa, cho thịt rệu mới hấp dẫn. Tiếp theo là quết cá thác lác với giò sống để làm nhân khổ qua hầm. Bắc nồi khổ qua lên bếp xong lại làm sạch bao tử và lưỡi heo, ướp với ngũ vị để làm món phá lấu. Vừa xong các món cho bữa cơm cúng ông bà là phải lo nồi bánh tét. Nếp phải vo thật kỹ, gút thật sạch với muối. Đậu xanh cà phải ngâm cho nở để đãi vỏ cho sạch. Thịt mỡ phải cắt cho khéo, cho vừa với nhân bánh, xong rồi ướp với rượu hồi cùng với đường cát cho thấm và phơi cho ráo. Chuối xiêm chín lột vỏ, tướt chỉ cho sạch, ướp đường cho thấm. Ông xã tôi lãnh phần rọc lá chuối và phơi lá. Song song với công việc phụ trợ cho tôi, anh còn phải cắt cỏ, dọn vườn, quét bồ hóng trong nhà, lau nhà, lau cửa kiếng, cửa gỗ…Bấy nhiêu công việc thôi mà hai đứa tất bật cả ngày 28, đến gần 2 giờ sáng 29 mới đi ngủ được. Đến 5 giờ sáng ngày 29 tết, tôi thức dậy như mọi ngày. Vừa bước ra khỏi phòng ngủ, tôi hốt hoảng khi thấy cửa ra vào mở toang. Lời nói đầu tiên là tôi trách ông xã đi ngủ sao quên đóng cửa! Nhưng rồi tôi cũng định thần lại để kịp nhận ra kẻ trộm đã vào nhà bằng con đường trèo lên đầu tường chỗ lỗ máng xối giữa hai gian phòng. Trước sân kẻ trộm vứt vương vãi tứ tung đủ thứ cặp táp, túi xách, bóp đầm… lấy từ trong mấy cái tủ trong nhà. Tất cả quần áo hầu như đang nằm cả ngoài sân! Tôi gọi điện thoại báo cho công an đến giúp đỡ mà trong bụng rối bời chưa biết mất đồ đạc gì, nhiều ít ra sao…! Tuy nhiên, trong cái rủi vẫn có cái may là cổng rào có khóa, kẻ trộm đã thử mở ổ khóa này bằng xâu chìa khóa để sẵn trên bàn viết, nhưng có lẽ vì đêm tối nên nó đút nhầm chìa khiến cái chìa bị kẹt trong ổ cắm! Vậy là ta bị sui mà nó cũng bị sui! Trong nhà, xe máy cà tàng bốn chiếc, xe đạp và xe đạp điện vẫn còn nguyên. Khi công an đến, kiểm tra lại đồ đạc trong nhà, chỉ thấy mất máy chụp hình của ông xã để trên bàn, chuẩn bị cho sáng sớm 29 đi trực cơ quan, mang theo chụp sinh hoạt của trường trong ngày trực tết để cập nhật web site của trường. Trong túi xách đi chợ của tôi, còn hơn 500 ngàn, đã bị trộm lấy đi cùng với thẻ chứng minh nhân dân. Mấy chú công an còn ngờ vực về tài sản bị mất trộm của tụi tôi, cứ hỏi gặng đi gặng lại: Cô kiểm tra lại cho kỹ xem! Mấy chú quan sát từng tay nắm của hộc tủ quần áo đã bị kéo ra hết. Bằng phương pháp kỹ thuật chuyên môn và kinh nghiệm điều tra tội phạm, các chú cẩn thận tác nghiệp một cách chậm rãi. Trong khi đó một cú điện thoại của trường Cao đẳng Bến Tre gọi đến hỏi lý do tại sao ông xã tôi bỏ ca trực tết. Ông xã - ở trần mặc cái quần xà lỏn - quàu quạu trả lời trong điện thoại: Mấy chú công an yêu cầu để nguyên hiện trường nên tui chưa có quần mặc đi trực! Cuộc xem xét của công an lập biên bản, lấy dấu tay tại hiện trường thật tỉ mỉ, gần ba giờ đồng hồ mới kết thúc. Mặc dù hôm nay là ngày cuối trước khi được nghỉ tết, nhưng các chú công an vẫn trực 24/24 , sẵn sàng ứng cứu. Trước khi về, một chú có vẻ là người trưởng nhóm, còn dặn dò nếu kiểm tra kỹ lại có mất mát gì thêm nữa, cứ gọi điện báo cho mấy chú biết! Ông xã đùa: Có thứ quý giá lắm mà ăn trộm không biết để lấy! Đó là tủ sách này nè! Nó chỉ hốt chừng hơn chục cuốn thôi là tui đủ khốn khổ cuộc đời rồi! Cả gia chủ và các chú công an khu phố cùng nhoẽn miệng… không cười nổi!…Nếu kẻ trộm biết trước điều này, chắc hẳn nó sẽ được ăn cái tết ngon lành hơn! Mấy chú công an ra về rồi còn nghe ông xã lẩm bẩm: Hồi khuya mệt lả người, ngủ như chết! Có nghe động rột rẹt đó chớ, vậy mà tự nhủ chắc chỉ là mấy con mèo quấy thôi! Mà giả sử có ai la lên trời sắp sập chắc cũng xin ông trời sập chậm chậm một chút, để ngủ một chút đã… sá gì cái thằng ăn trộm động rột rẹt!...
Trưa 29 tết. Các con đã về. Rộn rã, tíu tít nhất là giọng của cô gái út. Mới xa nhà hơn năm tháng thôi, mà cái gì nó cũng “ô”…”a”…kinh ngạc. Chạy tuốt ra cuối vườn, nhìn xuống mương tìm hoa lục bình…Ô hay sao nước cạn vậy má?! Bông lục bình đâu hết trơn rồi?! Còn cây dừa này, sao ba đốn chi vậy?! A..Vườn hoa của ba đẹp quá nè anh ơi!...Cái tính hiếu động của con nhỏ đã có chồng rồi cũng không bỏ được…Cô chị thì đằm thắm hơn, vào bếp phụ má. Chẳng mấy chốc bữa cơm cúng ông bà đã được ra mâm ra bát. Hai anh con rể cũng chung tay vào chưng dọn bàn thờ, cẩn trọng đặt mâm cơm tất niên trên mặt chiếc bàn tròn để cho ông già vợ khấn vái. Trong khói hương trầm mặc, không khí gia đình trở nên ấm cúng hơn. Có cái gì đó thật thiêng liêng trong giây phút này. Hôm nay, ông bà cửu huyền thất tổ đang về cùng với con cháu vui xuân, chứng kiến niềm hân hoan của cháu con trước thềm năm mới.
Bữa cơm tất niên thật vui nên tôi chưa vội kể cho các con nghe chuyện nhà mình bị trộm. Trong bữa ăn, món nào cũng được cô út khen lấy khen để và hỏi má cách làm “để con làm cho “ảnh” ăn!”…Câu chuyện trong bữa ăn không dứt những tiếng cười của mọi thành viên trong gia đình. Năm nay, gia đình tôi đông vui hơn bởi có hai “chú rể”. Ông xã tôi không còn than thở chuyện mình là “dân thiểu số” nữa. Cơm nước xong, cả nhà tôi bắt tay vào gói bánh tét. Nhờ có sự trợ giúp của hai em “học trò ruột” Ngọc Tiên và Bảo Trâm nên lá chuối đã được lau sạch rồi. Cô chị Hai đang lúi húi vắt nước cốt dừa, cô gái út đang xào chão nếp đầu tiên. Tôi vừa xếp lá vừa gói và chỉ dẫn cho hai đứa con rể cách gói. Sau khi hai chàng rể gói xong, bánh được chuyền sang hai đứa con gái và hai em học trò của tôi cột dây. Mỗi người một tay, chẳng mấy chốc mà thau nếp 10 kg cũng hết veo. Tất cả được 52 đòn bánh. Chu choa ơi! Năm nay mình ăn tết lớn dữ vậy sao! Ông xã tôi vừa bắt bếp vừa cười to: Năm nay mình có sui gia rồi, phải làm bánh như vậy mới có cái mà biếu xén chớ! Gói bánh xong, tôi làm tiếp bữa cơm chiều để cho cha con no lòng mà chụm lửa nồi bánh tét. Nồi bánh bắt đầu nổi lửa vào lúc 5 giờ chiều, có nghĩa là qua giờ “giao thừa” mới vớt bánh được. Để không bị buồn trong lúc chụm lửa, hai đứa con rể của tôi ra vườn đào khoai mì để lùi trong tro nóng. Đây là món khoái khẩu của tụi nhỏ thời chúng tôi. Tôi cũng chuẩn bị một rổ sò huyết cho cha con nhâm nhi đón “giao thừa sớm” (vì đêm nay mới là đêm 29 tết)…Rồi câu chuyện giữa đêm khuya lôi cuốn mấy cha con quanh nồi bánh tét làm họ quên mất khâu châm thêm nước vào nồi. Mãi đến khi nghe mùi khét, cả năm cha con mới hoàn hồn cầm vòi nước mà xịt vào nồi để “chữa cháy”…Hậu quả là bánh tét có hai tầng: một tầng khét và một tầng không khét! Như vậy cũng làm cho mấy cha con có chuyện vui đêm trước giao thừa để sau này kể cho con cháu nghe…Con gái út cũng đã có dịp “khoe hàng” đầu năm trên bờ-lốc của nó rồi! (hi…hi…) Để làm quà, ông xã tôi giới thiệu rổn rảng trong điện thoại cho hai ông thông gia: Cái món bánh tét này là của hai thằng con rể gói và nấu à nhen, không phải công trình của tui đâu nhen! Cái độc đáo ở đây là lần đầu tiên hai chú rể kỹ sư ở Thành phố Sài Gòn về Thành phố Bến Tre gói bánh tét ấy mà! Thế là tôi đỡ phải “xấu hổ” vì nấu bánh khét! Ai có ngờ đâu nồi nước to đùng như thế mà chụm lửa đến cạn queo!

Mùng 3 tết. Hôm nay học trò sẽ đến chúc tết rất đông đấy! “Mồng ba tết thầy” mà! Tôi vừa mở cửa cái ra, sau lưng tôi một tiếng “xoảng” rất thanh và vang. Chiếc bình gốm sứ Giang Tây 650000 đồng của tôi vỡ thành nhiều mảnh. Thủ phạm là chị mèo cái đang nhảy vọt ra theo đà cánh cửa vừa mở. Trời ạ! Con mèo làm bể bình bông của tôi rồi! Mặt mũi tôi tối sầm. Tôi nhặt mấy mảnh vỡ mà lòng tôi cũng vỡ vụn ra thành nhiều mảnh. Cái bình hoa cổ điển tôi yêu thích bởi một bên là bức tranh hoa mẫu đơn quen thuộc và một bên là bài thơ tứ tuyệt “Ẩm tửu khán mẫu đơn” của Lưu Vũ Tích, nhà thơ thời Trung Đường,(mà ông xã tôi rất thích ngâm ngợi câu cuối của bài thơ: “Bất vị lão nhân khai” (Hoa nào có nở cho người già đâu!)). Tôi đã đi xem triển lãm gốm sứ Giang Tây với ông xã. Rồi sau đó đi với con gái út. Một vài lần đi với cô giáo Tài (tôi vẫn thân thiết gọi cô bằng pháp danh: Diệu Bảo). Tôi để ý chiếc bình xinh xắn đó vẫn chưa có ai mua. Hôm rằm tháng 10 năm rồi, khi Diệu Bảo phát tâm cúng dường cho chùa Phước Khánh ở Thạnh Phú cặp bình cỡ đại, tôi đã “bấm bụng” đem chiếc bình nhỏ này về “làm của”. Tôi vẫn giấu ông xã không cho ổng biết tôi đã mua một món đồ đắt như vậy, mặc dù chưa bao giờ ông cằn nhằn chuyện tiêu xài của tôi. Cái bình quý quá nên tôi chưa dám chưng ra bên ngoài, cứ cất cất giấu giấu trong tủ thờ. Mấy ngày tết tôi mới đem ra chưng trên bàn thờ gia tiên. Vậy mà con mèo cưng đã nhảy lên bàn thờ để bắt thằn lằn làm chiếc bình quý của tôi tan tành?! Tôi đành ôm cục tức vào lòng vì tôi cũng cưng mấy chú mèo của tôi lắm, cứ ba ngày chúng ăn đứt một ký cá biển mà! Nỡ lòng nào đi đánh con mèo cưng! Đánh nó đau mà cái bình cũng không thể lành lại được thì đánh nó làm chi! Than ôi! Làm sao kiếm được cái bình thứ hai giống cái bình quý của tôi! Nhưng mà cuộc đời này vốn vô thường: Có sinh tất có diệt! Tôi đành tự an ủi để bớt buồn trong lòng.

Mùng 9 tết, ngày đầu tiên ông xã tôi đi dạy lại sau 2 tuần nghỉ tết. Vẫn như mọi khi, anh mượn cái laptop của tôi để đi dạy. Buổi trưa, anh về nhà, công việc trước tiên là lấy cái laptop ra, đặt trên bàn, trả lại cho tôi. Trời ạ! Cái laptop bị nứt cái màn hình rồi! Thì ra anh không thấy cái nắp đậy của USB nằm trên bàn phím của laptop. Khi đậy laptop lại, cái nắp USB kẹp vào giữa, làm cấn vào màn hình. Màn hình bị nứt một đường chéo qua khung màn hình. Khi khởi động máy tính, màn hình không sáng đều lên mà có chỗ tối, chỗ sáng. Không thể hiển thị hình ảnh, chữ nghĩa gì.
Tôi không buồn vì bị hư laptop mà buồn vì thấy cặp mắt, cái tài sản quý giá của cha mẹ ban tặng cho ông xã tôi, đang bị quy luật sinh diệt của tạo vật can thiệp sớm quá! Nguyên nhân cũng dễ hiểu: Anh là dân IT, suốt ngày ngồi trước màn hình máy tính! Cặp mắt làm sao tránh khỏi bị hư hoại! Mắt anh bị loạn thị, không nhìn rõ những vật nhỏ ở gần, không thấy một phần hiển thị trên màn hình máy tính. Điều này tôi đã biết từ mấy năm nay khi cùng anh đi kiểm tra thị lực. Anh phải đeo kính đặc biệt cho mắt vừa loạn vừa viễn thị. Vậy mà có lúc cặp mắt anh cũng không thấy hết mọi vùng xung quanh.

Thế là trong vòng 10 ngày, tôi và ông xã tôi phải chịu một cú như trời giáng. Anh bị mất cái máy ảnh, vật kỉ niệm của con gái đầu lòng tặng cho Ba khi cháu đi làm một năm trời ở Nhật. Còn tôi, vừa quê một cục vì đầu năm tặng cho sui gia bánh tét khét, vừa tiếc đứt ruột vì mất bình bông quý mình vừa ý, mình tưng tiu như trứng mỏng, vừa cụt hứng vì mất phương tiện đọc và viết blog lúc nhàn rỗi, vừa lo cho sức khỏe ông xã không còn như trước…Thật là “sao quả tạ” đã chiếu cố mình rồi!
Tết đã qua lâu rồi… chỉ có ông xã là không hề nhắc lại chuyện vừa qua. Thảng hoặc có ai hỏi, anh chỉ buông một câu triết lí vụn cùng với cái chậc lưỡi rất thản nhiên: “Ối! Thôi! Mọi cái rồi phù du!”, Thiệt là thấy ghét…