Thứ Năm, 31 tháng 12, 2009

Ngày tháng thương yêu...


Mấy thứ này sắm đã lâu,
vì bị Yahoo 360 độ đuổi nhà nên dời qua!

Sunday October 28, 2007 - 11:27pm (ICT)

MỘT NGÀY CHỦ NHẬT VUI VẺ, HẠNH PHÚC
(Viết để nhớ một em học trò rất thương trường Hermann Gmeiner)

Cô phát thanh viên chương trình “Chào ngày mới” kết thúc bằng lời chúc: “Kính chúc quý vị một ngày chủ nhật vui vẻ và hạnh phúc bên gia đình và những người thân của mình”. Tôi vừa nhẩm lại lời chúc vừa nghĩ ngợi mông lung: “Tôi mơ được một ngày chủ nhật vui vẻ và hạnh phúc bên gia đình và những người thân của mình”. Gia đình hạnh phúc là điều tôi ao ước!
Tôi được vào sống ở Làng SOS tám năm rồi. Những ngày đầu mới bước chân vào đây, tôi là một đứa bé gái “ốm nhom, ốm nhách và đen nhẽm” (như lời của cậu Bằng, Giám đốc của Làng thường kể lại) vì tôi vừa trải qua một trận thương hàn tưởng chết. Bà nội tôi thương đứa cháu côi cút, nhưng không có tiền chạy chữa cho tôi, ngoài những lúc bà cạo gió và lấy khăn nhúng dấm đắp cho tôi khỏi sốt. May mà lúc ấy có một phái đoàn từ thiện đi phát thuốc cho gia đình nghèo hay kịp. Chẳng những tôi được đưa lên Trung tâm y tế huyện để điều trị bệnh, mà còn được tổ chức giới thiệu đưa tôi về ở Làng cho đến nay.
Tôi không biết mặt ba mẹ của tôi. Khi bắt đầu biết nhận thức, tôi chỉ biết tôi sống với bà nội. Hai bà cháu lủi thủi bên nhau. Bà đi mót tàu cau bó chổi, đi kéo tàu dừa, chặt củi, đi rọc lá chuối ở xóm để bán… Tôi đã lớn lên bằng công lao khó nhọc của bà. Có trái ổi xá lỵ thơm, bà để dành cho tôi. Bữa cơm có cá kho, bà gắp cho tôi cái trứng cá… Tuy bữa đói bữa no, nhưng đứa cháu nội của bà vẫn no lòng. Ngoài bà nội, tôi còn có ông nội. Ông lãng tai nặng và thường dùng giấy bút để nói chuyện. Ông nội tôi không hiểu sao lại không ở chung nhà với bà nội, mà sống chung với cô Hai. Cô Hai không lấy chồng, ở vậy chăm sóc ông nội tôi và thỉnh thoảng đem tô canh, dĩa cá kho hay mấy thứ cây trái quanh nhà biếu cho bà nội tôi. Nhà cô Hai cũng không xa nhà bà nội tôi là mấy. Tôi cũng thường chạy sang đó nhổ tóc ngứa cho ông nội tôi. Bốn, năm tuổi, tôi lấy làm hãnh diện với bọn con nít trong xóm vì được ở hai nhà. Có hôm, tôi qua nhà cô Hai chơi, trời mưa lớn quá, không về được. Tôi ăn cơm với cô và ông nội, rồi ngủ đêm luôn tới sáng hôm sau mới về. Qua cô Hai, tôi được biết mẹ tôi qua đời sau ca sinh khó. Đứa bé sơ sinh mẹ tôi để lại chính là tôi. Bà nội tôi đã cưu mang tôi từ những ngày tôi còn đỏ hỏn. Một năm sau, ba tôi theo bạn bè đi ghe vô Cà Mau đánh cá. Rồi một trận bão lớn tràn qua. Ba tôi đi không thấy trở về. Tôi không biết mặt ba mẹ tôi là vì vậy.
Tôi không sao quên được cái buổi chiều tôi từ giã bà nội tôi để vào Làng. Đó là một buổi chiều u ám. Cơn mưa cuối mùa dai dẳng từ trưa không ngớt. Con đường vườn dẫn vào nhà nội tôi trơn như khoai mỡ. Tôi nôn nao sợ mưa to, người ta không đến. Quá giờ hẹn gần hai tiếng, xe của Làng mới xuống tới. Đường đất lầy lội quá nên xe phải đậu ở ngoài đường cái. Cô Thu Hải, người phụ trách đưa tôi về Làng, phải đi bộ gần một cây số mới vô tới nhà nội tôi. Cuộc chia tay vội vàng của hai bà cháu tôi không có nước mắt, cũng không có bịn rịn. Tôi không biết trong lòng bà nội tôi lúc ấy ra sao. Riêng tôi, vừa trải qua trận ốm, lại được nhiều người chăm sóc, thăm hỏi, tôi háo hức muốn tìm một “phép lạ”.
Xe vừa chạy vào cổng Làng, đã có bốn, năm cô, chú chạy ra đón. Sau khi làm thủ tục ngắn gọn trên phòng khách, bác Bằng và cô Thu Hải đưa tôi đến nhà mẹ Hiền. Mẹ Hiền đang chuẩn bị bữa ăn tối phải ngừng lại để tiếp đón tôi. Mẹ dắt tôi vào nhà, giới thiệu tôi với các chị, các anh và các em trong nhà của mẹ. Tôi khép nép bên mẹ. Tôi chợt muốn khóc nhưng kịp lấy tay áo chùi nước mắt. Rồi mẹ đưa tôi đi tắm, thay quần áo mới cho tôi và dắt tôi vào bàn ăn. Mặc dù trên bàn ăn dọn rất nhiều món, có những món tôi chưa từng thấy, chưa từng biết bao giờ, nhưng tôi chỉ ăn được một chén cơm rồi thôi. Mẹ Hiền rất tâm lý, dắt tôi ra sau, dạy tôi đánh răng, cho tôi uống nước, rồi cho tôi lên giường. Đêm đầu tiên tôi được nằm trên chiếc giường êm ái, khác với cái giường tre của bà nội tôi, được đắp cái mền len mềm mại, khác với cái mền nối bằng vải vụn của bà nội tôi, vậy mà sao tôi cứ trằn trọc mãi. Đến khi tôi vừa chợp mắt thì lại thấy bà nội tôi đang xách nước ở cầu ao. Tôi dợm bước xuống cầu ao để giúp bà thì mới biết mình nằm mơ. Đến lúc này tôi mới tự trách mình sao bỏ bà nội tôi một mình! Tôi thao thức cho đến gần sáng mới ngủ được.
Mới đó mà đã tám năm rồi! Hiện tại , tôi đang học lớp mười. So với tuổi các bạn cùng trang lứa, tôi đi học trễ mất hai năm. Nhưng nếu nhìn kỹ lại những hoàn cảnh tương tự như tôi, tôi thấy mình có nhiều diễm phúc. Tôi đã có một gia đình lớn là Làng. Tôi có người mẹ nuôi thương yêu và hiểu tôi. Tôi có các bác, các cô, các dì luôn quan tâm động viên tôi học tập. Tôi chịu ơn họ rất lớn, nên tôi phải cố gắng học để đổi thay số phận. Nhất là, tôi muốn học giỏi, làm bác sĩ để chữa bệnh cho bà nội và ông nội tôi. Trong gia đình nhỏ này, trên tôi có hai chị đã tốt nghiệp lớp mười hai và đang đi học nghề trên Thành phố. Kế tôi, có anh Thiện, một ông anh cộc tính nhưng rất sẵn lòng gánh vác việc nặng nhọc trong gia đình. Năm nay, anh lên lớp mười một và đã chuyển sang ở Lưu xá thanh niên. Dưới tôi, có sáu đứa em, mà đứa nhỏ nhất chỉ mới hai tuổi, chưa biết nói. Bây giờ, trong gia đình này tôi đương nhiên là chị, nên tôi lại càng phải nêu gương tốt cho các em.
Sáng nay, một buổi sáng chủ nhật đẹp trời. Nắng sớm trải vàng trên mấy luống cải của mẹ Hiền trồng. Tôi phụ giúp mẹ tưới nước. Hai đứa em trai kế tôi đang giúp mẹ nhổ cỏ. Mấy em nhỏ chạy giỡn trong sân trước… Gia đình tôi cũng đang vui vẻ, hạnh phúc đấy chứ! Từ trên loa phát thanh, giọng hát quen thuộc của cô ca sĩ tuổi “teen” vang lên: “Tôi đang mơ giấc mộng dài, đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh…


Sunday October 28, 2007 - 12:51am (ICT)
MỘT NGÀY NHƯ MỌI NGÀY.

Những ngày đầu tiên khi tôi được nghỉ hưu, ai gặp tôi cũng hỏi: "Nghỉ dạy ở nhà có buồn không?". Trời ơi! Sao mà khó quá! Nếu nói "Được nghỉ ở không, sướng gần chết! Có gì đâu mà buồn!". Chắc chắn sẽ có người bỉu môi, nghĩ trong bụng: "Bả nói vậy là chẳng yêu nghề chút nào!". Nếu nói: "Buồn sao không!". Chắc cũng sẽ có người nghĩ thầm: "Bả nói xạo! Nghỉ hưu khỏe thấy mồ! Buồn cái nỗi gì!". Thật là "chín người, mười ý"! Phải ở trong cùng một tâm trạng mới có sự đồng cảm được.
Tôi đã chọn nghề "gõ đầu trẻ" một cách tự nhiên, như người ta phải ăn cơm, phải uống nước, phải sống... Khi bước vào kỳ thi oral để hoàn chỉnh khóa thi tuyển vào trường Đại học Sư phạm Sài Gòn năm 1972, tuy chưa niêm yết kết quả, tôi đã biết tôi thi đậu rồi. Ông giáo sư trực tiếp vấn đáp tôi (sau này khi vào học, tôi mới biết là giáo sư Lê Hữu Mục, một vị giáo sư dạy Hán Nôm đáng kính và cũng rất khó tính) bảo tôi cầm giẻ lau bảng và đề thứ lên bảng. Cái gì chứ lau bảng, đề thứ, chép bài lên bảng là "nghề" của tôi. Ngay từ lúc học lớp năm (theo cách gọi bây giờ là lớp một), tôi đã được ông ngoại tôi rèn chữ viết. Mỗi ngày, dù ngày đi học hay ngày nghỉ, tôi đều phải tập viết hai trang. Nếu không có ông ngoại kềm cặp, tôi cũng vẫn tự giác lấy tập ra viết đúng hai trang rồi mới đi chơi. Vì thế, khi lên lớp tư, lớp ba...tôi đã "sở hữu" một chữ viết chuẩn mực và trở thành "thư ký riêng" cho các thầy, cô giáo dạy lớp của tôi học. Nhiệm vụ của tôi mỗi ngày là đến lớp sớm hơn các bạn để chép bài lên bảng dùm thầy, cô. Hai chiếc bảng quay trong lớp đều được tôi chép kín bài trước khi trống trường vào học. Khi thì Tập đọc, khi thì Khoa học thường thức, khi thì Đức dục... Vậy đó, hết bậc Tiểu học thì tôi cũng bị "ghiền" chép bài lên bảng hồi nào tôi cũng không biết.
Tôi còn nhớ, sau khi tôi làm xong yêu cầu của giáo sư vấn đáp, ông nhìn tôi gật gù ra vẻ hài lòng. Ông còn hỏi tôi vài câu gì nữa đó, bây giờ tôi không còn nhớ, nhưng tôi rất tự tin và mạnh dạn trả lời không một chút vấp váp. Mọi người dự thi lúc ấy nhìn tôi có vẻ ganh tỵ, cho rằng tôi may mắn quá! Thế là tôi hiên ngang bước vào trường Đại học sư phạm một cách dễ dàng. Thời gian học sư phạm Việt Hán trôi qua cũng nhanh chóng và đầy thuận lợi, chứ không vất vả như thời trung học (bởi tôi rất dốt môn Toán, nhất là Hình học không gian). Qua được "cái ải" trung học, tôi thấy mình phơi phới với ngành học văn chương chữ nghĩa. Thích nhất là lúc được giáo sư Nguyễn Hòa Lạc hướng dẫn đi thực tập. Giờ nào lên lớp, tôi cũng thành công. Thầy lúc nào cũng đánh giá cao giờ dạy của tôi. Dường như tôi sinh ra để đi dạy học vậy!
Tốt nghiệp Đại học sư phạm, tôi được dạy ở một trường huyện mà lâu nay chưa có giáo viên cấp ba (tức bậc trung học phổ thông bây giờ). Một giáo viên mới ra trường, tôi vừa dạy văn lớp sáu và lớp mười, vừa dạy Tiếng Pháp lớp sáu. Do trường còn thiếu giáo viên, Ban điều hành phân công nhiệm vụ nào, tôi cũng nhận. Tôi vừa học, vừa dạy, 30 tiết một tuần, không biết mệt. Mỗi năm học, tôi được "lên lớp" theo học trò, nên chỉ sau hai năm, tôi đã lên lớp mười hai và được đi chấm thi tốt nghiệp, đi chấm thi tuyển học sinh giỏi văn cấp tỉnh. Bởi vậy, chỉ đi dạy ba năm, tôi thấy mình trưởng thành. Dạy năm năm trường huyện, tôi được thuyên chuyển về Thị xã, dạy trường tỉnh. Tôi cũng không ngần ngại khi được Sở giáo dục giao nhiệm vụ dạy minh họa cho "Báo cáo chuyên đề Giảng dạy thơ văn Hồ Chủ tịch". Sau mỗi lần cọ xát với những công tác khó khăn như vậy, tôi đã phấn đấu hết sức mình, đồng thời cũng đem đến cho tôi niềm đam mê giảng dạy. Trong cuộc đời của một nhà giáo, tôi đã học được nhiều ở những thầy cô và đồng nghiệp đi trước cũng như các bạn trẻ. Cứ thế, mà tôi trải qua ba mươi mốt năm trong nghề lúc nào không hay. Tôi đã sống cùng với tiếng kẻng báo giờ vào học, tiếng cười đùa của học trò, những âm thanh rất riêng của môi trường giáo dục. Tôi đã sống cùng những lo toan của đồng nghiệp, cùng những trăn trở trong chuyên môn. Tôi đã sống cùng những đa đoan cuộc đời của các em học sinh tôi chủ nhiệm hay chỉ là học sinh tôi dạy... Tất cả đã gắn với tôi, là một phần cuộc đời của tôi đó...
Thế mà bây giờ tôi phải từ giã những gì là của tôi hơn ba chục năm. Tôi bắt đầu một thời khóa biểu khác, không phải là "một ngày như mọi ngày". Làm sao tôi không buồn cho được! Phải không?
comments:

tien
Wednesday October 31, 2007 - 03:34pm (KST)
Ma thi'k "chep bai len bang gium thay co",
hi' hi', hen chi ma' tro thanh co giao.
Con viet chu xau hoac, hen chi bi gio con go~ keyboard khong, hi' hi'.
Thuong chuc ma mot ngay that vui ve.
Ma ke them nhieu ky niem khac nua nha!
thuylovely
Friday November 23, 2007 - 10:18pm (ICT)
Cô ơi, không phải dường như,
mà chính xác là cô sinh ra để làm giáo viên đó mà...
cô ơi, bắt đầu:" một ngày không như mọi ngày"
chắc là sẽ khó khăn cô nhỉ,
nhưng sẽ nhanh chóng có được niềm vui khác thôi mà,
phải không cô?
và con biết rằng cô là người giáo viên hạnh phúc nhất
vì lớp lớp học trò luôn nhớ về cô
với những tình cảm yêu thương và trìu mến nhất, phải kh6ng cô!!!,
Thursday October 25, 2007 - 01:01am (ICT)

MILOU


Lâu lắm rồi mình không nuôi chó nữa. Mặc dù ở nhà vườn, nuôi chó để giữ vườn, giữ nhà là một nhu cầu có thật. Mình không nuôi chó nữa vì mình thương con vật có tiếng là trung thành lại luôn luôn bị rình rập bắt trộm hoặc bị đánh thuốc. Rồi vì một lí do thật ngộ nghĩnh, hiện tại mình đang nuôi một con chó.
Thằng con rễ tương lai của mình rất yêu chó, mèo. Nói chung là yêu những con vật nuôi trong nhà. Cả nhà đang ăn cơm. Một con mèo xuất hiện dưới gầm bàn. Thế nào nó cũng dừng đũa, thò tay túm lấy con mèo đặt gọn vào lòng nó. Lắm lúc con gái mình cằn nhằn vì sợ lông mèo bay vào cơm canh, nhưng rồi cũng đành chào thua vì cái sở thích đáng yêu của thằng nhỏ. Thấy nhà nó không có chó, mèo, nó bèn mua một lúc hai con mèo và một con chó. Con chó được đặt cho một cái tên hết sức quý phái: Traixcôpxki, tự là Ki. Đó là một con chó cái, có bộ lông lốm đốm bạc và một bộ mặt thật hiền lành. Những ngày đầu tiên ở nhà nó, con chó rất thân thiện với hai chú mèo con, như thể là cùng chung giống loài. Nếu ai đã từng biết câu thành ngữ dân gian "Như chó với mèo" và suy nghĩ rằng chó mèo không thể chung sống hòa bình, thì chắc chắn sẽ cho rằng ông bà xưa đã sai lầm. Thật đáng tiếc cho sự sống chung ấy chỉ được hơn mười ngày thì hai chú mèo con xinh xắn ra đi. Chúng không chịu đựng nổi cái lạnh của những trận mưa áp thấp nhiệt đới. Vắng hai chú mèo, Ki mất hẳn sự linh hoạt, vui vẻ của những ngày đầu mới về. Ki buồn và không còn ngoan như trước. Vậy là một chuyến đi về quê, chuyển chỗ ở cho Ki. Đó là cái lí do ngộ nghĩnh mà mình đã nói ở trên.
Về nhà mình, việc đầu tiên là ông xã mình đặt lại tên cho Ki. Nhìn bộ dạng nó rất giống với con chó của Tintin, một nhân vật trong truyện tranh của Pháp, ông xã mình đặt cho nó cái tên Milou. Milou cũng nhanh chóng thích nghi với "nhà mới". Mình không thích con chó bị xích, bị cột một chỗ. Và Milou cũng rất thích được tự do chạy tung tăng mọi chỗ, từ trong nhà ra đến ngoài vườn, như một cách để xác định địa bàn hoạt động của loài chó. Milou rất hiền và rất nhút nhát. Nhà mình có đến bốn con mèo già. Thấy có con vật lạ, bốn con mèo thi nhau "bắt nạt" Milou. Milou nép mình vào bên chân tôi như tìm sự che chở. Rồi chỉ một hôm sau, chó mèo lại thân thiện như đã từng thân thiện. Thậm chí, Milou có phần nào nể nang đám mèo đông đúc luôn ở trên cao, ở "thế thượng phong"!
Milou, con chó cái hiền hậu và nhút nhát! Hy vọng mi sẽ không bị cùng chung số phận của những Misa, School, Pino, Mina, Mino...

Tuesday October 23, 2007 - 08:47pm (ICT)

Hình như là...



Mới sáng, trời đã mưa rồi! Cơn mưa dường như không hề báo trước. Không một vệt mây xám. Không khí cũng không se lạnh như mỗi lúc trời sắp đổ cơn mưa. Trời vừa hửng chút nắng nhẹ đã vội chuyển sang âm u. Vậy rồi mưa.
Mới đầu, mưa bụi lất phất một màng mỏng. Rồi mưa nặng hạt dần. Nhưng những hạt nước mưa chưa kịp chảy thành dòng, mưa bỗng dứt. Nắng bỗng vén màn lên. Bầu trời quang đãng như chưa từng mưa. Không khí trong trẻo của buổi sáng trở lại. Không lâu, nắng lại tắt. Mây xám đã giăng ngang thành hàng trước mặt. Gió càng lúc càng nhiều. Hơi lạnh phả vào người cho ta cảm giác gây gây lành lạnh. Và mưa thực sự đã đan kín không gian.
Hình như trời sắp sang mùa. Hình như mùa mưa sắp giã từ. Chỉ còn đây một vài cơn mưa cuối. Cơn mưa dường như không hề báo trước...

CHIỀU CUỐI NĂM

Nhìn tờ lịch cuối cùng của năm 2009, mình không khỏi bồi hồi…Một năm cũ đã qua! Một năm mới sắp đến! Mình đã làm được gì cho cuộc sống này?
Vội vàng lấy chổi quét nhà và lau sạch từ trước ra sau. Cắt mấy nhánh lan cắm vào bình. Dọn cái sân đang ngập lá vàng. Gom lại mấy túi nhựa do người đi đường ném vào lề đường trước nhà… Mình có cảm tưởng như đang làm mới cuộc sống này.
Buổi chiều cuối năm. Bữa cơm đã dọn. Chờ anh về cho bữa ăn thêm vui.
Giã từ năm cũ bâng khuâng...

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2009

HÀNH THIỆN

GHI NHANH VỀ CHUYẾN THĂM VIẾNG VÀ TẶNG QUÀ CHO CÁC GIA ĐÌNH ĐẠO CÔNG GIÁO CÓ ĐỜI SỐNG KHÓ KHĂN, BỆNH TẬT HIỂM NGHÈO
NHÂN MÙA GIÁNG SINH 2009.
Hôm nay,chủ nhật 20/12/2009, kế hoạch của Mái Ấm Bồ Đề đi thăm viếng và tặng quà cho các gia đình đạo Công giáo có đời sống khó khăn, bệnh tật hiểm nghèo, các cụ già neo đơn…nhân mùa Giáng Sinh 2009. Việc làm này nhằm thể hiện điều tâm niệm thứ hai trong Mười điều tâm niệm của Mái Ấm Bồ Đề: Tâm Bình Đẳng: Không phân biệt Tôn giáo, địa phương, giới tính, giai cấp, xã hội, người quen, kẻ lạ, kẻ óan, người thân.

Trong dự kiến ban đầu của nhóm, chúng tôi sẽ đi với nhau như mọi khi, không có Thầy Cô tham dự. Nhưng một “cơ duyên mầu nhiệm” đã đưa đến cho MÂBĐ: Cô Lan, Thầy Phu và Cô Thu về mừng Quán Nhường Trà “đầy tháng”. Vui làm sao khi chị Mịn nhận được cú điện thoại của Cô Lan! Ngay lập tức, nhóm bạn MÂBĐ liền có mặt tại quán. Thế là chuyến đi thăm viếng và tặng quà Giáng Sinh trở nên ấm cúng và trang trọng lên rất nhiều.
Do thời gian và sức khỏe của các Thầy Cô hôm nay có hạn, không thể cùng chúng tôi đi đến từng gia đình, từng nhà được, nên chúng tôi gọi điện thoại cho anh Huỳnh Thanh Xuân, một thành viên của MÂBĐ, sắp xếp cho các cụ già, các anh chị và các cháu…trong danh sách nhận quà tặng, tập trung tại nhà anh ở Khu phố 3, Phường 7, Thành Phố Bến Tre. Tại đây, chúng tôi đã tặng quà cho 10 gia đình. Mỗi phần quà là 10kg gạo và 1 khung hình Đức Mẹ Cứu Thế (khung hình ép laminage rất đẹp).
Sau đó, chúng tôi cùng Thầy Cô đi đến Khu phố 1, Phường 7 để thăm và tặng quà cho 2 gia đình nữa, vì không có phương tiện đi đến nơi tập trung được.
Món quà tuy đơn sơ, nhưng tấm lòng của các Anh Chị trong Hội Từ Bi Quán Thế Âm cùng những giọt mồ hôi của các bạn trong nhóm Mái Ấm Bồ Đề đã sưởi ấm lòng của những cụ già neo đơn, những anh chị em lao động nghèo, các cháu đang bị bệnh hiểm nghèo…trong dịp lễ hội của tôn giáo bạn. Khi trao những món quà tình nghĩa ấy, Cô Lan đã thay mặt cả nhóm từ thiện chúc cho các bác, các cô dì, các anh chị em và các cháu lời chúc dồi dào sức khỏe, công việc làm ăn được thuận lợi và được đón nhận hồng ân của Chúa trong Mùa Giáng Sinh này. Cô còn cầu chúc cho các chị, các em đang bệnh hiểm nghèo cố gắng điều trị và chống chọi với những cơn đau, vượt qua bệnh tật…
Sáng sớm hôm sau, thứ hai 21/12/2009, nhóm bạn MÂBĐ lại tiếp tục đến xã Thanh Tân huyện Mõ Cày để thăm và tặng quà cho 5 gia đình lao động nghèo. Mười một giờ, chúng tôi về đến Thành Phố Bến Tre. Chuyến đi thăm viếng và tặng quà kết thúc với 3 gia đình nữa ở Khu phố 3, Phường 7.
Như vậy trong hai ngày liên tiếp, nhóm MÂBĐ đã đem niềm vui trong Mùa Giáng Sinh đến với 20 gia đình Công giáo. Nghĩa cử này đã cho thấy TÌNH THƯƠNG CON NGƯỜI là tình cảm trong sáng, cao cả, không một ranh giới nào có thể cách ngăn. Xin gửi đến Hội Từ Bi Quán Thế Âm lời tri ân chân thành của các gia đình Công Giáo đã nhận được sự chia sẻ vô cùng ấm áp trong mùa đông này, một sự chia sẻ cụ thể và tức thời hơn cả những gì mà họ đang mong đợi.

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2009

HỒI KÝ VỀ MỘT CHUYẾN HÀNH THIỆN

Khi chúng tôi đến nhà chị Lộc ở ấp Tân Thị Đình, xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm, bà con đã tụ họp gần như đầy đủ cả rồi. Vừa thấy chúng tôi, trên những gương mặt cằn cỗi, u tối của một đời cần lao của họ, bỗng bừng sáng lên nét vui mừng. Đây là những chú, những dì, những anh, những chị có con, cháu bị dị tật bẩm sinh. Những cháu bé bất hạnh đang nằm trên tay, trên vai của cha mẹ, ông bà chúng. Có hai, ba cháu lớn hơn, đứa thì ngồi, đứa nằm trên chiếu trải trên thềm ba hiên nhà chị Lộc. Chị Chung Thị Lộc là một thành viên trong nhóm Mái ấm Bồ Đề (MÂBĐ). Chị phụ trách đi tìm địa chỉ của các cháu khuyết tật ở địa phương xã Tân Hào. Hai năm trước, gia đình của các cháu đưa con, cháu mình đến tập họp ở Ủy ban nhân dân xã, và nhóm MÂBĐ của chúng tôi đến đó để trao quà, thông qua chính quyền địa phương. Tôi là thành viên mới của nhóm, chỉ biết được thông tin này qua Cô Thu (phu nhân của Thầy Phu - một mạnh thường quân kỳ cựu của nhóm). Năm nay, với sáng kiến của chị Lộc, các gia đình tập họp ở nhà chị cho việc đi lại của họ được dễ dàng hơn.
Tôi không cầm được nước mắt khi nhìn thấy bà nội tuổi ngoài 70, gầy gò, khẳng khiu, khô đét như que củi, phải nơ đứa cháu gái 12 tuổi, dị tật, gương mặt ngờ nghệch, đang nghiêng nghiêng ngó ngó nhìn chúng tôi. Được biết cha mẹ cháu túng thiếu nghèo khổ quá phải đi làm thuê làm mướn ở xa kiếm sống qua ngày, không thể nghỉ một ngày để đưa cháu đi được. Khi chị Kim Hoàng (người phụ trách chụp ảnh trong nhóm) vừa đưa máy ảnh lên định chụp hình cháu, bất thần cháu khóc thét lên hốt hoảng, lắc đầu lia lịa, chân giãy đạp, lấy tay che mặt và trườn về phía bà nội của cháu. À, thì ra, cháu sợ chụp hình rồi người ta sẽ bắt cháu đi, không cho ở với bà nội. Chắc là trước đây có ai đó đã nói cho cháu nghe điều này, nên đã tạo ấn tượng xấu cho việc chụp hình. Chị Nguyệt, một thành viên trong nhóm, đã đến an ủi, vuốt ve và trấn an cháu một hồi, cháu mới ngừng la khóc. Người bà ôm đứa cháu trong tay cũng rưng rưng ngấn lệ. Rồi chị Kim Hoàng cũng dụ ngọt được cháu để chụp được bức ảnh cháu đang cười. Nụ cười ngây ngô, ánh mắt xa xôi của cháu theo tôi cho đến tận bây giờ khi tôi hồi ký lại những dòng này. Không biết ngày mai, ngày sau, ngày sau nữa…cháu sẽ sống ra sao khi bà nội phải ra đi?! Và ba mẹ cháu, liệu có thoát được cái nghèo?! Kiếp sống thực vật của cháu kéo dài bao lâu? Hàng trăm ngàn câu hỏi đang trăn trở trong lòng tôi (mà tôi chắc các đồng bạn của tôi cũng đang mang tâm trạng ấy). Đây chỉ là một trong số 11 trường hợp trẻ di tật đang có mặt ở đây. Còn biết bao trường hợp khác nữa chưa đủ nhân duyên đưa chúng tôi đến với các cháu. Có vài cháu chỉ bị dị tật tay chân, gương mặt rất xinh, ánh mắt rất sáng, Thầy Phu khuyên cha mẹ cháu cho cháu vào trường trẻ em khuyết tật để được khai tâm mở trí. Do được đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều trường hợp trẻ khuyết tật, Thầy cho chúng tôi và cha mẹ các cháu biết những khả năng tiềm ẩn của các cháu mà chúng ta còn có thể phát triển: Vẽ, nặn tượng, đàn hát…thậm chí có em còn khả năng tiếp xúc với máy tính nữa. Chị Mịn hướng dẫn cho phụ huynh các cháu mua những bộ chữ bằng nhựa màu để dạy các cháu vừa chơi vừa học chữ cái. Chúng tôi đã đến với các cháu bằng tình cảm thân thiết của người trong một gia đình lớn: đồng bào. Hơn thế nữa, chúng tôi đã san sẻ cho các cháu bằng cái tâm đại từ bi theo điều tâm niệm thứ nhất trong Mười điều tâm niệm của MÂBĐ. Bất chợt trong tim tôi vang lên những lời trong bài Sám khấn nguyện mà tôi hằng tụng niệm:
Xin kẻ mù được sáng,
Kẻ điếc lại được nghe,
Kẻ nghèo được ấm no,
Kẻ ốm đau bình phục…
*
Sáng hôm ấy là một buổi sáng đầu tháng 12. Không khí hơi se lạnh, khô thoáng thật dễ chịu. Ở quê tôi chỉ hai mùa mưa nắng. Tôi chưa một lần biết “Trăng thu bạch, Sương thu lạnh, Khói thu xây thành…” như Tản Đà đã “Cảm thu”, nhưng buổi sáng hôm nay đối với tôi thật đẹp. Ánh nắng ban mai chưa đủ sưởi ấm lớp sương mỏng, tạo cho bầu trời một vẻ đẹp huyền ảo, mơ màng. Cây cỏ hai bên đường đang trở mình thức giấc, nhẹ nhàng giũ sạch lớp áo sương đêm. Trên những cành cây bằng lăng, những chùm hoa tím nhạt rung rinh mỉm cười cùng nắng sớm.
Sau khi điểm tâm chay ở quán Nhường Trà quen thuộc, nhóm chúng tôi trực chỉ hướng Giồng Trôm, đến xã Tân Hào. Chuyến đi hôm nay đặc biệt hơn mấy chuyến đi trước vì có Thầy Phu và Cô Thu tham gia. Anh Tài, trưởng lớp năm xưa, giờ là thành viên phụ trách chăm sóc sức khỏe của nhóm, lãnh nhiệm vụ chở Thầy cũng như mọi khi. Anh Thọ, phu quân của trưởng nhóm May Duyên, chở Cô Thu. Hai anh bạn này phải xuất hành rất sớm, qua đón Thầy Cô ở An Hóa (Châu Thành). Anh So chở chị May Duyên, chị Mịn chở Kim Hoàng, chị Nguyệt chở Tuyết. Mọi người đều vui vẻ, phấn chấn mặc dù lộ trình khá xa. Hôm nay là thứ sáu, ngày làm việc, nên dòng xe cộ trên đường khá tấp nập, nhưng vì chúng tôi khởi hành sớm, không khí mát mẻ, nắng sớm ấm nhẹ nên cảm thấy dễ chịu. Vừa khởi hành, năm phút sau điện thoại của chị Nguyệt rung nhè nhẹ. Chị đang cầm tay lái nên chuyển điện thoại cho tôi nghe: Alô! Anh Hưng đây! Hầu như chuyến đi nào anh cũng theo sát từng bước chân của nhóm chúng tôi. Chuyến đi nào anh cũng có mặt suốt hành trình cùng với nhóm. Anh căn dặn chúng tôi: Các em phải niệm Phật trước khi khởi hành. Các em phải đoàn kết, giúp đỡ nhau trên đường đi. Các em phải cẩn thận trong từng đoạn đường, cẩn thận khi qua cầu kỳ…Rồi anh chúc Thầy Cô cùng các em có sức khỏe để đi hành thiện. Chúc chuyến đi hoàn mỹ, vui vẻ…Không chỉ gọi cho nhóm khi bắt đầu khởi hành, mà khi đến nơi và cả khi trở về, anh Hưng còn gọi cho chúng tôi nhiều lần nữa. Khi thì hỏi thăm tình hình sức khỏe Thầy Cô và các anh em trong nhóm, khi thì yêu cầu chị Nguyệt tóm tắt kể lại tình hình chuyến đi, tả cảnh trên đường đi gần hay xa như thế nào, lúc thì hài hước đùa vui khi biết nhóm đang dừng lại nghỉ ngơi ăn trưa. Anh cũng xin tham gia: nhờ người này ăn dùm anh món này, người kia ăn dùm anh món nọ…thật vui! Không khí của chuyến đi vì thế càng thêm thân thiết khi chúng tôi chuyền nhau chiếc điện thoại để trò chuyện với anh, đang ở cách chúng tôi nửa vòng trái đất. Bởi vậy, anh Hưng, đối với chúng tôi, là người anh tinh thần, là linh hồn của nhóm MÂBĐ.
*
Xuyên qua những khu vườn trù phú, sáu chiếc xe gắn máy chở 12 người (bây giờ có thêm anh Sum chở chị Lộc) bon bon trên những con đường vườn được lót đan xi măng sạch sẽ. Hương thơm thanh thanh của chanh, của cam, của bưởi, hương hoa sứ nồng nàn trong vườn nhà ai không biết cứ thoang thoảng trên đường đi. Những mái nhà êm đềm ẩn sau những rặng cây xanh mướt rạng rỡ hẳn lên giữa nắng trưa. Chúng tôi đang đi vào những vườn cây sum sê của xã Châu Hòa. Ai có ngờ được rằng hơn ba mươi năm trước, bom đạn đã cày xới nát mảnh đất này. Những trận mưa màu da cam đã tàn sát những rừng dừa, những vườn cây ăn trái. Đất này đã có thời kỳ bị hoang hóa. Chiến tranh qua đi. Mảnh đất này lại hồi sinh dần dưới bàn tay cần cù, chịu thương chịu khó của con người. Mấy năm gần đây, đời sống nông thôn phần nào cải tiến: đường lót đan, nhà nhà có điện, điện thoại…Nhà nào gần đường cái còn có cả nước máy sạch chuyền ống vào tận nhà.
Câu chuyện trên đường đi làm cho chúng tôi cảm giác quảng đường rút ngắn lại. Chẳng mấy chốc chúng tôi đã đến nhà anh Bảy Khoa, cũng là thành viên của nhóm MÂBĐ. Đây là điểm đến thứ hai, thuộc ấp Phú Hòa, xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm, gồm có ba trường hợp trẻ em dị tật bẩm sinh tập trung ở nhà anh Khoa, trong đó có một trường hợp là đứa con thứ hai của anh Khoa: Huy Khôi, vừa tròn mười tuổi. Đón chúng tôi trước cổng nhà là cả gia đình anh: anh chị và cháu Huy Khôi. Huy Khôi có gương mặt bầu bĩnh, trắng trẻo, nhưng dễ nhận ra em là đứa trẻ thiểu năng như hầu hết những trẻ em thiểu năng khác. Chị Khoa nói: Có cho cháu đi học mẫu giáo và tiểu học, nhưng lên đến lớp 2 thì cháu không học được nữa. Rồi anh chị nhờ một cô giáo tiểu học đã về hưu đến nhà kèm cháu học mỗi ngày vài ba tiếng đồng hồ. Anh chị tiếp chúng tôi ở gian nhà trống, phía sau nhà chính. Bên cạnh bàn tròn tiếp khách, là bộ ngựa cũ kỹ ba tấm, trên vách nhà treo tấm bảng nhỏ với bài tập đọc do cháu Khôi viết. Những dòng chữ gò gẫm, nét chữ nhỏ, mềm mại, khá đẹp là nội dung bài học: Câu chuyện chú dê con nói dối. Sau khi chào khách xong, Khôi ngoan ngoãn vâng lời mẹ, trèo lên bộ ngựa, dùng thước chỉ từng chữ trên bảng và đọc từng tiếng rõ ràng. Thầy Phu, cô Thu khen cháu giỏi. Cháu Khôi tỏ vẻ vui mừng và ôm hôn cô Thu. Trong các em dị tật mà nhóm chúng tôi tiếp xúc từ sáng đến giờ, thì cháu Khôi là trường hợp nhẹ nhất. Có lẽ vì anh chị Khoa là người có học thức, có hiểu biết, đã có đưa con mình đến thầy thuốc chạy chữa, đã có tìm hiểu về căn bệnh của con để có cách nuôi, dạy phù hợp nên cháu Khôi được cơ hội học tập để biết chữ. Đối với các cháu dị tật như thế, nếu cha mẹ có chút ít hiểu biết, sẽ bớt mặc cảm với mọi người và cho cháu hòa nhập với những người xung quanh. Có những cháu tuy dị tật nhưng trí não vẫn còn hoạt động tốt, nếu chúng ta biết khơi dậy những tiềm năng của các cháu thì xã hội sẽ có thêm những công dân tốt góp phần xây dựng quê hương.

Bữa cơm trưa hôm ấy là một bữa ăn được chuẩn bị thật chu đáo từ đêm hôm trước: Cô Thu làm món bì (chay), đem theo maggi của Pháp và món xoài xí muội làm món tráng miệng. Chị May Duyên làm món tôm kho tàu với măng tươi (chay). Chị Kim Hoàng làm hai món: đậu hủ muối sả chiên và phá lấu (chay). Còn anh chị Khoa chủ nhà cũng chuẩn bị một nồi cơm to, một nồi canh rau tập tàn với mướp và đậu que xào với nấm bào ngư, tráng miệng bằng dưa hấu. Các món ăn làm sẵn từ trước bây giờ được hâm nóng lại. Mỗi người một việc, chẳng mấy chốc trên mặt bàn tròn, nào canh nóng, nào cơm sốt dẻo, các dĩa bày thức ăn thơm phức, trông thật là hấp dẫn! Cháu Khôi cũng quấn quýt theo chúng tôi, vui vẻ phụ giúp bưng thức ăn dọn lên bàn. Một bữa ăn thịnh soạn đến không ngờ! Mặc dù anh Khoa đã lấy thêm một số ghế kê quanh bàn tròn nhưng chúng tôi thích ăn theo kiểu buffet, nên vừa mời Thầy Cô xong, chúng tôi đã sẵn sàng “ra tay” tự phục vụ. Thật ra, ai cũng đói vì đường xa, vì mùi vị thức ăn quyến rũ, vì phong cảnh hữu tình, vì không gian thơ mộng và vì nhiều nguyên nhân khác nữa. Anh chị Khoa từ chối khéo là đã dùng cơm từ sớm theo thông lệ ở nhà quê, nhưng tôi để ý thấy anh chị đang lúi húi trong bếp chuẩn bị thêm một nồi cơm nữa vì thấy “lực lượng” của nhóm “hùng hậu” quá (Hic! Hic!). Còn cháu Khôi, tự nhiên như “trong nhà”. Cháu ngồi vào bàn, tự cầm chén đũa ăn uống rất lịch sự và khen ngon luôn miệng! Lúc này, tôi chợt nghĩ nếu cháu Khôi được sống trong một môi trường xã hội đông người, có thể trí não cháu sẽ phát triển tốt hơn chăng?
Lần đầu được ăn chung một bữa cơm với Thầy Cô, lại được thưởng thức món bì do Cô chế biến, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Thầy còn gợi ý chúng tôi nên dùng món bì chung với nước chấm là maggi của Pháp nữa mới ngon tuyệt! Hôm nay món ăn nào cũng lạ miệng, cũng ngon lành, làm cho tôi nhớ bữa cơm rau đúng nghĩa trăm phần trăm rau ở nhà chị Thu Vân mấy tháng trước đây cũng ngon không kém! Thật ra, món ngon trước hết xuất phát từ cái tình chứ không vì của ngon vật lạ. Tình thầy trò, tình bạn hữu, tình người…đã thêm hương thêm vị cho bữa ăn. Gần gũi thầy cô, chúng tôi cảm thấy mình nhỏ bé lại như ngày còn cắp sách - Nhỏ bé trước những hiểu biết của Thầy, nhỏ bé trước tấm chân tình dung dị của Cô. Tôi chợt nhớ có lần “ông xã” tôi nói về cái diễm phúc trong cuộc đời anh là được gặp Thầy, được học với Thầy. Bây giờ tôi mới trải nghiệm được lời anh nói.
Ăn xong, Cô lấy ra gói xoài xí muội chia mỗi người một miếng để tráng miệng. Đây cũng là một món lạ, tôi chưa từng biết. Lúc ấy, chị Hoàng và chị May Duyên vẫn còn bưng chén cơm vì ăn chậm hơn mọi người, nhưng khi nghe Cô phân phát xoài xí muội, chị May Duyên “và cơm” thật lẹ cho xong. Chị Duyên chạy đến bên Cô, xòe tay xin một miếng xoài. Thấy bộ dạng trẻ con của chị, Cô Thu bật cười và trêu chị bằng cách chia cho chị một miếng xoài bé xíu. Chưa bao giờ chúng tôi được sống một cách hồn nhiên và thoải mái như vậy! Chúng tôi muốn mình mãi mãi nhỏ bé bên cạnh Thầy Cô để được nghe lời dạy bảo yêu thương như từ thuở nào.
Sau khi ăn trưa, nghỉ ngơi ở nhà anh Khoa khoảng một tiếng, đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình qua xã Phong Nẫm tặng quà cho hai cháu và xã Lương Hòa có một cháu nữa là kết thúc chuyến đi hôm nay. Chuyến đi này chúng tôi đã trao quà được cho 17 cháu khuyết tật. Tuy quảng đường Thị xã Bến Tre (mà bây giờ gọi là Thành phố Bến Tre) - Giồng Trôm trên bảng chỉ đường ghi 17km, nhưng thực tế chúng tôi đã đi một quảng đường gần gấp đôi con số đó để đến xã Tân Hào (ấp Tân Thị Đình), xã Châu Hòa, xã Phong Nẫm, xã Lương Hòa…, đến với những cháu bé không may mắn khi góp mặt trong cuộc đời này. Từ giã các cháu bé, chúng tôi trở về Thành phố Bến Tre với niềm vui nho nhỏ vì đã làm được một việc: “từ trái tim đến trái tim”. Hẹn một dịp khác, chúng tôi sẽ trở lại Giồng Trôm. Còn trước mắt, một kế hoạch, một lộ trình mới “từ trái tim đến tái tim” đang chờ chúng tôi. Trên đường về nhà, không ai nói với ai một lời nào, nhưng tự đáy lòng của chúng tôi đã khắc sâu lời khấn nguyện:
Xin cho con mãi mãi,
Lòng thương yêu không cùng,
Trải thế giới tam thiên,
Đến chúng sanh vô tận…

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2009

Chuyện chó hiểu tiếng nói người







Nếu cho rằng con chó biết nghe và hiểu tiếng nói con người thì có lắm chuyện buồn cười từ sự việc ấy.
Milou, con chó cái hiền lành và nhút nhát của con rể tôi, lúc còn ở thành phố, nhà của thông gia tôi, nó bị “cấm cửa”: không được bước vào nhà. “Lãnh thổ” của cô chó ấy là khoảng hàng ba, từ cửa cái trở ra cổng, với không gian vừa là gạch lát nền, vừa là cây xanh, nhưng là cây xanh được đặt trong chậu. Nhà ở thành phố thường có cách chơi kiểng như vậy mà! Mỗi khi Milou cao hứng chạy vào phòng khách, ông thông gia của tôi quát: “Đi ra!”. Ấy là cái mệnh lệnh yêu cầu cô chó lập tức trở về “vị trí” quen thuộc dành cho nó. Chỉ một thời gian thôi, nó cũng quen với “nếp sống” người thành phố: Chó không được bước vào nhà. Tuy nhiên, những khi nhà có khách, nó cũng lợi dụng lúc người ta mải chuyện trò, không để ý đến nó, nó nhẹ nhàng chui vào gầm chiếc ghế bố, nằm im ra vẻ “đắc chí”. Nhưng không lâu sau, nghe tiếng quát quen thuộc, nó vụt chạy ra hàng ba mà vẫn ngoái đầu nhìn tiếc rẻ.
Thế rồi, khi con rể tôi thấy ở vườn thuận tiện hơn cho việc nuôi chó, Milou được chuyển chỗ ở. Mấy ngày đầu về ở nhà tôi, tôi phải cột trong nhà cho nó quen chỗ. Thật tội nghiệp khi nhìn con chó bị cột một chỗ! Ngày hôm sau, chồng tôi cho nó tự do. Nó chạy từ trước ra sau, chạy ra vườn tung tăng như một đứa trẻ. Nó lại lần ra cổng, định chui ra ngoài. Bây giờ không phải là tiếng quát “đi ra” mà là: “Đi vô!”. Chả là nhà tôi ở vườn nhưng sát ngay mặt đường giao thông, xe cộ cũng khá nhiều. Nếu chó chạy rông ra đường là vi phạm luật. Nhưng điều làm chúng tôi lo lắng nhiều hơn là sợ bọn trộm chó. Vì thế, cứ chốc chốc, tôi phải để mắt xem Milou đâu rồi và có khi phải quát lớn: “Đi vô!” vì Milou đang ngấp nghé định chui ra cổng. Nghe tiếng quát, bao giờ nó cũng líu ríu chạy trở vô nhà, rất ngoan.
Không biết Milou có thắc mắc vì sao người ta lại rắc rối thế không? Một đằng quát “đi ra”, một đằng thì quát “đi vô” nhưng con vật vẫn ngoan ngoãn chấp hành đúng theo ý của người nuôi. Phải chăng chó hiểu biết tiếng nói của người?

nỗi niềm xưa cũ.

NHỚ NHÀ.

Mười năm xa xứ, bỏ quê cha
Chạy lên thành thị, sống xa hoa
Má nghe nhớ lắm, đồng khô cháy
Sớm nắng, chiều mưa của quê nhà.

Má thấy con đường vợi nhớ thương
Xa lắc, lê thê tình cố hương
Áo vá năm xưa, còn ấp ủ,
Lòng quê nồng ấm giữa lòng rương.

Thấy con đường nhựa, nhớ đường làng
Cát bỏng bàn chân, nắng chói chang
Rao rao gió thổi đầy con nước
Nhớ ngoại con, phút chốc bàng hoàng

Nhớ tay cấy mạ dưới đồng sâu,
Lặn lội, dãi dầu, bạc áo nâu
Nhớ trưa ì ộp trên đồng cạn
Xúc cá lòng tong, xúc tép bầu

Nhiều năm xa xứ, bỏ quê cha
Vẫn thèm con tép bạc năm xưa
Lạ sông, con tép hình như khác
Không phải là con tép ở nhà

Con thấy không, lòng yêu quê hương
Áo vá quàng vai, ấm tình thương
Đi xa cứ nhớ về quê mẹ
Thổn thức trong lòng, ôi bỗng dưng…




NHỚ BÀ…

Thoáng nghe một tiếng chim chiều,
Buồn trong ta chợt ít nhiều mênh mang.
Ngoại ơi ! Bóng xế sắp tàn,
Khói cơm chiều thổi, ai mang đi rồi ?
Vào ra một bóng bùi ngùi
Mắt đăm đăm mỏi chân trời xa xa…
Cháu, con… đời vẫn bôn ba,
Thoắt hội ngộ, thoắt chia xa, mịt mùng.
Thương thay kiếp sống long đong,
Trời ơi, ai biết tấm lòng tha hương ?
Ngoại già, một nắng hai sương,
Chiều nay đứa cháu thầm thương nhớ bà…




KỈ NIỆM.

Xa rồi, Mỹ Thạnh An ơi !
Quay lưng vẫn nhớ khung trời ngày qua:
Vườn yêu ấp bóng mẹ già,
Âm thầm một bóng vào ra, sớm chiều.
Bữa ăn, giấc ngủ cô liêu,
Vườn xưa đượm chút tiêu điều, xót xa !
Ta về, đứng lặng hiên nhà,
Nghe cây gió thở, nghe hoa trở mình.
Nghe hơi mưa lạnh bình minh,
Và nghe tiếng mẹ ấm thinh không này.
Trong con lai láng tình đầy
Nắng chưa lên, đã gọi ngày hồng tim.
Không gian trầm lắng êm đềm,
Thời gian thoăn thoắt trên thềm nắng phai.
Ngày đi giục giã, chia tay,
Ngập ngừng chân, nước mắt gầy thầm rơi.
Tin yêu, mắt mẹ rạng ngời,
Tiếp thêm lửa ấm cuộc đời vào tim
Ngoái nhìn một dải sông êm,
Nghe trong con nước nỗi niềm mẹ ta.




PHƯỢNG CA

Viết lên ý đẹp buổi chiều nay
Như mỗi lần trông cánh phượng bay
Hoàng hôn sắc đỏ tươi màu máu
Thắm cả sân trường khi nắng phai

Học trò đón hạ để chào xuân
Còn tôi, trông phượng đỏ tưng bừng
Hồn rưng rức nhớ thời thơ ấu
Màu áo học trò, ôi luyến thương

Sống lại trong tôi sắc thắm hồng
Bâng khuâng lòng tự hỏi thăm lòng
Cánh hoa xưa ủ thơm lòng vở
Có giữ thời gian như ước mong?

Trong cơn nắng cháy phượng càng tươi
Sức trẻ gian nan vẫn hát cười
Tôi hiểu: Thời gian không trở lại
Nên sống sao cho đúng nghĩa “Người”

Tôi gửi trong em ước vọng này
Lí tưởng, nhiệt tình, niềm hăng say
Ơi ! Tuổi em, nhành non, lá mới
Chim mới ra ràng, đập cánh bay

Trận gió nào qua rụng tiếng cười
Hoa nằm trên cỏ mượt, tươi môi
Cúi mình nhặt đoá hoa còn thắm
Nghe hoa thành máu chảy trong người.





KHI TÔI VỀ

Tôi về chưa đúng hạn trăng
Mưa ngâu rất khẽ, nhẹ giăng khắp vườn
Nụ hồng vừa chớm ươm hương
Cam tơ vừa kết quả ngon mùa đầu
Mít dừa thơm lựng vườn sau
Bông chôm chôm trổ trắng phau hiên nhà
Mận hồng đào mới đơm hoa
Cành lan mẹ bón, thiết tha ân tình
Nghe như tất cả vì mình
Con chim hót giữa bình minh rộn ràng
Giọt sương còn đọng mơ màng
Cơn mưa rồi hết, nắng vàng, vườn xanh
Tôi về, ngồi đó làm thinh
Mà nghe cây lá tự tình không thôi
(Thị xã Bến Tre, 12-07-1977 )


Thy Tuyết




Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2009

Bài tập làm văn.

Lời phi lộ:
Con bé từ lớp 10 đã xa nhà. Lên Saigon học.
Mỗi năm chỉ về nhà một hai tuần hoặc ít hơn.
Và rồi đến một lúc con bé hầu như suốt năm
ở đâu chân trời góc biển nào,
cách xa nhà có khi hàng mấy chục ngàn cây số.
Kể từ đó khó mà biết được điều gì
đang xảy ra trong tâm hồn con mình.
Đôi khi ngạc nhiên, đôi khi bực bội
vì nếp suy nghĩ của con khác xa mình quá!
Đôi khi tự nhủ ừ thì con bé đã lớn khôn,
nó có cuộc sống tự lập của nó, có suy nghĩ độc lập của nó!
Mấy hôm trước viết hồi ức về cái nhà của ngoại,
sau đó lục lọi sắp xếp lại đống giấy má,
tập vở cũ của con bé,
bỗng lọt ra một bài tập làm văn của nó.
Những bài tập làm văn này mình chưa từng được đọc.
Bồi hồi ngồi đọc xem con mình nó đã suy nghĩ cái gì ….


Lớp 10 Tin - Trường Phổ Thông năng khiếu Thành phố Hồ Chí Minh.
Vương Tuyết Tiên.

Thứ ba, ngày 15 tháng 5 năm 1996.
Kiểm tra môn tập làm văn

Điểm: 8 (Nhận xét của thầy: Có cảm nghĩ độc đáo)


Đề bài: Kể lại một kỉ niệm của em.

Quê hương tôi gói gọn trong mảnh vườn nhiều cây lá với mái nhà thân yêu gắn bó suốt chuỗi ngày thơ ấu êm đềm. Tôi hầu như không có tình cảm đối với những người bà con họ hàng, những làng quê cũ của ba má. Một nơi chốn tuy chẳng xa xôi là mấy nhưng đôi ba năm mới đến một lần không đủ tạo nên một niềm thương nhớ.
Ba má và tôi về đến Giồng Luông thì trời đã về chiều. Lâu lắm rồi mới đến, thế mà vừa gặp lại quê ngoại, tôi đã thấy những cảnh vật quen thuộc như trong tiềm thức vừa bước ra: mảnh đất ấy sau bao nhiêu năm vẫn như thế, không có gì thay đổi, vả chăng là tiêu điều, hoang tàn hơn trước mà thôi.
Con đường cát giồng hiu hắt bụi vàng dưới ánh mặt trời sắp tắt. Những con ngựa ô gầy gò kéo mấy cổ xe cũ kĩ đưa từng đoàn người xuôi ngược. Khuôn mặt khắc khổ của người đánh xe lướt qua, nám bụi thời gian từ mười mấy năm xưa cũ. Tiếng vó ngựa chìm đâu trong cát lún, giận dữ làm tung những đám bụi mù cũng không phá vỡ nổi cái lặng lẽ, cô liêu của buổi chiều quê.
Đường từ nhà ngoại lên rọc đi qua một rặng tre dài rậm rạp. Lá tre đưa xào xạc, thân tre nghiến vào nhau răng rắc. Tre dày lắm, tre che âm u. Phía bên kia là vườn cây. Bây giờ đương mùa nắng, những đám cỏ dại um tùm úa vàng, xơ xác. Những cây vú sữa chết khô từ đời nào chọc lên trời cành nhánh khẳng khiu, đen sì. Bước chân trên cát lún không để lại một âm thanh nào. Tôi bất chợt rùng mình nhớ ra khi còn bé, di ngang qua chỗ này tôi luôn ù té chạy.
Kia kìa trong vườn cây trống trải, những ngôi mộ sơn trắng lạnh lẽo nhìn tôi trừng trừng, những ngôi mộ đất mùa khô nứt nẻ như có thể đến gần để nhìn xuyên tận đến đáy địa ngục. Gió lạnh lùa trên mặt đất cố tình len vào những bước chân luống cuống. Ba nhìn tôi phá lên cười. Má chỉ nhẹ nhàng nắm tay tôi. Đặt tay mình trong bàn tay gầy nhỏ nhắn của má tôi thấy an tâm lắm.
Hết lũy tre là mảnh rọc. Trống trải, im lìm. Bầu trời cao và rộng thay thế cho hàng tre rậm. Cái lạnh lẽo âm u được thay bằng nỗi buồn của mênh mông. Cũng chỉ là khung cảnh thê lương, hiu quạnh. Chúng tôi ngồi xuống bờ đê phủ cỏ xanh. Không có kỉ niệm gì để nhớ nhưng cảm giác bồi hồi, xao xuyến trong tôi vẫn dâng lên, không ngăn nỗi. Vì cái cảnh vật trước mắt kia dễ làm người ta mềm lòng? Hay là vì bài hát mà ba tôi đang cất lên trầm trầm, nho nhỏ, tựa hồ như chỉ một mình nghe: “Trong chiều dần im hơi, người ngồi thương nhớ bao ngày vui, một ngày xưa cũ…”? Đã bao lần, tôi đã thờ ơ nghe bài hát này? Tôi sống chưa đũ lâu để có thể thương nhớ về một ngày xưa cũ, để tiếc nối quảng đường đời đã qua. Thế mà giờ đây tôi bất chợt rùng mình, bất chợt người run lên gai gai, bất chợt ý thức về thời gian, về quá khứ xa xăm, về hiện tại dang bị cuốn đi, về sự tàn lụi, chết chóc, bởi bao nhiêu yếu tố ngoại cảnh đang tác động vào mình. Ba vẫn hát. Mặt trời đỏ ối hấp hối. Tôi đọc được trong đôi mắt long lanh xúc động của má sự đồng cảm.
Không! Tôi đã lầm. Ba ngừng hát. Buổi chiều này mang đến cho ba má tôi niềm vui của những giây phút hồi tưởng về quá khứ chứ không ảm đạm như những cảm giác của tôi. Như quên hẳn sự có mặt của tôi, ba má bắt đầu nói với nhau về “ngày xưa”. Về những buổi chiều như thế này, ba má ngồi với nhau trên rọc nình chiều rơi. Tôi chắc rằng ba má tôi đã cầu mong cho không gian yên ắng hơn thế này nữa để nghe tiếng đập tim mình, lạnh lẽo hơn thế này nữa để thấy ấm áp tình yêu thương. Còn nhiều nữa: về ngôi trường xưa nơi ba má từng công tác, về những đồng nghiệp cũ mà nay không còn gặp lại, về những dứa học trò quê chân đất, kính sợ thầy cô, về con đường rất dài mà ba tôi đi bộ đến thăm má vào những chiều Thứ bảy ở nhà ngoại, về bà cố ngoại tôi với món bánh trái, thức ăn rất ngon dành cho con cháu với lòng yêu thương hết mực mà nay bà đã về với đất, trong mảnh vườn kia….
Những người xưa cũ ấy, trong giọng nói sôi nổi của ba, nhớ nhung của má, thực sự không bao giờ chết đi. Nó đang tái sinh trong tiếng tí tách trở mình của đất, tiếng rì rào của gió thổi qua lũy tre, trong lòng tôi đang tràn ngập niềm hạnh phúc khó tả.
Đêm xuống. Về nhà ngoại, ngang qua vườn cây, tôi nghe tiếng rì rầm.
Sáng. Ba má dắt tôi về nhà. Chuyến đi ngắn ngủi thế thôi. Ai cũng bận công việc.
Nói về quê ngoại, tôi có thể kể về những mái tranh xơ xác, những con ngựa gầy gò, những mảnh rọc nắng cháy, những khuôn mặt dãi dầu khắc khổ, những lề thói cổ hủ, những trò mê tín dị đoan, bầu không khí buồn tẻ, lặng ngắt. Miền quê trói chặt, bức bối trong cái đói nghèo, lạc hậu ấy đôi lúc làm tôi bực bội mà so sánh nó với nhân vật Nhuận Thổ trong tác phẩm của Lỗ Tấn: một đứa bé mạnh khỏe, thông minh nhưng lớn lên trong cùng quẫn nên trở thành kẻ đần độn, bần tiện, sùng bái tượng gỗ. Sau chuyến đi ấy, tôi có kể rằng quê hương tôi có những tấm lòng nhân hậu, có mãnh đất thấm đượm giọt mồ hôi, có ba má tôi và có một tình yêu.
Nhưng làm sao có thể kể được rằng tôi đã được sống nhiều hơn cuộc đời mà mình đã sống – đó là cuộc đời của ba má tôi trong những lời kể, rằng cái mặt trời hấp hối chiều hôm ấy chưa bao giờ rơi trong tâm trí tôi, rằng tôi yêu cả những nấm mộ trong vườn cây quê ngoại.
Điều quan trọng nhất là từ hôm ấy, quê hương trong tôi lớn rộng thêm ra, tôi có thêm nhiều niềm thương nhớ.

Cái lời nhạc mà ông xã tôi hát đó
là của Phạm Duy viết cho bản Valse của Brahm
và dĩ nhiên là ông xã hát cho tôi.
Không biết con bé – bây giờ đã vào tuổi 30
- có suy nghĩ khác không.
Nhưng điều đó có còn quan trọng không
- khi điều đó nữa
- cũng đã vuột khỏi tầm tay tôi lâu rồi!?

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2009

Nhớ nhà

Lá thu một chiếc bay trong gió
Khêu gợi bao nhiêu nỗi nhớ nhà

( Nguyễn Khuyến)




Không biết tự bao giờ khi trời se lạnh tôi lại nhớ đến ngôi nhà của ngoại tôi. Mặc dù nơi đây không phải là nơi chôn nhau cắt rún của tôi, mà chỉ là nơi mỗi dịp nghỉ hè hoặc tết tôi mới được về chơi. Hồi còn nhỏ, mỗi lần được "về quê", chị em tôi thích lắm. Má tôi hay kiêng cữ, không cho nói hai tiếng "về quê" vì cho rằng về quê có nghĩa là chết! Má dạy mấy đứa con nói: "về xứ". Lúc nhỏ, tôi chưa hiểu hết ý nghĩa của ngôn từ nên má dạy sao thì nói vậy. (Sau này, khi lớn, tôi có đọc một quyển truyện dịch của một dịch giả nào đó tôi quên rồi: Quê xứ con người (dịch tác phẩm Terre des hommes của St. Exupery), tôi biết "quê" còn gọi là "xứ").



Nhà ngoại ngày xưa nền đất nện đi mát chân, vách ván bổ kho (trong nhà nhìn thấy cả ngoài sân), mái ngói âm dương, nằm dưới rặng tre mạnh tông dày bịt. Quanh năm trong nhà mát mẻ, mùa nắng cũng như mùa mưa. Có nhiều điều khiến cho tôi nhớ mãi về ngôi nhà của ngoại.


Nhà ngoại có rất nhiều bộ ván gõ mun, mà ở đây người ta quen gọi là "bộ ngựa". Trừ gian nhà thờ, chỉ có những tủ thờ cẩn ốc, đồ thờ sơn son đỏ chói, đèn thờ đỏ đỏ, âm âm u u. Bộ trường kỉ ở giữa gian thờ, ít khi dùng đến. Gian thờ chỉ mở cửa vào những dịp giỗ, tết. Bởi vậy tụi trẻ con như tôi thời đó ít dám béng mảng lên đó. Các gian khác, gian nào cũng có một, hai bộ ngựa. Tôi nghe bà ngoại nói, lúc hai cậu của tôi cưới vợ, ông bà ngoại cho mỗi cậu một bộ ngựa để ra riêng. Vậy mà trong nhà vẫn còn tới năm bộ nữa. Nhà trên, hai bộ. Nhà ngang, hai bộ (trong đó, có một bộ làm chỗ ăn cơm. Ở quê, người ta ăn cơm ngồi trên ván, quanh mâm cơm, chứ không có bàn ghế như ở thành). Nhà bếp có bộ ngựa bốn tấm, là bộ ván lớn nhất trong nhà. Nơi này làm chỗ ngồi gọt khoai, củ, lặt rau, chuẩn bị thức ăn để xào nấu, cũng là nơi sau khi nấu nướng xong, múc ra tô, ra dĩa, lên mâm, lên bát. Những khi giỗ chạp đây là nơi đông đúc, nhộn nhịp nhất trong nhà. Tiếng nói, tiếng cười vang vang kèm theo tiếng xèo xèo của mỡ trong chão, tiếng sục sục trong nồi cháo vịt bốc khói. Mùi hành, tỏi phi nức mũi. Mùi cà-ri nồng nặc. Mùi cháo vịt đậm đà. Đây cũng là nơi chốn hấp dẫn bọn trẻ lui tới để thuỗng một miếng thịt vịt, miếng bánh bò...trong khi các bà, các dì đang bận bịu lúi húi sắp dọn.



Quê ngoại ở đất giồng. Thói quen của người dân ở đây là người ta không mang guốc, dép ban ngày. Chỉ đến khi nắng chiều đã tắt, đã lên đèn, mọi người tắm rửa xong, xỏ chân vào dép, guốc là chuẩn bị lên giường. Lí do không mang dép guốc ban ngày rất hợp lí vì bước ra khỏi nhà là đụng cát bủn rồi! Sân trước, sân sau, cát bủn. Ra đường, xuống lộ, cát bủn. Lên giồng, lên gò... cũng cát bủn. Thứ cát giống như cát xây dựng nhưng hột nhuyễn nhừ, mịn. Chỉ cần một cơn gió thổi qua, bao nhiêu là cát bụi cuốn theo bay đi tứ phương. Trong nhà, mấy bộ ván gõ của ngoại lúc nào cũng nhám xàm vì cát theo gió bay vào nhà. Tôi còn nhớ mỗi lần tết bà ngoại thường gói bánh dừa, bánh tét. Thúng nếp vừa được mợ Tư gút thật sạch, để tựa trên hàng mái vú cho ráo nước. Chỉ chừng một lát sau nếp chưa kịp ráo nước, thì than ơi, cát đã phủ một lớp trên mặt thúng nếp rồi! Bởi vậy, những bữa cơm thường xuyên gặp phải cát bay vào, mọi người cũng quen đi, không ai thấy khó chịu cả.


Cũng vì đường quê cát bủn, nhất là mùa khô, cát càng vun cao, lún sâu, nên phương tiện đi lại với những người phải gánh vác nặng hoặc đi xa phải là mô-tô-hí (Trẻ em ở địa phương đặt tên cho chiếc xe ngựa ấy mà!). Hồi nhỏ, tôi cũng rất thích đi xe ngựa. Nhà ngoại tôi cũng có một cỗ xe ngựa để chuyên chở vải sồ, quần áo may sẵn vô chợ Giồng Luông. Bà ngoại tôi buôn bán từ thời con gái cho đến khi lập gia đình (Nghề này bà ngoại đã truyền lại cho cậu Tư và má của tôi). Năm 1963, nhà ngoại bị bom napal thiêu rụi: Bà cố, ông ngoại và bốn đứa em con của cậu tôi bị vùi trong lửa. Thằng Đực nhỏ, con của cậu Tư, đang đánh xe ngựa trong chợ Giồng Luông, chạy róc về nhà. Lao vào ngọn lửa hung hãn đang thiêu rụi căn nhà, thằng Đực nhỏ chỉ cứu được bộ ngựa trong gian bếp đang bị lửa sém. Còn sáu con người đành chết thảm trong hầm trú! ...


Nhà ngoại có cái nhà tắm độc đáo mà tôi nghĩ chưa nơi nào có. Cái nhà tắm nằm biệt lập ở một góc vườn. Chỉ đơn giản là cái chỗ để giải nhiệt buổi trưa hè nên nhà tắm được quây kín ba mặt bằng lá chằm đốp, mặt thứ tư là một tấm liếp cũng dừng bằng lá chằm dùng làm cửa. Nhà tắm không nóc nhưng chưa từng thấy mặt trời chiếu đến vì nó nằm dưới tán cây lê-ki-ma cổ thụ, gốc cây to một người ôm, quanh năm xanh tốt cho trái đều đặn mỗi năm hai mùa. Sau lưng nhà tắm là cái giếng nước, loại giếng đào, không xây thành xung quanh. Hồi nhỏ, thằng em trai tôi với tánh tình hiếu thắng, nghịch ngợm suýt bị chết đuối vì chạy một mạch từ trên bờ nhảy ùm xuống giếng vừa thích chí hét vang "Tắm biển! Tắm biển!" (Cho tới lúc đó, chị em tôi chưa biết biển, chỉ nghe kể và xem hình cậu Tư tôi lúc cậu đi lính, đóng quân ở Long Hải. Thỉnh thoảng được tắm biển, cậu có chụp hình ngồi trên một mõm đá.) Nếu không có cậu Tư đang ngồi vót tre ở gần đó nhảy xuống vớt lên thì thằng em tôi đã chìm xuống đáy giếng rồi vì tôi nghe ông ngoại nói giếng này sâu lắm. Nhà tắm chỉ sử dụng được vào buổi trưa, vì đến chiều thì ôi thôi...nước cũng lạnh, gió cũng lạnh, chỉ bước chân vào đến nhà tắm là thấy hơi lạnh tỏa ra rồi! Vậy mà cái nhà tắm này đã tồn tại ở đây đâu từ thời ông cố ông sơ! Cũng không nghe ông bà ngoại, cậu mợ Tư hay mấy em con cậu than lạnh lẽo gì! (Chỉ từ khi tôi có chồng, ông xã tôi là người đầu tiên nói với tôi cái nhà tắm của ngoại sao mát lạnh, buổi chiều không dám tắm!)


Nhà ngoại trồng rất nhiều đào lộn hột. Sau tết là mùa đào chín rộ. Ngoài vườn, mùi đào chín ngọt ngất ngây. Trái chín vàng treo lủng lẳng đầy cành, đầy nhánh. Trong nhà ngang, từng thúng đào chín để đầy trên mặt ván. Cậu Tư tự chế một cái lồng hái bằng lon sữa Guigoz cột ngất ngưỡng trên đầu cây tầm vông, những quả hái chín mọng này không bao giờ bị dập, được đặt cẩn thận trong thúng. Những trái chín đó sẽ góp mặt trong buổi chợ sớm mai. Còn những trái chín mùi quá hoặc bị rụng hoặc bị lỡ tay làm rơi trong lúc hái, đó là phần để ở nhà ăn. Bà ngoại luôn có những món ăn đặc sản chế biến từ loại trái này. Này nhé: canh chua đào nấu với tép bạc đất nêm rau ngò om, ngò gai và ớt chỉ thiên; đào chấm với nước cá kho thì thật tuyệt (nhắc đến là chảy nước miếng!); đào ăn kèm thịt heo quay bánh hỏi; đào dùng kèm với các món rau gừa, rau chốc, bông súng chấm mắm kho...Còn cậu Tư thì chế biến thành món rượu đào. Tụi nhỏ như tôi chỉ thích hột đào thôi. Cứ lượm được hột nào thì chạy vào bếp liệng vô cà ràng ông táo lúc nào cũng đỏ lửa, khi thì đang nấu ấm nước, khi thì nồi tấm heo, khi thì nồi khoai, nồi bắp...Hễ nghe nổ cái "bốp", tụi nhỏ tranh nhau lấy đũa bếp khều hột đào đã cháy khô, dầu hạt đào bốc khói thơm nghẹt mũi! Cạo lớp vỏ cháy khét bên ngoài, lộ ra cái nhân hột màu trắng thơm bùi, ăn bắt ngây. Cách làm này khá nguy hiểm vì vỏ cứng của hột đào có nhựa rất độc. Có lần đứa em con cậu Tư tranh giành giựt lấy cái hột còn đang nóng chảy nhựa mủ bốc khói. Nhựa mủ dính vào ngón tay, gây phỏng sâu, cả tháng sau vẫn chưa lành. Vì vậy cậu Tư cấm không cho tụi nhỏ nướng hột đào kiểu đó. Cậu Tư chế biến bằng cách rang trên chão gang cho đến khi vỏ ngoài cháy đen rồi mới tách hột. Thế là tụi nhỏ có được bữa tiệc hột đào thật thú vị! Có khi mợ Tư dùng hột đào để làm kẹo nữa, nhưng món này chỉ dành riêng cho ông ngoại uống trà với khách. Chỉ có tôi là đứa cháu gái cưng của ông ngoại mới được ông ưu ái đút giấu cho riêng không ai thấy!


Khi tôi sống lại với những kỉ niệm này thì những người được tôi nhắc đến đã ra người thiên cổ! Bà cố và ông ngoại mất một lúc trong trận bom napal năm 63 cùng ngôi nhà ba gian lợp ngói âm dương nền đất. Bà ngoại bệnh già, mất năm 83 - khi đứa con gái út tôi đang bị lên sởi - nên tôi cũng không kịp về để nhìn mặt bà lần cuối. Cậu Tư, mợ Tư cũng ra đi sau khi ngôi nhà xưa đã được xây dựng lại bằng xi-măng, nền gạch bông, mái tôn một thời gian khá lâu. Ngôi nhà có thể được xem là từ đường đó bây giờ không còn chút gì dáng dấp của mái nhà xưa. Hai đứa con tôi chắc hẳn sẽ thú vị khi tưởng tượng ra nếp nhà xưa trong câu chuyện này vì tôi chưa từng kể. Riêng tôi, mỗi khi nhớ nhà, tôi vẫn thấy như in trong tim mình mái nhà xưa của ngoại, có ngoại.

Cảm ơn người tặng chanh.

Tặng Anh So
nhân gặp trong ngày cúng chung thất
Thầy Huệ Minh

Nhân tiễn một người về núi đợi
Bạn bè xưa, ta mới lại gặp nhau
Phút đoàn viên trong ngày tiễn bạn
Tay bắt mặt mừng, lòng nhói đau
Bạn ở quê ra trái cây thay lời thăm hỏi
Quả chanh vườn thơm mát vị quê hương
Cảm ơn những trái chanh bạn tặng
Thương cái tình bè bạn lâu năm
Cảm ơn đời ban cho ta tình bạn,
Ơn bạn hiền tặng bài học yêu thương.



(17/8/ Kỉ Sửu - 05/10/2009)
Thy Tuyết.

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2009

Hôm nay tiết TIỂU TUYẾT

Sáng nay, trời se se lạnh. Gỡ tờ lịch cũ, tờ lịch mới hiện rõ dòng chữ to: TIẾT TIỂU TUYẾT. Mình chợt nhớ ra bản tin thời tiết tối qua: Sapa, Lào Cai có tuyết sớm hơn mọi năm khiến cho lượng khách du lịch đột ngột tăng cao. Họ đến Sapa để ngắm tuyết rơi. Mình cũng ao ước được một lần ngắm nhìn tuyết rơi như thế!





Trời lạnh, hèn gì mai nở sớm! Những cánh mai mỏng manh run rẩy trong sương sớm thật tội nghiệp. Còn gần ba tháng nữa mới tết! Ông xã chặc lưỡi tiếc cho đời hoa trái mùa. Cầm máy ảnh lia qua một vòng, ông xã nói một mình: Tụi học trò nói nhà thầy sao nhiều hoa vậy! Hì ..hì.. Riêng mình nghĩ: Nhiều hoa như vậy, đi đâu mình mới nhớ nhà, phải không?


Khoe hoa (1)

Vườn ta giống đồng hoang
Cỏ hoa mọc lan tràn
Đào nguyên tìm chi xa
Chỉ kế bên hiên nhà!




Hoa me đất



Hoa lan




Hoa hoàng điệp



Hoa gừa và hoa rau muống.

Khoe hoa (2)


Hoa xương rồng bát tiên



Hoa tuyết sơn phi hồ



Hoa trinh nữ




Thơm kiểng

Khoe hoa (3)


Hoa sao nhái lợt


Hoa sao nhái đậm



Hoa mai chiếu thủy




Hoa lài dưa





Hoa Má hồng





Khoe hoa (4)


Hoa trạng nguyên


Hoa sứ Thái Lan



Hoa pháo đỏ




Hoa mù u




Khoe hoa (5)



Hoa giấy





Hoa điệp





Hoa đậu biếc





Hoa dâm bụt pháo.

Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2009

Khoe hoa (6)


Hoa cúc dại



Hoa Cognac



Hoa chuối



Hoa cát lồi




Khoe hoa (7)


Gia đình nhà vịt...



Xin đừng quên tôi! Hoa forget me not!




Hoa cẩm tú





Hoa 10 giờ (Văn)





Hoa 10 giờ (Tiên)






Chẳng có gì khoe cùng thiên hạ
Thôi thì vườn khoe lá khoe hoa...

Cháu ngoại “ngang hông”





Đang chạy xe ngoài đường, tôi đi dạy về, tranh thủ ghé chợ Cầu Bà Mụ mua ít thức ăn. Trước mặt, sau lưng tôi, dòng xe đang hối hả. Cái nắng tháng mười sao vẫn cứ hừng hực như nắng tháng tư! Tôi cố len vượt qua một vài xe rì rì bên cạnh mình, cố thoát khỏi cái đám đông khói bụi và ồn ào tiếng động cơ, tiếng còi xe để tránh cái hơi nóng đang thả sức phả vào mặt người đi đường. Giờ này là giờ cao điểm đây! Người đi làm, người đi học, người đi chợ…đang lục tục, hấp tấp về nhà. Tôi chắc những người đang chạy bên cạnh tôi cũng đang cố chạy thật nhanh để tránh nắng như tôi. Nhưng làm sao chạy nhanh cho được khi con đường Nguyễn Huệ hẹp té, nhà cửa san sát, người buôn kẻ bán lấn tràn cả ra lề đường ngay chợ Cầu Bà Mụ. Giờ này mấy chị bạn hàng muốn phục vụ tận tình “quý thượng đế” của mình nên ai nấy tranh nhau mang hàng của mình bày ra sát lề đường. Mà kỳ thực tôi cũng thấy tiện làm sao khi tấp vào lề đường mà vẫn mua được mớ rau, con tép, con cá…Vậy đó, nên giao thông làm sao tránh khỏi ùn tắc, người người làm sao tránh khỏi lời qua tiếng lại vì bị va quẹt! Vậy đó, cái đám đông nhốn nháo ấy vẫn tái diễn mỗi ngày như mọi ngày. Vừa thoát được chỗ thắt cổ chai là khu chợ búa, mới tăng ga để xe trườn lên nhanh hơn, tôi gặp phải lô cốt làm cống vắt ngang qua đường. Lại một phen khói bụi đất cát mù trời, xe sau lãnh quả xe trước nào là khói xe, hơi xăng. Phiền nhất là đi sau chiếc xe máy có ống pô chỗng đít ngược, xả khói thẳng vào mặt mình.
Tôi đang bực mình, nhăn mặt, phát quạu thì phía sau lưng tôi một âm thanh lảnh lót: “Bà ngoại! Bà ngoại!” Ồ! “Cháu ngoại ngang hông” của tôi! Đang đi trên con đường tấp nập xe cộ, khói bụi và nắng nóng như vậy mà sao tôi cảm thấy lòng mình mát dịu. Dường như sự hồn nhiên của trẻ thơ có một sức mạnh diệu kì nào đó xua tan những cảm giác khó chịu tôi đang gặp phải trên đường đi. Bà ngoại của nó chở nó đi học mẫu giáo về. Cháu ngoại ngang hông của tôi đầu trần, tóc vàng hoe trong nắng, hai bầu má đỏ lựng vì nắng trưa, nhưng ánh mắt vẫn trong ngần. Chao ôi! Thương quá là thương “cháu ngoại ngang hông” của tôi! Trong khi bà ngoại ruột của nó đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang che kín gương mặt, mặc áo khoác kaki tay dài, mang găng tay che chắn kín mít để bảo vệ da khi ra nắng. Thế mà, “cháu ngoại ngang hông” của tôi, một đứa trẻ thơ măng sữa, mong manh như một cái trứng mỏng lại chẳng có lấy một mảnh khăn che, một cái nón đội đầu, chỉ phong phanh chiếc áo đầm dây hở tay hở lưng.
Mặc dù bà ngoại nó đã vọt lên ngang hàng với tôi nhưng nó vẫn không ngớt kêu “Bà ngoại! Bà ngoại!”. Cái miệng be bé xinh xinh với những giọt mồ hôi lấm tấm trên mép đang chu ra: “Bữa nay con có mẹ nè ngoại!” Tiếng “ngoại” kéo dài ra vừa nũng nịu vừa trìu mến, trong khi cái miệng bé xíu ấy đang ngoai tròn trông đáng yêu quá chừng! Nó vừa khoe với tôi về người đã sinh ra nó: Mẹ!
Mẹ cháu là em học trò cũ của tôi, một em học trò vốn hiền lành, học giỏi. Thế nhưng khi vừa rời gia đình đi học đại học ở Sài Gòn mới tròn năm, em đã trở về nhà sinh cháu bé không có cha! Phải gián đoạn mất một năm học. Rồi em trở lại giảng đường đại học, gởi con cho mẹ của em chăm sóc nuôi nấng. Thương cháu thiếu vắng hơi ấm của mẹ, tôi thường qua lại và trở thành bà ngoại ngang hông.
Tôi buột miệng hỏi:
- Mẹ nó có về hả Dung?
- Dạ, nó về có một đêm, sáng nay đi rồi chị!
Dường như có tiếng thở dài cố nén lại trong lòng cả hai bà ngoại. Con đường về nhà còn xa. Dòng người vẫn xuôi ngược chen chúc. Nắng trưa vẫn đổ lửa trên đường. Khói xe lẫn cát bụi vẫn mù trời. Con bé vẫn tíu tít hát vang trên đường bài hát vừa học ở trường mẫu giáo: “Ba thương con vì con giống mẹ. Mẹ thương con vì con giống ba…” !