Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2009

Bài tập làm văn.

Lời phi lộ:
Con bé từ lớp 10 đã xa nhà. Lên Saigon học.
Mỗi năm chỉ về nhà một hai tuần hoặc ít hơn.
Và rồi đến một lúc con bé hầu như suốt năm
ở đâu chân trời góc biển nào,
cách xa nhà có khi hàng mấy chục ngàn cây số.
Kể từ đó khó mà biết được điều gì
đang xảy ra trong tâm hồn con mình.
Đôi khi ngạc nhiên, đôi khi bực bội
vì nếp suy nghĩ của con khác xa mình quá!
Đôi khi tự nhủ ừ thì con bé đã lớn khôn,
nó có cuộc sống tự lập của nó, có suy nghĩ độc lập của nó!
Mấy hôm trước viết hồi ức về cái nhà của ngoại,
sau đó lục lọi sắp xếp lại đống giấy má,
tập vở cũ của con bé,
bỗng lọt ra một bài tập làm văn của nó.
Những bài tập làm văn này mình chưa từng được đọc.
Bồi hồi ngồi đọc xem con mình nó đã suy nghĩ cái gì ….


Lớp 10 Tin - Trường Phổ Thông năng khiếu Thành phố Hồ Chí Minh.
Vương Tuyết Tiên.

Thứ ba, ngày 15 tháng 5 năm 1996.
Kiểm tra môn tập làm văn

Điểm: 8 (Nhận xét của thầy: Có cảm nghĩ độc đáo)


Đề bài: Kể lại một kỉ niệm của em.

Quê hương tôi gói gọn trong mảnh vườn nhiều cây lá với mái nhà thân yêu gắn bó suốt chuỗi ngày thơ ấu êm đềm. Tôi hầu như không có tình cảm đối với những người bà con họ hàng, những làng quê cũ của ba má. Một nơi chốn tuy chẳng xa xôi là mấy nhưng đôi ba năm mới đến một lần không đủ tạo nên một niềm thương nhớ.
Ba má và tôi về đến Giồng Luông thì trời đã về chiều. Lâu lắm rồi mới đến, thế mà vừa gặp lại quê ngoại, tôi đã thấy những cảnh vật quen thuộc như trong tiềm thức vừa bước ra: mảnh đất ấy sau bao nhiêu năm vẫn như thế, không có gì thay đổi, vả chăng là tiêu điều, hoang tàn hơn trước mà thôi.
Con đường cát giồng hiu hắt bụi vàng dưới ánh mặt trời sắp tắt. Những con ngựa ô gầy gò kéo mấy cổ xe cũ kĩ đưa từng đoàn người xuôi ngược. Khuôn mặt khắc khổ của người đánh xe lướt qua, nám bụi thời gian từ mười mấy năm xưa cũ. Tiếng vó ngựa chìm đâu trong cát lún, giận dữ làm tung những đám bụi mù cũng không phá vỡ nổi cái lặng lẽ, cô liêu của buổi chiều quê.
Đường từ nhà ngoại lên rọc đi qua một rặng tre dài rậm rạp. Lá tre đưa xào xạc, thân tre nghiến vào nhau răng rắc. Tre dày lắm, tre che âm u. Phía bên kia là vườn cây. Bây giờ đương mùa nắng, những đám cỏ dại um tùm úa vàng, xơ xác. Những cây vú sữa chết khô từ đời nào chọc lên trời cành nhánh khẳng khiu, đen sì. Bước chân trên cát lún không để lại một âm thanh nào. Tôi bất chợt rùng mình nhớ ra khi còn bé, di ngang qua chỗ này tôi luôn ù té chạy.
Kia kìa trong vườn cây trống trải, những ngôi mộ sơn trắng lạnh lẽo nhìn tôi trừng trừng, những ngôi mộ đất mùa khô nứt nẻ như có thể đến gần để nhìn xuyên tận đến đáy địa ngục. Gió lạnh lùa trên mặt đất cố tình len vào những bước chân luống cuống. Ba nhìn tôi phá lên cười. Má chỉ nhẹ nhàng nắm tay tôi. Đặt tay mình trong bàn tay gầy nhỏ nhắn của má tôi thấy an tâm lắm.
Hết lũy tre là mảnh rọc. Trống trải, im lìm. Bầu trời cao và rộng thay thế cho hàng tre rậm. Cái lạnh lẽo âm u được thay bằng nỗi buồn của mênh mông. Cũng chỉ là khung cảnh thê lương, hiu quạnh. Chúng tôi ngồi xuống bờ đê phủ cỏ xanh. Không có kỉ niệm gì để nhớ nhưng cảm giác bồi hồi, xao xuyến trong tôi vẫn dâng lên, không ngăn nỗi. Vì cái cảnh vật trước mắt kia dễ làm người ta mềm lòng? Hay là vì bài hát mà ba tôi đang cất lên trầm trầm, nho nhỏ, tựa hồ như chỉ một mình nghe: “Trong chiều dần im hơi, người ngồi thương nhớ bao ngày vui, một ngày xưa cũ…”? Đã bao lần, tôi đã thờ ơ nghe bài hát này? Tôi sống chưa đũ lâu để có thể thương nhớ về một ngày xưa cũ, để tiếc nối quảng đường đời đã qua. Thế mà giờ đây tôi bất chợt rùng mình, bất chợt người run lên gai gai, bất chợt ý thức về thời gian, về quá khứ xa xăm, về hiện tại dang bị cuốn đi, về sự tàn lụi, chết chóc, bởi bao nhiêu yếu tố ngoại cảnh đang tác động vào mình. Ba vẫn hát. Mặt trời đỏ ối hấp hối. Tôi đọc được trong đôi mắt long lanh xúc động của má sự đồng cảm.
Không! Tôi đã lầm. Ba ngừng hát. Buổi chiều này mang đến cho ba má tôi niềm vui của những giây phút hồi tưởng về quá khứ chứ không ảm đạm như những cảm giác của tôi. Như quên hẳn sự có mặt của tôi, ba má bắt đầu nói với nhau về “ngày xưa”. Về những buổi chiều như thế này, ba má ngồi với nhau trên rọc nình chiều rơi. Tôi chắc rằng ba má tôi đã cầu mong cho không gian yên ắng hơn thế này nữa để nghe tiếng đập tim mình, lạnh lẽo hơn thế này nữa để thấy ấm áp tình yêu thương. Còn nhiều nữa: về ngôi trường xưa nơi ba má từng công tác, về những đồng nghiệp cũ mà nay không còn gặp lại, về những dứa học trò quê chân đất, kính sợ thầy cô, về con đường rất dài mà ba tôi đi bộ đến thăm má vào những chiều Thứ bảy ở nhà ngoại, về bà cố ngoại tôi với món bánh trái, thức ăn rất ngon dành cho con cháu với lòng yêu thương hết mực mà nay bà đã về với đất, trong mảnh vườn kia….
Những người xưa cũ ấy, trong giọng nói sôi nổi của ba, nhớ nhung của má, thực sự không bao giờ chết đi. Nó đang tái sinh trong tiếng tí tách trở mình của đất, tiếng rì rào của gió thổi qua lũy tre, trong lòng tôi đang tràn ngập niềm hạnh phúc khó tả.
Đêm xuống. Về nhà ngoại, ngang qua vườn cây, tôi nghe tiếng rì rầm.
Sáng. Ba má dắt tôi về nhà. Chuyến đi ngắn ngủi thế thôi. Ai cũng bận công việc.
Nói về quê ngoại, tôi có thể kể về những mái tranh xơ xác, những con ngựa gầy gò, những mảnh rọc nắng cháy, những khuôn mặt dãi dầu khắc khổ, những lề thói cổ hủ, những trò mê tín dị đoan, bầu không khí buồn tẻ, lặng ngắt. Miền quê trói chặt, bức bối trong cái đói nghèo, lạc hậu ấy đôi lúc làm tôi bực bội mà so sánh nó với nhân vật Nhuận Thổ trong tác phẩm của Lỗ Tấn: một đứa bé mạnh khỏe, thông minh nhưng lớn lên trong cùng quẫn nên trở thành kẻ đần độn, bần tiện, sùng bái tượng gỗ. Sau chuyến đi ấy, tôi có kể rằng quê hương tôi có những tấm lòng nhân hậu, có mãnh đất thấm đượm giọt mồ hôi, có ba má tôi và có một tình yêu.
Nhưng làm sao có thể kể được rằng tôi đã được sống nhiều hơn cuộc đời mà mình đã sống – đó là cuộc đời của ba má tôi trong những lời kể, rằng cái mặt trời hấp hối chiều hôm ấy chưa bao giờ rơi trong tâm trí tôi, rằng tôi yêu cả những nấm mộ trong vườn cây quê ngoại.
Điều quan trọng nhất là từ hôm ấy, quê hương trong tôi lớn rộng thêm ra, tôi có thêm nhiều niềm thương nhớ.

Cái lời nhạc mà ông xã tôi hát đó
là của Phạm Duy viết cho bản Valse của Brahm
và dĩ nhiên là ông xã hát cho tôi.
Không biết con bé – bây giờ đã vào tuổi 30
- có suy nghĩ khác không.
Nhưng điều đó có còn quan trọng không
- khi điều đó nữa
- cũng đã vuột khỏi tầm tay tôi lâu rồi!?

3 nhận xét:

Tien Vuong nói...

Cảm ơn mama giữ và đăng lại bài tập làm văn của con. Đọc lại thấy hơi hơi mắc cỡ quá, hi hi. Đây là giai đoạn "muốn trở thành người lớn" của bé Tiên, viết cái gì "nghiêm trọng", hi hi.

Dù như vậy, cảm nghĩ ngày xưa của con vẫn không thay đổi:

"Miền quê trói chặt, bức bối trong cái đói nghèo, lạc hậu ấy đôi lúc làm tôi bực bội mà so sánh nó với nhân vật Nhuận Thổ trong tác phẩm của Lỗ Tấn: một đứa bé mạnh khỏe, thông minh nhưng lớn lên trong cùng quẫn nên trở thành kẻ đần độn, bần tiện, sùng bái tượng gỗ. Sau chuyến đi ấy, tôi có kể rằng quê hương tôi có những tấm lòng nhân hậu, có mãnh đất thấm đượm giọt mồ hôi, có ba má tôi và có một tình yêu."

Con vẫn yêu miền quê nghèo, và vẫn mong nó hết nghèo đói, lạc hậu.

Tien Vuong nói...

Má ơi, con gái má dù được hưởng gen "văn" của má một chút xíu xìu xiu, hi hi, nhưng cuối cùng là dân kỹ thuật. Hông có đủ tinh tế nên phải nghĩ hoài mới biết cái gì "vuột khỏi tầm tay" má.

Con không có quê hương trong lòng một cách hồn hậu, giản đơn như ba má. Và rồi con cũng nghĩ ra ba má sẽ buồn: khi ba má đã là những người bám lại ở quê hương để dạy những em học trò nhỏ, để đào một con kênh, để đắp một con đường, mong tạo một tương lai tươi đẹp hơn, ... nhưng mà hậu sinh lại cứ hay thấy chỗ này chưa hay, chỗ này chưa đẹp, ...

Vậy thì nhắc nhở của má thật bổ ích. Ngày hôm nay con cũng không nghĩ mình có thể làm được gì hơn là cố gắng làm tốt công việc mình đang làm mà thôi. Nhưng trong suy nghĩ có nhiều thay đổi...

Thương má thật nhiều.

Nguyễn Thị Tuyết nói...

Con gái yêu! Con biết suy nghĩ như vậy là tốt rồi! Biết làm tốt công việc của mình; biết yêu thương và căm giận đúng chỗ, đúng lúc; biết khả năng mình làm được và không làm được cái gì...Con sẽ lớn, con sẽ còn đi nhiều nơi và sẽ còn nhiều thay đổi trong tư duy nhưng má tin rằng con vẫn ôm ấp trong lòng mình hình bóng của quê hương...