Thứ Ba, 19 tháng 1, 2010

THÚ ĂN TẾT Ở QUÊ TÔI

Thời tôi còn nhỏ, cứ lối rằm tháng chạp hằng năm, khi tiếng mỏ công phu của ngôi chùa nhỏ ở cuối làng vọng lại lẫn trong tiếng pháo đì đùng lác đác, thì tiếng “cắc cụp, cắc cum” cũng trỗi đều khắp thôn khắp xóm. Mặc dù còn đang tuổi mới lớn “ham ăn ham ngủ” nhưng tôi cũng đã choàng tỉnh giấc để phụ má tôi quết bánh phồng. Quê tôi chuẩn bị ăn tết bằng cái công việc quết bánh phồng đó. Bây giờ, khi đời sống công nghiệp phát triển, nông thôn cũng bị ảnh hưởng nếp sống ấy nên không còn nghe lại âm thanh quen thuộc của một thời.
****
Ngày xưa, ở nông thôn chuẩn bị ăn tết từ đầu tháng chạp âm lịch. Lúc bấy giờ lúa má đã gặt xong, đã ví vào bồ hết rồi, ông ngoại tôi chọn thứ nếp dẻo ngon nhất thời ấy có tên “nếp bà bóng” đưa vào cối giã. Sau khi sàng sảy thật sạch, bà ngoại đem đi xôi nếp lên cho chín, thắng nước đường chung với nước cốt dừa cho thật béo là xong công đoạn thứ nhất. Tiếp theo là công đoạn quết bánh. Nếp chín còn nóng hôi hổi được bà ngoại cho vào cối. Tôi được ngoại giao cho công việc đạp chày, má tôi trở bánh và bà ngoại vô nước đường. Công việc của ba người phải được phối hợp nhịp nhàng không chậm một giây phút nào. Chỉ cần lỡ một nhịp chày thôi là tôi quết trúng vào tay của má tôi! Cứ đạp như thế khoảng vài trăm lần mới ra được một ổ bánh. Nhìn ổ bánh mịn màng, mướt rượt nước cốt dừa thơm phứt trên tay bà ngoại, đứa con nít như tôi không khỏi thèm thuồng. Không để cho tôi phải xin xỏ, lát nữa đây khi bà ngoại, mợ hai, má tôi, mợ tư và dì út cán bánh, thế nào tôi cũng được bà ngoại thưởng công cho tôi một cục bột to bằng trái chanh giấy. Không hiểu sao lúc nhỏ tôi ăn cục bột đó một cách dè sẻn ngon lành đến vậy! Cắn một miếng bột dẻo nhẹo thơm phứt, dính răng, nhưng chỉ nhai nhồm nhoàm một chút là chất béo chất ngọt tan nhanh trong miệng.
Công đoạn cán bánh đòi hỏi sự khéo léo tột cùng. Sau khi thấm tay với dầu dừa, bà ngoại ngắt một cục bột bằng trái chanh, rồi thoăn thoắt vo cho tròn. Bà vừa đặt cục bột trên mặt thớt có lót lá chuối, vừa cầm cái ống cán bánh lia qua một vòng, tôi đã thấy xuất hiện cái bánh tròn trịa trong nháy mắt. Nhìn qua tay của má, của dì tôi và các mợ, ai cũng khéo léo, thoăn thoắt không kém gì tay của bà ngoại. Trong lúc những người phụ nữ cán bánh, ông ngoại tôi đã chuẩn bị trải một chiếc chiếu to trên giàn phơi bánh rồi. Bây giờ đến lượt cậu hai, cậu tư tôi vào cuộc. Từng chiếc bánh tròn dình được mang ra trải trên mặt chiếu. Lúc ấy mặt trời rạng đông cũng vừa hé vài tia nắng đầu tiên trong ngày. Ba bốn manh chiếu trên giàn phơi cũng vừa kín mặt. Những cái bánh tròn đều sắp hàng thẳng tắp xong đâu đó thì cũng vừa lúc bà ngoại cùng mợ tư tôi ra chợ dọn hàng bán vải. Bánh được phơi dưới nắng sớm như vậy mới ngon. Nếu nắng gắt quá, bánh khô quá nhanh sẽ trở nên dòn và dễ bể. Phơi bánh phải siêng trở thì bánh mới ráo đều và khô mặt. Chỉ cần qua hai nắng, má tôi đem bánh vào nhà và gỡ bánh ra, sắp thành từng trăm bánh, cất vào những túi xốp lớn. Thế là nhà tôi đã có bánh phồng nếp để ăn tết rồi đó!
Cũng vào những ngày này, ông ngoại tôi cùng với hai cậu lo trải lá mai. Quê tôi nhà nào cũng có trồng vài cây mai ở trước sân nhà. Vì thế, hoa mai trở thành một tín hiệu báo tin xuân. Để có được hoa mai nở đúng thì, ông ngoại tôi phải ngắm nghía thật kỹ nụ hoa của từng cây mai nhiều hay ít, nụ lớn hay bé để quyết định ngày nào trải lá. Nếu cây mai nào nụ ít quá, khoảng đầu tháng 12 âm lịch, ông ngoại đã vun phân bón gốc cho cây thêm sung sức và khoảng rằm tháng chạp cho trải lá. Cây mai nào có nhiều nụ lớn, ông tôi chờ lối 20 tháng chạp mới cho trải lá. Không chỉ quan sát cây, ông ngoại tôi còn quan sát cả thời tiết,khí hậu, nắng gió nữa.Với kinh nghiệm của một cụ già sành điệu, ông ngoại tôi chưa bao giờ nhầm lẫn trong công việc chăm sóc mai và những gốc mai nhà tôi bao giờ cũng nở đúng đêm giao thừa.
Còn một thứ bánh nữa đặc trưng cho cái tết Nam bộ là bánh tét. Không biết có phải “bánh tét” là cách gọi trại ra của “bánh tết” không, nhưng tôi vẫn thích cách gọi dân dã, thân thiết từ xưa. Có gia đình gói bánh vào 28, 29, 30 tết để có dịp cho con cháu quây quần chung quanh nồi bánh đêm giao thừa, nhưng cũng có gia đình gói bánh vào mồng 2, để có bánh cúng “ra mắt” sáng mồng 3, hay cúng “tất”, cúng hạ nêu vào mồng 7 tết. Gói bánh đòi hỏi sự tỉ mỉ, chi li tính tóan của người phụ nữ. Phải lo rọc lá chuối trong vườn từ hai bữa trước, xé lá sắp thành từng đôi, để cho lá hơi dịu mới làm được. Dây lạt để cột bánh phải chọn loại dây tốt, vừa dai vừa bền chắc, cũng để sẵn. Đậu xanh cà đem ngâm 1 đêm cho tróc vỏ, đãi sạch và nấu chín với nước cốt dừa, không quên thêm một chút muối để tăng thêm độ béo cho nhưn. Mỡ gáy được cắt thành từng miếng bằng ngón tay trỏ, ướp với tỏi băm và đường cát, rồi đem phơi nắng chừng 2 tiếng cho thấm gia vị và làm cho mỡ có độ trong khi nấu chín. Nếp cái nguyên hột được gút sạch với muối bọt và ngâm 6 giờ đồng hồ. Sau đó vớt nếp ra, để thật ráo. Dừa khô nạo xong vắt nước cốt thật kẹo để sẵn. Bắt chão lên bếp, cho nước cốt vào thắng bồng con, cho nếp vào xào với chút muối, chút đường cho vừa miệng. (Có nơi trộn luôn cả xác dừa vào nếp chớ không xào nếp). Bây giờ tất cả đã sẵn sàng. Bà ngoại tôi thường lãnh phần gói còn má tôi và hai mợ mạnh tay hơn nên cột dây. Cho đến tận bây giờ, khi tôi có gia đình và cũng đôi ba lần đứng ra gói bánh tét cho các con có dịp vui bên bếp lửa, nhưng tôi phải công nhận một điều là bà ngoại tôi thật khéo tay. Cả trăm đòn bánh tét, cái nào cũng vuông vức, đều đặn như cái nào. Điều đáng nói hơn là khi bánh chín, cắt cái bánh ra bày trên dĩa, ta sẽ vô cùng thán phục bà ngoại khi thấy cái nhân đậu xanh vàng ươm bao quanh cục mỡ hồng hồng trong trong, thơm lựng, nằm chính giữa khoanh bánh, hấp dẫn làm sao!
Cột dây bánh không quá mạnh tay nhưng cũng không được lơi lỏng. Cột chặt quá, khi bánh chín, nếp nở ra khiến đòn bánh không tròn đều, có chỗ phình, chỗ thắt. Còn cột lơi lỏng, nước sẽ nong vào bên trong nếp, bánh bị nhão. Khâu chụm lửa cũng quan trọng không kém những khâu khác. Phải đẩy củi vào lò đều đều, nấu riu riu, khoảng 8 giờ đồng hồ. Để tránh cho nồi bánh không bị cạn nước, trong suốt quá trình nấu bánh, mợ tư tôi thường xuyên chêm thêm nước sôi vào nồi để bánh không bị “nín”, hột nếp không bị sượng. Bởi vậy, gói bánh tét cũng là một nghệ thuật, nghệ thuật ẩm thực của nhân dân Nam bộ. Sở dĩ ngày tết thường gói bánh tét vì bánh có thể để dài ngày mà không sợ thiu. Trong những ngày đầu năm, có bánh tét thay cơm, người phụ nữ trong gia đình được giảm bớt gánh nặng công việc nội trợ.
****
Ngày mồng một tết. Thức dậy sớm. Chờ dĩa bánh trái có bánh tét, bánh phồng và đủ thứ mứt dọn xuống từ bàn thờ tổ tiên là cả đám con nít xúm vô thưởng thức rồi sau đó đứng sắp hàng chờ chúc tết ông bà. Chúc tết xong đứa nào cũng chờ cái bao lì xì nhỏ xíu chứa mấy đồng bạc mới tinh.
Mấy đứa nhỏ bây giờ hầu như không còn niềm vui “xưa cũ” đó. Không còn nghe tiếng pháo. Không còn nghe tiếng cối đạp quết bánh. Hiếm hoi lắm mới có nhà gói và nấu bánh tét. Chỉ có mai là vẫn nở đầy sân. Còn năm ngoái tôi lại nghe đứa cháu nói với má nó: Má! Năm tới má lì xì cho con cái thẻ ATM nghe. Thời thế đổi thay có khác!

4 nhận xét:

Tien Vuong nói...

Tết này con thực tập gói bánh Tét!

Đông Quang nói...

Úi, cô Tuyết viết văn hay quá !

thytuyet nói...

Cô cám ơn con! Cô chỉ ghi chép theo tiếng lòng của cô thôi. Cũng chẳng phải văn chương gì đâu!

Đông Quang nói...

Cô ơi ! Con đang xây dựng blog Mái Ấm Bồ Đề. Cô có thời gian rảnh thì vào viết bài cho blog cô nhé !