Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2009

HỒI KÝ VỀ MỘT CHUYẾN HÀNH THIỆN

Khi chúng tôi đến nhà chị Lộc ở ấp Tân Thị Đình, xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm, bà con đã tụ họp gần như đầy đủ cả rồi. Vừa thấy chúng tôi, trên những gương mặt cằn cỗi, u tối của một đời cần lao của họ, bỗng bừng sáng lên nét vui mừng. Đây là những chú, những dì, những anh, những chị có con, cháu bị dị tật bẩm sinh. Những cháu bé bất hạnh đang nằm trên tay, trên vai của cha mẹ, ông bà chúng. Có hai, ba cháu lớn hơn, đứa thì ngồi, đứa nằm trên chiếu trải trên thềm ba hiên nhà chị Lộc. Chị Chung Thị Lộc là một thành viên trong nhóm Mái ấm Bồ Đề (MÂBĐ). Chị phụ trách đi tìm địa chỉ của các cháu khuyết tật ở địa phương xã Tân Hào. Hai năm trước, gia đình của các cháu đưa con, cháu mình đến tập họp ở Ủy ban nhân dân xã, và nhóm MÂBĐ của chúng tôi đến đó để trao quà, thông qua chính quyền địa phương. Tôi là thành viên mới của nhóm, chỉ biết được thông tin này qua Cô Thu (phu nhân của Thầy Phu - một mạnh thường quân kỳ cựu của nhóm). Năm nay, với sáng kiến của chị Lộc, các gia đình tập họp ở nhà chị cho việc đi lại của họ được dễ dàng hơn.
Tôi không cầm được nước mắt khi nhìn thấy bà nội tuổi ngoài 70, gầy gò, khẳng khiu, khô đét như que củi, phải nơ đứa cháu gái 12 tuổi, dị tật, gương mặt ngờ nghệch, đang nghiêng nghiêng ngó ngó nhìn chúng tôi. Được biết cha mẹ cháu túng thiếu nghèo khổ quá phải đi làm thuê làm mướn ở xa kiếm sống qua ngày, không thể nghỉ một ngày để đưa cháu đi được. Khi chị Kim Hoàng (người phụ trách chụp ảnh trong nhóm) vừa đưa máy ảnh lên định chụp hình cháu, bất thần cháu khóc thét lên hốt hoảng, lắc đầu lia lịa, chân giãy đạp, lấy tay che mặt và trườn về phía bà nội của cháu. À, thì ra, cháu sợ chụp hình rồi người ta sẽ bắt cháu đi, không cho ở với bà nội. Chắc là trước đây có ai đó đã nói cho cháu nghe điều này, nên đã tạo ấn tượng xấu cho việc chụp hình. Chị Nguyệt, một thành viên trong nhóm, đã đến an ủi, vuốt ve và trấn an cháu một hồi, cháu mới ngừng la khóc. Người bà ôm đứa cháu trong tay cũng rưng rưng ngấn lệ. Rồi chị Kim Hoàng cũng dụ ngọt được cháu để chụp được bức ảnh cháu đang cười. Nụ cười ngây ngô, ánh mắt xa xôi của cháu theo tôi cho đến tận bây giờ khi tôi hồi ký lại những dòng này. Không biết ngày mai, ngày sau, ngày sau nữa…cháu sẽ sống ra sao khi bà nội phải ra đi?! Và ba mẹ cháu, liệu có thoát được cái nghèo?! Kiếp sống thực vật của cháu kéo dài bao lâu? Hàng trăm ngàn câu hỏi đang trăn trở trong lòng tôi (mà tôi chắc các đồng bạn của tôi cũng đang mang tâm trạng ấy). Đây chỉ là một trong số 11 trường hợp trẻ di tật đang có mặt ở đây. Còn biết bao trường hợp khác nữa chưa đủ nhân duyên đưa chúng tôi đến với các cháu. Có vài cháu chỉ bị dị tật tay chân, gương mặt rất xinh, ánh mắt rất sáng, Thầy Phu khuyên cha mẹ cháu cho cháu vào trường trẻ em khuyết tật để được khai tâm mở trí. Do được đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều trường hợp trẻ khuyết tật, Thầy cho chúng tôi và cha mẹ các cháu biết những khả năng tiềm ẩn của các cháu mà chúng ta còn có thể phát triển: Vẽ, nặn tượng, đàn hát…thậm chí có em còn khả năng tiếp xúc với máy tính nữa. Chị Mịn hướng dẫn cho phụ huynh các cháu mua những bộ chữ bằng nhựa màu để dạy các cháu vừa chơi vừa học chữ cái. Chúng tôi đã đến với các cháu bằng tình cảm thân thiết của người trong một gia đình lớn: đồng bào. Hơn thế nữa, chúng tôi đã san sẻ cho các cháu bằng cái tâm đại từ bi theo điều tâm niệm thứ nhất trong Mười điều tâm niệm của MÂBĐ. Bất chợt trong tim tôi vang lên những lời trong bài Sám khấn nguyện mà tôi hằng tụng niệm:
Xin kẻ mù được sáng,
Kẻ điếc lại được nghe,
Kẻ nghèo được ấm no,
Kẻ ốm đau bình phục…
*
Sáng hôm ấy là một buổi sáng đầu tháng 12. Không khí hơi se lạnh, khô thoáng thật dễ chịu. Ở quê tôi chỉ hai mùa mưa nắng. Tôi chưa một lần biết “Trăng thu bạch, Sương thu lạnh, Khói thu xây thành…” như Tản Đà đã “Cảm thu”, nhưng buổi sáng hôm nay đối với tôi thật đẹp. Ánh nắng ban mai chưa đủ sưởi ấm lớp sương mỏng, tạo cho bầu trời một vẻ đẹp huyền ảo, mơ màng. Cây cỏ hai bên đường đang trở mình thức giấc, nhẹ nhàng giũ sạch lớp áo sương đêm. Trên những cành cây bằng lăng, những chùm hoa tím nhạt rung rinh mỉm cười cùng nắng sớm.
Sau khi điểm tâm chay ở quán Nhường Trà quen thuộc, nhóm chúng tôi trực chỉ hướng Giồng Trôm, đến xã Tân Hào. Chuyến đi hôm nay đặc biệt hơn mấy chuyến đi trước vì có Thầy Phu và Cô Thu tham gia. Anh Tài, trưởng lớp năm xưa, giờ là thành viên phụ trách chăm sóc sức khỏe của nhóm, lãnh nhiệm vụ chở Thầy cũng như mọi khi. Anh Thọ, phu quân của trưởng nhóm May Duyên, chở Cô Thu. Hai anh bạn này phải xuất hành rất sớm, qua đón Thầy Cô ở An Hóa (Châu Thành). Anh So chở chị May Duyên, chị Mịn chở Kim Hoàng, chị Nguyệt chở Tuyết. Mọi người đều vui vẻ, phấn chấn mặc dù lộ trình khá xa. Hôm nay là thứ sáu, ngày làm việc, nên dòng xe cộ trên đường khá tấp nập, nhưng vì chúng tôi khởi hành sớm, không khí mát mẻ, nắng sớm ấm nhẹ nên cảm thấy dễ chịu. Vừa khởi hành, năm phút sau điện thoại của chị Nguyệt rung nhè nhẹ. Chị đang cầm tay lái nên chuyển điện thoại cho tôi nghe: Alô! Anh Hưng đây! Hầu như chuyến đi nào anh cũng theo sát từng bước chân của nhóm chúng tôi. Chuyến đi nào anh cũng có mặt suốt hành trình cùng với nhóm. Anh căn dặn chúng tôi: Các em phải niệm Phật trước khi khởi hành. Các em phải đoàn kết, giúp đỡ nhau trên đường đi. Các em phải cẩn thận trong từng đoạn đường, cẩn thận khi qua cầu kỳ…Rồi anh chúc Thầy Cô cùng các em có sức khỏe để đi hành thiện. Chúc chuyến đi hoàn mỹ, vui vẻ…Không chỉ gọi cho nhóm khi bắt đầu khởi hành, mà khi đến nơi và cả khi trở về, anh Hưng còn gọi cho chúng tôi nhiều lần nữa. Khi thì hỏi thăm tình hình sức khỏe Thầy Cô và các anh em trong nhóm, khi thì yêu cầu chị Nguyệt tóm tắt kể lại tình hình chuyến đi, tả cảnh trên đường đi gần hay xa như thế nào, lúc thì hài hước đùa vui khi biết nhóm đang dừng lại nghỉ ngơi ăn trưa. Anh cũng xin tham gia: nhờ người này ăn dùm anh món này, người kia ăn dùm anh món nọ…thật vui! Không khí của chuyến đi vì thế càng thêm thân thiết khi chúng tôi chuyền nhau chiếc điện thoại để trò chuyện với anh, đang ở cách chúng tôi nửa vòng trái đất. Bởi vậy, anh Hưng, đối với chúng tôi, là người anh tinh thần, là linh hồn của nhóm MÂBĐ.
*
Xuyên qua những khu vườn trù phú, sáu chiếc xe gắn máy chở 12 người (bây giờ có thêm anh Sum chở chị Lộc) bon bon trên những con đường vườn được lót đan xi măng sạch sẽ. Hương thơm thanh thanh của chanh, của cam, của bưởi, hương hoa sứ nồng nàn trong vườn nhà ai không biết cứ thoang thoảng trên đường đi. Những mái nhà êm đềm ẩn sau những rặng cây xanh mướt rạng rỡ hẳn lên giữa nắng trưa. Chúng tôi đang đi vào những vườn cây sum sê của xã Châu Hòa. Ai có ngờ được rằng hơn ba mươi năm trước, bom đạn đã cày xới nát mảnh đất này. Những trận mưa màu da cam đã tàn sát những rừng dừa, những vườn cây ăn trái. Đất này đã có thời kỳ bị hoang hóa. Chiến tranh qua đi. Mảnh đất này lại hồi sinh dần dưới bàn tay cần cù, chịu thương chịu khó của con người. Mấy năm gần đây, đời sống nông thôn phần nào cải tiến: đường lót đan, nhà nhà có điện, điện thoại…Nhà nào gần đường cái còn có cả nước máy sạch chuyền ống vào tận nhà.
Câu chuyện trên đường đi làm cho chúng tôi cảm giác quảng đường rút ngắn lại. Chẳng mấy chốc chúng tôi đã đến nhà anh Bảy Khoa, cũng là thành viên của nhóm MÂBĐ. Đây là điểm đến thứ hai, thuộc ấp Phú Hòa, xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm, gồm có ba trường hợp trẻ em dị tật bẩm sinh tập trung ở nhà anh Khoa, trong đó có một trường hợp là đứa con thứ hai của anh Khoa: Huy Khôi, vừa tròn mười tuổi. Đón chúng tôi trước cổng nhà là cả gia đình anh: anh chị và cháu Huy Khôi. Huy Khôi có gương mặt bầu bĩnh, trắng trẻo, nhưng dễ nhận ra em là đứa trẻ thiểu năng như hầu hết những trẻ em thiểu năng khác. Chị Khoa nói: Có cho cháu đi học mẫu giáo và tiểu học, nhưng lên đến lớp 2 thì cháu không học được nữa. Rồi anh chị nhờ một cô giáo tiểu học đã về hưu đến nhà kèm cháu học mỗi ngày vài ba tiếng đồng hồ. Anh chị tiếp chúng tôi ở gian nhà trống, phía sau nhà chính. Bên cạnh bàn tròn tiếp khách, là bộ ngựa cũ kỹ ba tấm, trên vách nhà treo tấm bảng nhỏ với bài tập đọc do cháu Khôi viết. Những dòng chữ gò gẫm, nét chữ nhỏ, mềm mại, khá đẹp là nội dung bài học: Câu chuyện chú dê con nói dối. Sau khi chào khách xong, Khôi ngoan ngoãn vâng lời mẹ, trèo lên bộ ngựa, dùng thước chỉ từng chữ trên bảng và đọc từng tiếng rõ ràng. Thầy Phu, cô Thu khen cháu giỏi. Cháu Khôi tỏ vẻ vui mừng và ôm hôn cô Thu. Trong các em dị tật mà nhóm chúng tôi tiếp xúc từ sáng đến giờ, thì cháu Khôi là trường hợp nhẹ nhất. Có lẽ vì anh chị Khoa là người có học thức, có hiểu biết, đã có đưa con mình đến thầy thuốc chạy chữa, đã có tìm hiểu về căn bệnh của con để có cách nuôi, dạy phù hợp nên cháu Khôi được cơ hội học tập để biết chữ. Đối với các cháu dị tật như thế, nếu cha mẹ có chút ít hiểu biết, sẽ bớt mặc cảm với mọi người và cho cháu hòa nhập với những người xung quanh. Có những cháu tuy dị tật nhưng trí não vẫn còn hoạt động tốt, nếu chúng ta biết khơi dậy những tiềm năng của các cháu thì xã hội sẽ có thêm những công dân tốt góp phần xây dựng quê hương.

Bữa cơm trưa hôm ấy là một bữa ăn được chuẩn bị thật chu đáo từ đêm hôm trước: Cô Thu làm món bì (chay), đem theo maggi của Pháp và món xoài xí muội làm món tráng miệng. Chị May Duyên làm món tôm kho tàu với măng tươi (chay). Chị Kim Hoàng làm hai món: đậu hủ muối sả chiên và phá lấu (chay). Còn anh chị Khoa chủ nhà cũng chuẩn bị một nồi cơm to, một nồi canh rau tập tàn với mướp và đậu que xào với nấm bào ngư, tráng miệng bằng dưa hấu. Các món ăn làm sẵn từ trước bây giờ được hâm nóng lại. Mỗi người một việc, chẳng mấy chốc trên mặt bàn tròn, nào canh nóng, nào cơm sốt dẻo, các dĩa bày thức ăn thơm phức, trông thật là hấp dẫn! Cháu Khôi cũng quấn quýt theo chúng tôi, vui vẻ phụ giúp bưng thức ăn dọn lên bàn. Một bữa ăn thịnh soạn đến không ngờ! Mặc dù anh Khoa đã lấy thêm một số ghế kê quanh bàn tròn nhưng chúng tôi thích ăn theo kiểu buffet, nên vừa mời Thầy Cô xong, chúng tôi đã sẵn sàng “ra tay” tự phục vụ. Thật ra, ai cũng đói vì đường xa, vì mùi vị thức ăn quyến rũ, vì phong cảnh hữu tình, vì không gian thơ mộng và vì nhiều nguyên nhân khác nữa. Anh chị Khoa từ chối khéo là đã dùng cơm từ sớm theo thông lệ ở nhà quê, nhưng tôi để ý thấy anh chị đang lúi húi trong bếp chuẩn bị thêm một nồi cơm nữa vì thấy “lực lượng” của nhóm “hùng hậu” quá (Hic! Hic!). Còn cháu Khôi, tự nhiên như “trong nhà”. Cháu ngồi vào bàn, tự cầm chén đũa ăn uống rất lịch sự và khen ngon luôn miệng! Lúc này, tôi chợt nghĩ nếu cháu Khôi được sống trong một môi trường xã hội đông người, có thể trí não cháu sẽ phát triển tốt hơn chăng?
Lần đầu được ăn chung một bữa cơm với Thầy Cô, lại được thưởng thức món bì do Cô chế biến, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Thầy còn gợi ý chúng tôi nên dùng món bì chung với nước chấm là maggi của Pháp nữa mới ngon tuyệt! Hôm nay món ăn nào cũng lạ miệng, cũng ngon lành, làm cho tôi nhớ bữa cơm rau đúng nghĩa trăm phần trăm rau ở nhà chị Thu Vân mấy tháng trước đây cũng ngon không kém! Thật ra, món ngon trước hết xuất phát từ cái tình chứ không vì của ngon vật lạ. Tình thầy trò, tình bạn hữu, tình người…đã thêm hương thêm vị cho bữa ăn. Gần gũi thầy cô, chúng tôi cảm thấy mình nhỏ bé lại như ngày còn cắp sách - Nhỏ bé trước những hiểu biết của Thầy, nhỏ bé trước tấm chân tình dung dị của Cô. Tôi chợt nhớ có lần “ông xã” tôi nói về cái diễm phúc trong cuộc đời anh là được gặp Thầy, được học với Thầy. Bây giờ tôi mới trải nghiệm được lời anh nói.
Ăn xong, Cô lấy ra gói xoài xí muội chia mỗi người một miếng để tráng miệng. Đây cũng là một món lạ, tôi chưa từng biết. Lúc ấy, chị Hoàng và chị May Duyên vẫn còn bưng chén cơm vì ăn chậm hơn mọi người, nhưng khi nghe Cô phân phát xoài xí muội, chị May Duyên “và cơm” thật lẹ cho xong. Chị Duyên chạy đến bên Cô, xòe tay xin một miếng xoài. Thấy bộ dạng trẻ con của chị, Cô Thu bật cười và trêu chị bằng cách chia cho chị một miếng xoài bé xíu. Chưa bao giờ chúng tôi được sống một cách hồn nhiên và thoải mái như vậy! Chúng tôi muốn mình mãi mãi nhỏ bé bên cạnh Thầy Cô để được nghe lời dạy bảo yêu thương như từ thuở nào.
Sau khi ăn trưa, nghỉ ngơi ở nhà anh Khoa khoảng một tiếng, đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình qua xã Phong Nẫm tặng quà cho hai cháu và xã Lương Hòa có một cháu nữa là kết thúc chuyến đi hôm nay. Chuyến đi này chúng tôi đã trao quà được cho 17 cháu khuyết tật. Tuy quảng đường Thị xã Bến Tre (mà bây giờ gọi là Thành phố Bến Tre) - Giồng Trôm trên bảng chỉ đường ghi 17km, nhưng thực tế chúng tôi đã đi một quảng đường gần gấp đôi con số đó để đến xã Tân Hào (ấp Tân Thị Đình), xã Châu Hòa, xã Phong Nẫm, xã Lương Hòa…, đến với những cháu bé không may mắn khi góp mặt trong cuộc đời này. Từ giã các cháu bé, chúng tôi trở về Thành phố Bến Tre với niềm vui nho nhỏ vì đã làm được một việc: “từ trái tim đến trái tim”. Hẹn một dịp khác, chúng tôi sẽ trở lại Giồng Trôm. Còn trước mắt, một kế hoạch, một lộ trình mới “từ trái tim đến tái tim” đang chờ chúng tôi. Trên đường về nhà, không ai nói với ai một lời nào, nhưng tự đáy lòng của chúng tôi đã khắc sâu lời khấn nguyện:
Xin cho con mãi mãi,
Lòng thương yêu không cùng,
Trải thế giới tam thiên,
Đến chúng sanh vô tận…

1 nhận xét:

Tien Vuong nói...

Chúc má vui và bình an trên đường đi làm từ thiện.