Thứ Năm, 31 tháng 12, 2009

Ngày tháng thương yêu...


Mấy thứ này sắm đã lâu,
vì bị Yahoo 360 độ đuổi nhà nên dời qua!

Sunday October 28, 2007 - 11:27pm (ICT)

MỘT NGÀY CHỦ NHẬT VUI VẺ, HẠNH PHÚC
(Viết để nhớ một em học trò rất thương trường Hermann Gmeiner)

Cô phát thanh viên chương trình “Chào ngày mới” kết thúc bằng lời chúc: “Kính chúc quý vị một ngày chủ nhật vui vẻ và hạnh phúc bên gia đình và những người thân của mình”. Tôi vừa nhẩm lại lời chúc vừa nghĩ ngợi mông lung: “Tôi mơ được một ngày chủ nhật vui vẻ và hạnh phúc bên gia đình và những người thân của mình”. Gia đình hạnh phúc là điều tôi ao ước!
Tôi được vào sống ở Làng SOS tám năm rồi. Những ngày đầu mới bước chân vào đây, tôi là một đứa bé gái “ốm nhom, ốm nhách và đen nhẽm” (như lời của cậu Bằng, Giám đốc của Làng thường kể lại) vì tôi vừa trải qua một trận thương hàn tưởng chết. Bà nội tôi thương đứa cháu côi cút, nhưng không có tiền chạy chữa cho tôi, ngoài những lúc bà cạo gió và lấy khăn nhúng dấm đắp cho tôi khỏi sốt. May mà lúc ấy có một phái đoàn từ thiện đi phát thuốc cho gia đình nghèo hay kịp. Chẳng những tôi được đưa lên Trung tâm y tế huyện để điều trị bệnh, mà còn được tổ chức giới thiệu đưa tôi về ở Làng cho đến nay.
Tôi không biết mặt ba mẹ của tôi. Khi bắt đầu biết nhận thức, tôi chỉ biết tôi sống với bà nội. Hai bà cháu lủi thủi bên nhau. Bà đi mót tàu cau bó chổi, đi kéo tàu dừa, chặt củi, đi rọc lá chuối ở xóm để bán… Tôi đã lớn lên bằng công lao khó nhọc của bà. Có trái ổi xá lỵ thơm, bà để dành cho tôi. Bữa cơm có cá kho, bà gắp cho tôi cái trứng cá… Tuy bữa đói bữa no, nhưng đứa cháu nội của bà vẫn no lòng. Ngoài bà nội, tôi còn có ông nội. Ông lãng tai nặng và thường dùng giấy bút để nói chuyện. Ông nội tôi không hiểu sao lại không ở chung nhà với bà nội, mà sống chung với cô Hai. Cô Hai không lấy chồng, ở vậy chăm sóc ông nội tôi và thỉnh thoảng đem tô canh, dĩa cá kho hay mấy thứ cây trái quanh nhà biếu cho bà nội tôi. Nhà cô Hai cũng không xa nhà bà nội tôi là mấy. Tôi cũng thường chạy sang đó nhổ tóc ngứa cho ông nội tôi. Bốn, năm tuổi, tôi lấy làm hãnh diện với bọn con nít trong xóm vì được ở hai nhà. Có hôm, tôi qua nhà cô Hai chơi, trời mưa lớn quá, không về được. Tôi ăn cơm với cô và ông nội, rồi ngủ đêm luôn tới sáng hôm sau mới về. Qua cô Hai, tôi được biết mẹ tôi qua đời sau ca sinh khó. Đứa bé sơ sinh mẹ tôi để lại chính là tôi. Bà nội tôi đã cưu mang tôi từ những ngày tôi còn đỏ hỏn. Một năm sau, ba tôi theo bạn bè đi ghe vô Cà Mau đánh cá. Rồi một trận bão lớn tràn qua. Ba tôi đi không thấy trở về. Tôi không biết mặt ba mẹ tôi là vì vậy.
Tôi không sao quên được cái buổi chiều tôi từ giã bà nội tôi để vào Làng. Đó là một buổi chiều u ám. Cơn mưa cuối mùa dai dẳng từ trưa không ngớt. Con đường vườn dẫn vào nhà nội tôi trơn như khoai mỡ. Tôi nôn nao sợ mưa to, người ta không đến. Quá giờ hẹn gần hai tiếng, xe của Làng mới xuống tới. Đường đất lầy lội quá nên xe phải đậu ở ngoài đường cái. Cô Thu Hải, người phụ trách đưa tôi về Làng, phải đi bộ gần một cây số mới vô tới nhà nội tôi. Cuộc chia tay vội vàng của hai bà cháu tôi không có nước mắt, cũng không có bịn rịn. Tôi không biết trong lòng bà nội tôi lúc ấy ra sao. Riêng tôi, vừa trải qua trận ốm, lại được nhiều người chăm sóc, thăm hỏi, tôi háo hức muốn tìm một “phép lạ”.
Xe vừa chạy vào cổng Làng, đã có bốn, năm cô, chú chạy ra đón. Sau khi làm thủ tục ngắn gọn trên phòng khách, bác Bằng và cô Thu Hải đưa tôi đến nhà mẹ Hiền. Mẹ Hiền đang chuẩn bị bữa ăn tối phải ngừng lại để tiếp đón tôi. Mẹ dắt tôi vào nhà, giới thiệu tôi với các chị, các anh và các em trong nhà của mẹ. Tôi khép nép bên mẹ. Tôi chợt muốn khóc nhưng kịp lấy tay áo chùi nước mắt. Rồi mẹ đưa tôi đi tắm, thay quần áo mới cho tôi và dắt tôi vào bàn ăn. Mặc dù trên bàn ăn dọn rất nhiều món, có những món tôi chưa từng thấy, chưa từng biết bao giờ, nhưng tôi chỉ ăn được một chén cơm rồi thôi. Mẹ Hiền rất tâm lý, dắt tôi ra sau, dạy tôi đánh răng, cho tôi uống nước, rồi cho tôi lên giường. Đêm đầu tiên tôi được nằm trên chiếc giường êm ái, khác với cái giường tre của bà nội tôi, được đắp cái mền len mềm mại, khác với cái mền nối bằng vải vụn của bà nội tôi, vậy mà sao tôi cứ trằn trọc mãi. Đến khi tôi vừa chợp mắt thì lại thấy bà nội tôi đang xách nước ở cầu ao. Tôi dợm bước xuống cầu ao để giúp bà thì mới biết mình nằm mơ. Đến lúc này tôi mới tự trách mình sao bỏ bà nội tôi một mình! Tôi thao thức cho đến gần sáng mới ngủ được.
Mới đó mà đã tám năm rồi! Hiện tại , tôi đang học lớp mười. So với tuổi các bạn cùng trang lứa, tôi đi học trễ mất hai năm. Nhưng nếu nhìn kỹ lại những hoàn cảnh tương tự như tôi, tôi thấy mình có nhiều diễm phúc. Tôi đã có một gia đình lớn là Làng. Tôi có người mẹ nuôi thương yêu và hiểu tôi. Tôi có các bác, các cô, các dì luôn quan tâm động viên tôi học tập. Tôi chịu ơn họ rất lớn, nên tôi phải cố gắng học để đổi thay số phận. Nhất là, tôi muốn học giỏi, làm bác sĩ để chữa bệnh cho bà nội và ông nội tôi. Trong gia đình nhỏ này, trên tôi có hai chị đã tốt nghiệp lớp mười hai và đang đi học nghề trên Thành phố. Kế tôi, có anh Thiện, một ông anh cộc tính nhưng rất sẵn lòng gánh vác việc nặng nhọc trong gia đình. Năm nay, anh lên lớp mười một và đã chuyển sang ở Lưu xá thanh niên. Dưới tôi, có sáu đứa em, mà đứa nhỏ nhất chỉ mới hai tuổi, chưa biết nói. Bây giờ, trong gia đình này tôi đương nhiên là chị, nên tôi lại càng phải nêu gương tốt cho các em.
Sáng nay, một buổi sáng chủ nhật đẹp trời. Nắng sớm trải vàng trên mấy luống cải của mẹ Hiền trồng. Tôi phụ giúp mẹ tưới nước. Hai đứa em trai kế tôi đang giúp mẹ nhổ cỏ. Mấy em nhỏ chạy giỡn trong sân trước… Gia đình tôi cũng đang vui vẻ, hạnh phúc đấy chứ! Từ trên loa phát thanh, giọng hát quen thuộc của cô ca sĩ tuổi “teen” vang lên: “Tôi đang mơ giấc mộng dài, đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh…


Sunday October 28, 2007 - 12:51am (ICT)
MỘT NGÀY NHƯ MỌI NGÀY.

Những ngày đầu tiên khi tôi được nghỉ hưu, ai gặp tôi cũng hỏi: "Nghỉ dạy ở nhà có buồn không?". Trời ơi! Sao mà khó quá! Nếu nói "Được nghỉ ở không, sướng gần chết! Có gì đâu mà buồn!". Chắc chắn sẽ có người bỉu môi, nghĩ trong bụng: "Bả nói vậy là chẳng yêu nghề chút nào!". Nếu nói: "Buồn sao không!". Chắc cũng sẽ có người nghĩ thầm: "Bả nói xạo! Nghỉ hưu khỏe thấy mồ! Buồn cái nỗi gì!". Thật là "chín người, mười ý"! Phải ở trong cùng một tâm trạng mới có sự đồng cảm được.
Tôi đã chọn nghề "gõ đầu trẻ" một cách tự nhiên, như người ta phải ăn cơm, phải uống nước, phải sống... Khi bước vào kỳ thi oral để hoàn chỉnh khóa thi tuyển vào trường Đại học Sư phạm Sài Gòn năm 1972, tuy chưa niêm yết kết quả, tôi đã biết tôi thi đậu rồi. Ông giáo sư trực tiếp vấn đáp tôi (sau này khi vào học, tôi mới biết là giáo sư Lê Hữu Mục, một vị giáo sư dạy Hán Nôm đáng kính và cũng rất khó tính) bảo tôi cầm giẻ lau bảng và đề thứ lên bảng. Cái gì chứ lau bảng, đề thứ, chép bài lên bảng là "nghề" của tôi. Ngay từ lúc học lớp năm (theo cách gọi bây giờ là lớp một), tôi đã được ông ngoại tôi rèn chữ viết. Mỗi ngày, dù ngày đi học hay ngày nghỉ, tôi đều phải tập viết hai trang. Nếu không có ông ngoại kềm cặp, tôi cũng vẫn tự giác lấy tập ra viết đúng hai trang rồi mới đi chơi. Vì thế, khi lên lớp tư, lớp ba...tôi đã "sở hữu" một chữ viết chuẩn mực và trở thành "thư ký riêng" cho các thầy, cô giáo dạy lớp của tôi học. Nhiệm vụ của tôi mỗi ngày là đến lớp sớm hơn các bạn để chép bài lên bảng dùm thầy, cô. Hai chiếc bảng quay trong lớp đều được tôi chép kín bài trước khi trống trường vào học. Khi thì Tập đọc, khi thì Khoa học thường thức, khi thì Đức dục... Vậy đó, hết bậc Tiểu học thì tôi cũng bị "ghiền" chép bài lên bảng hồi nào tôi cũng không biết.
Tôi còn nhớ, sau khi tôi làm xong yêu cầu của giáo sư vấn đáp, ông nhìn tôi gật gù ra vẻ hài lòng. Ông còn hỏi tôi vài câu gì nữa đó, bây giờ tôi không còn nhớ, nhưng tôi rất tự tin và mạnh dạn trả lời không một chút vấp váp. Mọi người dự thi lúc ấy nhìn tôi có vẻ ganh tỵ, cho rằng tôi may mắn quá! Thế là tôi hiên ngang bước vào trường Đại học sư phạm một cách dễ dàng. Thời gian học sư phạm Việt Hán trôi qua cũng nhanh chóng và đầy thuận lợi, chứ không vất vả như thời trung học (bởi tôi rất dốt môn Toán, nhất là Hình học không gian). Qua được "cái ải" trung học, tôi thấy mình phơi phới với ngành học văn chương chữ nghĩa. Thích nhất là lúc được giáo sư Nguyễn Hòa Lạc hướng dẫn đi thực tập. Giờ nào lên lớp, tôi cũng thành công. Thầy lúc nào cũng đánh giá cao giờ dạy của tôi. Dường như tôi sinh ra để đi dạy học vậy!
Tốt nghiệp Đại học sư phạm, tôi được dạy ở một trường huyện mà lâu nay chưa có giáo viên cấp ba (tức bậc trung học phổ thông bây giờ). Một giáo viên mới ra trường, tôi vừa dạy văn lớp sáu và lớp mười, vừa dạy Tiếng Pháp lớp sáu. Do trường còn thiếu giáo viên, Ban điều hành phân công nhiệm vụ nào, tôi cũng nhận. Tôi vừa học, vừa dạy, 30 tiết một tuần, không biết mệt. Mỗi năm học, tôi được "lên lớp" theo học trò, nên chỉ sau hai năm, tôi đã lên lớp mười hai và được đi chấm thi tốt nghiệp, đi chấm thi tuyển học sinh giỏi văn cấp tỉnh. Bởi vậy, chỉ đi dạy ba năm, tôi thấy mình trưởng thành. Dạy năm năm trường huyện, tôi được thuyên chuyển về Thị xã, dạy trường tỉnh. Tôi cũng không ngần ngại khi được Sở giáo dục giao nhiệm vụ dạy minh họa cho "Báo cáo chuyên đề Giảng dạy thơ văn Hồ Chủ tịch". Sau mỗi lần cọ xát với những công tác khó khăn như vậy, tôi đã phấn đấu hết sức mình, đồng thời cũng đem đến cho tôi niềm đam mê giảng dạy. Trong cuộc đời của một nhà giáo, tôi đã học được nhiều ở những thầy cô và đồng nghiệp đi trước cũng như các bạn trẻ. Cứ thế, mà tôi trải qua ba mươi mốt năm trong nghề lúc nào không hay. Tôi đã sống cùng với tiếng kẻng báo giờ vào học, tiếng cười đùa của học trò, những âm thanh rất riêng của môi trường giáo dục. Tôi đã sống cùng những lo toan của đồng nghiệp, cùng những trăn trở trong chuyên môn. Tôi đã sống cùng những đa đoan cuộc đời của các em học sinh tôi chủ nhiệm hay chỉ là học sinh tôi dạy... Tất cả đã gắn với tôi, là một phần cuộc đời của tôi đó...
Thế mà bây giờ tôi phải từ giã những gì là của tôi hơn ba chục năm. Tôi bắt đầu một thời khóa biểu khác, không phải là "một ngày như mọi ngày". Làm sao tôi không buồn cho được! Phải không?
comments:

tien
Wednesday October 31, 2007 - 03:34pm (KST)
Ma thi'k "chep bai len bang gium thay co",
hi' hi', hen chi ma' tro thanh co giao.
Con viet chu xau hoac, hen chi bi gio con go~ keyboard khong, hi' hi'.
Thuong chuc ma mot ngay that vui ve.
Ma ke them nhieu ky niem khac nua nha!
thuylovely
Friday November 23, 2007 - 10:18pm (ICT)
Cô ơi, không phải dường như,
mà chính xác là cô sinh ra để làm giáo viên đó mà...
cô ơi, bắt đầu:" một ngày không như mọi ngày"
chắc là sẽ khó khăn cô nhỉ,
nhưng sẽ nhanh chóng có được niềm vui khác thôi mà,
phải không cô?
và con biết rằng cô là người giáo viên hạnh phúc nhất
vì lớp lớp học trò luôn nhớ về cô
với những tình cảm yêu thương và trìu mến nhất, phải kh6ng cô!!!,
Thursday October 25, 2007 - 01:01am (ICT)

MILOU


Lâu lắm rồi mình không nuôi chó nữa. Mặc dù ở nhà vườn, nuôi chó để giữ vườn, giữ nhà là một nhu cầu có thật. Mình không nuôi chó nữa vì mình thương con vật có tiếng là trung thành lại luôn luôn bị rình rập bắt trộm hoặc bị đánh thuốc. Rồi vì một lí do thật ngộ nghĩnh, hiện tại mình đang nuôi một con chó.
Thằng con rễ tương lai của mình rất yêu chó, mèo. Nói chung là yêu những con vật nuôi trong nhà. Cả nhà đang ăn cơm. Một con mèo xuất hiện dưới gầm bàn. Thế nào nó cũng dừng đũa, thò tay túm lấy con mèo đặt gọn vào lòng nó. Lắm lúc con gái mình cằn nhằn vì sợ lông mèo bay vào cơm canh, nhưng rồi cũng đành chào thua vì cái sở thích đáng yêu của thằng nhỏ. Thấy nhà nó không có chó, mèo, nó bèn mua một lúc hai con mèo và một con chó. Con chó được đặt cho một cái tên hết sức quý phái: Traixcôpxki, tự là Ki. Đó là một con chó cái, có bộ lông lốm đốm bạc và một bộ mặt thật hiền lành. Những ngày đầu tiên ở nhà nó, con chó rất thân thiện với hai chú mèo con, như thể là cùng chung giống loài. Nếu ai đã từng biết câu thành ngữ dân gian "Như chó với mèo" và suy nghĩ rằng chó mèo không thể chung sống hòa bình, thì chắc chắn sẽ cho rằng ông bà xưa đã sai lầm. Thật đáng tiếc cho sự sống chung ấy chỉ được hơn mười ngày thì hai chú mèo con xinh xắn ra đi. Chúng không chịu đựng nổi cái lạnh của những trận mưa áp thấp nhiệt đới. Vắng hai chú mèo, Ki mất hẳn sự linh hoạt, vui vẻ của những ngày đầu mới về. Ki buồn và không còn ngoan như trước. Vậy là một chuyến đi về quê, chuyển chỗ ở cho Ki. Đó là cái lí do ngộ nghĩnh mà mình đã nói ở trên.
Về nhà mình, việc đầu tiên là ông xã mình đặt lại tên cho Ki. Nhìn bộ dạng nó rất giống với con chó của Tintin, một nhân vật trong truyện tranh của Pháp, ông xã mình đặt cho nó cái tên Milou. Milou cũng nhanh chóng thích nghi với "nhà mới". Mình không thích con chó bị xích, bị cột một chỗ. Và Milou cũng rất thích được tự do chạy tung tăng mọi chỗ, từ trong nhà ra đến ngoài vườn, như một cách để xác định địa bàn hoạt động của loài chó. Milou rất hiền và rất nhút nhát. Nhà mình có đến bốn con mèo già. Thấy có con vật lạ, bốn con mèo thi nhau "bắt nạt" Milou. Milou nép mình vào bên chân tôi như tìm sự che chở. Rồi chỉ một hôm sau, chó mèo lại thân thiện như đã từng thân thiện. Thậm chí, Milou có phần nào nể nang đám mèo đông đúc luôn ở trên cao, ở "thế thượng phong"!
Milou, con chó cái hiền hậu và nhút nhát! Hy vọng mi sẽ không bị cùng chung số phận của những Misa, School, Pino, Mina, Mino...

Tuesday October 23, 2007 - 08:47pm (ICT)

Hình như là...



Mới sáng, trời đã mưa rồi! Cơn mưa dường như không hề báo trước. Không một vệt mây xám. Không khí cũng không se lạnh như mỗi lúc trời sắp đổ cơn mưa. Trời vừa hửng chút nắng nhẹ đã vội chuyển sang âm u. Vậy rồi mưa.
Mới đầu, mưa bụi lất phất một màng mỏng. Rồi mưa nặng hạt dần. Nhưng những hạt nước mưa chưa kịp chảy thành dòng, mưa bỗng dứt. Nắng bỗng vén màn lên. Bầu trời quang đãng như chưa từng mưa. Không khí trong trẻo của buổi sáng trở lại. Không lâu, nắng lại tắt. Mây xám đã giăng ngang thành hàng trước mặt. Gió càng lúc càng nhiều. Hơi lạnh phả vào người cho ta cảm giác gây gây lành lạnh. Và mưa thực sự đã đan kín không gian.
Hình như trời sắp sang mùa. Hình như mùa mưa sắp giã từ. Chỉ còn đây một vài cơn mưa cuối. Cơn mưa dường như không hề báo trước...

Không có nhận xét nào: