Thứ Hai, 21 tháng 3, 2011

5. MỘT CHÚT NGẬM NGÙI TRÊN PHỐ TÀU (CHINA TOWN)

Khi ba mẹ con đã bước xuống xe buýt rồi, con gái tôi mới nhận ra đã tính sai đường đi. Từ trạm xe này, còn phải đi vòng qua lại cả mấy khu phố nữa mới có thể đến China Town. Mặc dù có hơi mỏi chân, nhưng nhờ khúc đường vòng qua lại này tôi mới có dịp nhìn tận mắt đời sống của cư dân ở đây.
Qua mấy dãy phố hơi thấp và cũ kỹ, thoạt nhìn tôi cứ tưởng mình đang đi giữa khu phố mua bán ở Chợ Lớn (Quận 5, Sài Gòn). Cũng những cửa hàng bán thuốc bắc, cửa hàng bán dụng cụ y tế, cửa hàng bán quần áo may sẵn, cửa hàng bán giày dép, tiệm bánh, quán trà, quán ăn… nhưng hơi khác với Chợ Lớn, các cửa hàng ở đây không chiếm dụng lề đường. Trên lề đường, người đi bộ khá đông. Từng tốp ba, tốp năm vừa đi vừa chuyện trò vui vẻ. Hòa trong dòng người đó, ba mẹ con tôi cũng vừa đi vừa cười nói huyên thuyên (bao giờ cũng vậy, con gái út liến thoắng, nói không ngừng, đủ thứ “đề tài”). Ở đây, cư dân rất đa dạng, vừa có người Trung Hoa, vừa có người Ấn Độ, vừa có người Mã Lai… Qua cách ăn mặc, ta có thể nhận biết họ. Tuy nhiên, không ai để ý dòm ngó ai hết. Mọi người cứ thản nhiên đi trên đường theo lề trái, đúng theo luật đi đường ở Sin.

Gần đến ngã tư đường, trước một tiệm buôn lớn, bảng hiệu đèn nê ông rực sáng, xung quanh nhấp nháy ánh đèn màu li ti như những vì sao lạc. Đó là một cửa hàng thời trang hiện đại. Chiếc tủ kính chiếm một vị trí quan trọng trước mặt tiền. Bên trong tủ kính, hai “cô mannequin” trong hai bộ trang phục dạ hội đỏ rực, ánh lên những hạt kim sa thêu rồng phụng đính trên ngực áo, thật sang trọng! Một vài ông cụ người Trung Hoa đang ngồi xổm, quay lưng vào cửa hàng, chăm chú với cái nhìn đăm đắm. Trên lề đường là hai nghệ nhân đang “hành nghề”: Người đàn ông vóc dáng tầm thước, giống như một nghệ sĩ về chiều, có lẽ ngoài 60 tuổi, mặc chiếc áo khoác màu đen, hơi nhàu, cổ đứng, hàng nút thắt ở giữa dọc thân áo hơi xô lệch, đang nhắm nghiền đôi mắt thả hồn theo âm thanh thê thiết phát ra từ chiếc kèn rất đặc trưng của cổ nhạc Trung Hoa. Người phụ nữ còn trẻ hơn nhưng có lẽ cũng ngoài 50, “mặt hoa da phấn” trang điểm giống như các vai chính kịch của Trung Hoa. Bộ trang phục sặc sỡ, đính nhiều hạt kim sa lấp lánh nhưng không giấu được cái vẻ cũ kỹ, cùng với cái mũ kềnh càng cũng đính đầy hạt ngọc trai giả, trông diêm dúa, kệch cỡm. Bà ta cũng đang đắm mình hóa thân vào vai một nhân vật nào đó trong một tuồng tích cổ. Phía trước họ, chiếc nón bằng nan tre đang lật ngửa trên lòng lề đường, bên trong nón lấp lánh những đồng tiền xu của ai đó đặt vào tự bao giờ.

Hai đứa trẻ thấy tôi có ‎ý muốn xem nên cũng dừng lại. Không hiểu sao tôi lại xúc động, ngậm ngùi! Giữa khu phố sầm uất, phồn hoa đô hội, hiện đại nhất nhì khu vực Đông Nam Á, hai con người già nua tuổi tác đang vắt kiệt sức mình để kiếm sống trên hè phố về đêm. Sự tương phản giữa không gian rực rỡ ánh đèn màu của chốn ăn chơi xa xỉ, người qua kẻ lại tấp nập (nhưng rất ít người dừng lại) với điệu kèn thê thiết hòa cùng giọng hát khàn đục lạc lỏng của hai nghệ nhân đường phố đem lại cho tôi một cảm giác nhoi nhói nơi trái tim mình. Không hiểu được ý nghĩa lời hát, không rành tuồng tích cổ Trung Hoa, nhưng tôi chừng như cảm nhận trong tiếng nấc nghèn nghẹn của giọng hát và những âm thanh đứt đoạn rã rời của điệu kèn (biết có phải!?) là nỗi lòng của nàng Dương Quý Phi ở Mã Ngôi!
Dòng người đi mỗi lúc một đông hơn, không khí rộn rịp càng lúc càng nóng hơn, nhưng hình như chốn này thuộc về một thế giới khác. Thỉnh thoảng, điệu nhạc rock từ một quán giải khát gần đấy gầm gừ vọng lại tạo thành một âm thanh hỗn tạp, ngỡ ngàng. Một làn gió mát thoáng qua không biết có làm mát lòng đôi vợ chồng nghệ sĩ về chiều? Chuyến tham quan chiều chủ nhật khép lại để lại trong lòng tôi biết bao niềm trắc ẩn sâu xa!

Không có nhận xét nào: