Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

Ấn tượng đầu tiên về Xứ Phật



Từ sân bay Suvarnabhumi – Thái Lan, chúng tôi đến sân bay Kolkata - Ấn Độ đúng 19:30. Ấn tượng đầu tiên khi vừa đặt chân đến sân bay Kolkata là cái không khí ồn ào, hỗn tạp “quen thuộc” thường thấy ở một bến xe, hay một nhà ga ở Việt Nam. Các gian phòng làm việc ở đây thiếu sự thông thoáng, những ngọn đèn điện tỏa thứ ánh sáng vàng hoạch, khiến ta có cảm giác mọi thứ đều nhuộm một màu xin xỉn, cũ kỹ và có chút gì đó dơ bẩn! Các nhân viên làm việc đều là nam giới. Họ mặc Âu phục rất giản dị: có người mặc áo sơ mi trắng hoặc màu, có người mặc áo sơ mi kẻ sọc, không phải đồng phục như ta thường gặp. Quan sát khung cảnh chung quanh, tôi không khỏi có ý nghĩ so sánh nơi này với nơi tôi vừa rời khỏi và tưởng tượng đến những điểm “tham quan” còn ở phía trước, tôi có chút băn khoăn!


Sau hơn 2 tiếng đồng hồ làm thủ tục nhập cảnh cho đoàn gồm 72 người, 22:00 chúng tôi mới bắt đầu lên xe ca để đến điểm tham quan đầu tiên là Bồ Đề Đạo Tràng (Bodha Gaya). Mặc dù anh nhà tôi đã search trên Google map để giới thiệu trước cho tôi các địa điểm sắp đến, biết trước đoạn đường từ Kolkata đến Bồ Đề Đạo Tràng dài gần 500km, nhưng tôi vẫn không khỏi hồi hộp trên mỗi chặng đường. Sau khi mọi người đã yên vị trên xe, khoảng 20 phút sau, dù xe lắc tới lắc lui nghiêng ngã, ai nấy đều ngoẻo đầu ngủ ngon lành! Tôi không cảm thấy buồn ngủ, nhưng khi phải căng mắt ra để nhìn chung quanh mình, nhìn ra ngoài cửa xe, toàn là bóng tối, tôi chợp mắt lúc nào không biết. Tôi giật mình thức giấc khi văng vẳng bên tai giọng của một người phụ nữ miền Bắc chì chiết, mạt sát ai đó. Tiếp theo, giọng một người phụ nữ miền Nam càu nhàu phân bua, như muốn tìm người cùng “phe cánh” với mình. Mọi người, cũng giống như tôi, lục tục thức giấc. Lắng nghe hai bên đôi co, cãi cọ giây lát, mọi người bèn hiểu chuyện. Chị người miền Bắc ngồi hàng ghế trên, ngã lưng ghế ra phía sau để ngủ, không ngờ cái chốt giữ cho lưng ghế cố định bị lờn, lưng ghế ngã hẳn ra sau, đè lên bắp đùi của chị miền Nam đang ngồi ở đấy. (À, thì ra, chiếc xe đưa chúng tôi đi là loại xe cũ, băng ghế đã hỏng hóc, có lẽ giông giống tình hình xe cộ ở Việt Nam thập niên 80 của thế kỉ trước.) Lỗi không thuộc về ai, nhưng cả hai đều không tìm được giải pháp nào có lợi cho mình nên to tiếng để nhờ tập thể phân xử. Một giọng nói trầm trầm, điềm tĩnh, khuyên can: Thôi, mỗi người chịu khó nhường nhịn một chút đi, đi hành hương chứ có phải đi du lịch đâu mà đòi tiện nghi! Một chị ngồi hàng ghế trước mặt tôi xung phong đổi chỗ ngồi cho chị miền Nam để hai bên không cãi cọ nữa. Tôi trộm nghĩ: Toàn là “bạn lữ” với nhau cả mà vẫn còn sân si như vậy đó! Nếu không phải “bạn lữ” với nhau, không biết ra sao à nghen! Bầu không khí trong xe được thanh tịnh trở lại, mọi người lại tiếp tục giấc ngủ dang dở. Tôi chợt tỉnh giấc lần thứ hai khi chiếc xe dừng lại trước một motel bên cạnh một cây xăng dọc đường. Không có đèn đường. Chỉ có ánh sáng yếu ớt từ cây xăng dọi ra và ánh sáng của vài ngọn đèn vàng khè trong motel hắt lại. Sư Cô trưởng đoàn thông báo cho mọi người đi vệ sinh và để “ban hậu cần” nấu mì gói phục vụ cho tập thể. Ai đói bụng, có thể dùng mì gói “không trả tiền” (free). Tôi nhìn đồng hồ trong chiếc điện thoại di động, bây giờ đã 2 giờ sáng. Vậy là chúng tôi đã ngồi trên xe suốt 4 tiếng đồng hồ rồi đó. Mọi người lục tục xuống xe, tìm chỗ đi vệ sinh. Quả thật là mỗi người phải tìm chỗ riêng mà “xả nước cứu thân” chứ ở đây không có nhà vệ sinh công cộng! Ngay lúc này tôi chợt nhớ những cây xăng dọc đường ở xứ mình thường thường có khu vực vệ sinh riêng cho nam nữ. Tôi còn nhớ trong câu chuyện văn hóa trên báo chí nước mình thỉnh thoảng cũng đề cập đến vấn đề xây dựng nhà vệ sinh công cộng ở những nơi chợ búa, thị tứ, công viên… Nhiều ý kiến cho rằng dân mình chưa ý thức giữ vệ sinh nơi công cộng như các nước tiên tiến, còn có người đứng đái đường nên trên tường của một khu trường học hoặc một cơ quan, dinh thự nào đó vẫn phải viết lên tường hàng chữ thiếu thẩm mỹ: Cấm đái! Bây giờ, trên đường đi đến xứ Phật, tôi gặp phải một chuyện bất ngờ và gây phản cảm như vậy, tôi không khỏi ái ngại! Thì ra, xứ mình vẫn có chút ít tiến bộ hơn nơi này! Đoàn hành hương lại tiếp tục lên đường. Trên con đường thiên lý, bóng tối vẫn bao trùm vạn vật. Dường như chúng tôi đang vượt qua những cánh rừng bạt ngàn, không bóng dáng của nhà cửa, không một ngọn đèn đường. Thỉnh thoảng, một chiếc xe chạy ngược chiều pha ngọn đèn quá sáng, tôi mới thấy được cảnh vật hai bên đường trong ánh đèn lấp loáng. Rất nhiều xe tải và xe container đậu dọc hai bên lề đường, dường như tài xế và người áp tải hàng dừng lại để nghỉ qua đêm! Chiếc xe đưa chúng tôi đi vẫn gầm gừ vượt qua những chặng đường một cách mỏi mệt. Hơi lạnh của trời đêm gay gay trên da thịt. Tôi lấy trong túi xách chiếc áo khoác, nhẹ nhàng choàng qua vai và tiếp tục ngủ gà gật trong âm thanh rền rỉ của tiếng máy xe “quá date”! Chiếc xe thắng gấp. Tiếng siết của vỏ xe trên mặt đường ê cả óc! Cả người tôi bị dồn đẩy về phía trước khiến tôi giật mình tỉnh dậy. Có tiếng càu nhàu đâu đó trong xe, không phải một mà nhiều tiếng xen lẫn nhau. Rồi tiếng nói của một người nam (có lẽ là Thượng tọa Giác Tùng): Chắc tới chỗ rồi đó! Tôi nhìn ra phía ngoài cửa xe, không gian vẫn âm âm u u, đẫm sương đêm lạnh lẽo. Dưới ánh sáng vàng khè của ngọn đèn đường, hai dãy nhà hai bên phố cửa đóng im ỉm. Trước mặt tiền, nhà nào cũng có gắn bảng hiệu, có bảng toàn chữ Ấn Độ (không biết có phải!), cũng có bảng kèm theo một vài tiếng Anh “Hotel”, “Motel”. Tôi nhận ra đây là dãy nhà nghỉ hoặc khách sạn gì đây! Nhưng hình ảnh đập vào mắt tôi là một thanh niên khuyết tật, râu tóc xạc xờ , áo sống tả tơi, hai chân bị teo nhỏ, đang bơi thật nhanh thật nhanh bằng hai cánh tay khẳng khiu, bám sát theo xe. Tôi không thể ngờ được sức mạnh của đôi cánh tay gầy guộc và còng queo đó có thể nâng bổng thân người và kéo theo hai chân bất động để đuổi theo kịp chiếc xe đang chạy! Không thể kìm nén được, nước mắt của tôi tự nhiên tuôn trào ra. Một dấu hỏi to tướng trong đầu tôi. Tôi chưa kịp nghĩ ra chuyện gì, thì từ trong ngõ khuất kia xuất hiện hai chiếc xe đạp ba bánh, có đóng thùng để ngồi, được cải tạo để dành riêng cho người khuyết tật hai chân, dùng tay để quay trục pê đan. Trên một xe có chở theo một người phụ nữ và hai đứa bé gầy gò, rách rưới như nhau. Có vẻ đây là một gia đình(?). Bên lề đường kia, hai bóng áo nâu đỏ, một bé, một lớn, đầu trọc, tay ôm bình bát, cũng vội vã chạy đến đứng gần chỗ xe đang dừng. Rồi một đám trẻ em, ăn mặc rách rưới, trên tay mỗi em là một ôm bông súng đỏ, ra vẻ như đang mời mọc. Sau ít phút dừng lại để hỏi thăm đường, chiếc xe bẻ cong đánh một cua vòng quẹo sang hướng khác. Cả đám người lếch thếch kia đang chầu chực vụt chạy theo hướng xe đang quẹo, lại tiếp tục cuộc đeo bám. Xe dừng hẳn. Mọi người trong xe đều tỉnh thức để chuẩn bị xuống xe. Tuy mặt trời chưa ló dạng, nhưng dường như sinh hoạt ở đây diễn ra không kể đêm hay ngày. Các chú bé ôm hoa tiến sát cửa xe mời mọc, một chú giơ 3 ngón tay ra dấu rồi chỉ vào mớ hoa súng đang ôm trước ngực. Một vài em biết bập bẹ dăm câu tiếng Anh “Hello! Hello!...” vừa ngô nghê vừa liến thoắng cười xã giao để mong bán được hàng. Bất giác tôi nhớ đến những em bé Việt Nam đeo bám khách Tây để chào mời mua bưu ảnh trên lề đường Đề Thám, đường Phạm Ngũ Lão…(Quận 1, Sàigòn) mà đôi lần tôi bắt gặp trên đường. Hóa ra, ở nơi nào trên trái đất này, con người cũng đáng thương như nhau! Tôi đang đi đến xứ Phật để lần tìm dấu tích của Vị Thầy Toàn Giác mà lâu nay tôi kính ngưỡng và thiết tha tu học đạo của Ngài. Và sáng tinh mơ hôm nay, ngay khi vừa đến Bồ Đề Đạo Tràng, chứng kiến những cảnh khổ của kiếp nhân sinh hiện tại, tôi hiểu được phần nào tâm trạng của Thái Tử Tất Đạt Đa xưa kia, “Chúng sanh từ đâu đến cõi đời ô trược này để chịu nhiều điều đau khổ”! Để rồi khi Bồ Tát Sĩ Đạt Đa thành Phật, tự chứng ngộ tam minh lục thông, Đức Phật mới dạy rằng: “Chúng sanh vô minh tạo nghiệp mà luôn trôi lăn mãi trong luân hồi lục đạo, vô cùng đau khổ”. Vì vậy, Đức Phật ví cuộc đời là biển khổ, và từ vô thỉ kiếp đến nay, nước mắt chúng sanh đã tuôn rơi vì đau khổ còn nhiều hơn nước của bốn đại dương! Thế nhưng, cuộc đời này có mấy ai ý thức được điều này để dừng lại, để đi tìm nguồn hạnh phúc chân thật trong kiếp nhân sinh này!

1 nhận xét:

Gà ròm nói...

Má ơi Má kể tiếp nữa đi. Má kể chuyện sinh động quá hà, con có cảm giác giống như chuyện xảy ra trước mắt vậy. Cuộc sống ở Ấn còn nhiều cơ cực quá, đúng là có thấy rồi mới dám tin là sự thật!