Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

6. ẤN TƯỢNG SENTOSA.

Theo tiếng Mã Lai, Sentosa có nghĩa là thanh bình và yên tĩnh. Từ một làng chài của ngư dân Singapore, năm 1972, Sentosa được cải tạo thành một khu giải trí và đảo nghỉ mát ở Singapore. Diện tích của đảo khoảng 5 km vuông với bờ biển dài hơn 2 km. Đảo Sentosa là đảo lớn thứ tư của Singapore, cách bờ biển phía nam của bán đảo Sin độ 0,5 km và được mệnh danh là thiên đường du lịch. Qua những tờ bướm tiếp thị du lịch Singapore, con gái út giới thiệu cho tôi một điểm tham quan thú vị khác của Sin: đảo Sentosa.
Tôi cùng con gái út đến Sentosa vào một buổi chiều nắng nhạt. Không khí mát mẻ thật lý tưởng cho một chuyến đi dạo trên đảo. Hai mẹ con vừa bước qua cổng soát vé, chưa kịp trèo lên xe điện di chuyển vào bên trong thì trời đổ một trận mưa rào. Con gái vừa giương dù lên thì mưa đã dứt hột. Singapore chợt mưa chợt nắng, không biết lòng người có chợt nắng chợt mưa? Con gái càu nhàu…

Với tôi, ấn tượng đầu tiên về Sentosa là bàn tay con người đã thay tạo hóa để sắp đặt nhiều công trình từ rừng cây, núi đồi cho đến bãi biển…
Rừng cây, núi đồi được thiết kế, sắp đặt, cắt tỉa rất nghệ thuật. Tượng đài sư tử biển, biểu tượng của du lịch đảo quốc Singapore, vươn cao như thách thức gió biển và mây trời. Những tia nước phun đặc sắc từ các vòi của một con quái vật khổng lồ đắp bằng xi măng được trang trí với nhiều màu sắc nổi bật khiến cho khu công viên Merlion Walk này trở thành điểm dừng chân lâu nhất, đặc biệt là thu hút du khách “nhí”. Đến nơi đây, chúng ta có cảm giác được trút bỏ hết mọi ưu tư khi nhìn bọn trẻ con cũng như đám thanh niên hay những đôi tình nhân lao xao lượn lờ bên những vòi nước theo chu kỳ thoắt phun trào thoắt ngưng nghỉ như đùa cợt, như chơi trò trốn tìm cùng con người. Con gái út của tôi được thừa hưởng cái gene khoa học kỹ thuật của bố nên ngồi yên quan sát thật lâu và đếm từng giây ngừng nghỉ của mỗi vòi nước rồi chép miệng: Lập trình sao mà hay quá vậy ta! Còn tôi, tôi chỉ ghi nhận bằng cảm tính hoàn toàn: Sức lực và trí tuệ con người quá tuyệt vời!
Bãi biển ở đây tuy không rộng và dài bằng bãi trước, bãi sau của biển Vũng Tàu, cũng không thơ mộng trữ tình như bãi Đại Lãnh (Nha Trang), thậm chí nước biển không trong xanh như biển Hồ Cốc (Bà Rịa – Vũng Tàu), nhưng cách tổ chức, quản lý một khu nghỉ mát ở biển thật tuyệt vời! Ngoài thú vui tắm biển ra, ở đây có rất nhiều dịch vụ hấp dẫn giới trẻ: sân golf, sân bóng chuyền trên bãi cát, xe đạp thể thao trên bãi, ca nô trên biển, trượt pa tanh, trò chơi dù lượn trên không…
Có thể nói, mọi kỳ quan nhìn thấy ở đây chính là thành tựu của khoa học kỹ thuật, của bàn tay và khối óc con người Sin tạo ra. Tôi cảm phục họ, thậm chí ngưỡng mộ trí tuệ siêu việt của họ, cách tổ chức quản lý công trình của họ, nhưng tôi không thích lắm cảnh quan nơi này! Tôi vốn yêu thiên nhiên, thứ thiên nhiên do tạo hóa kỳ công sắp đặt, bởi vậy, trước những kỳ quan nhân tạo, khó hấp dẫn được tôi. Tôi mau chán vì thấy cảnh quan giả tạo: rừng cây thiếu sức sống, thác nước thiếu nhạc trời, núi đá thiếu tự nhiên (do các bậc thềm xi măng giả sơn!)… Dù sao cũng phải “đi cho biết đó biết đây”. Thế là hai mẹ con lại tiếp tục đi khắp hết mọi chỗ, cho đến khi mỏi chân mới đến công viên nhạc nước.
Lần đầu tiên tôi được xem nhạc nước nên khi ngồi trước một sân khấu lộ thiên bãi cát trắng và bờ biển xanh tôi hết sức ngạc nhiên. Chúng tôi chọn hàng ghế ngay trung tâm sân khấu, nhưng không gần lắm vì con gái nói sợ má giật mình khi người ta trình diễn! Tuy có hơi thắc mắc về cái điều con gái nói “sợ má giật mình” nhưng tôi mãi quan sát “dưới” sân khấu nên không hỏi lại (gọi là “dưới” sân khấu vì hàng ghế tự chọn của chúng tôi ở một vị trí cao hơn). Sân khấu được sắp đặt rất đơn giản: trên bãi cát biển, những tảng đá, gộp đá nằm rải rác hệt như trong tự nhiên; sát bờ biển, một dãy nhà sàn bằng tre nứa đơn sơ như một làng chài lưới thật sự. Xa xa, những ráng mây chiều hồng tía nhuộm dần sang màu tím thẫm của một hoàng hôn trĩu nặng hơi nước. Những làn gió mát lạnh từ biển khơi nhẹ nhàng, mơn man, chuyển sang mạnh mẽ, thổi tung cát bụi và một trận mưa rào rào cấp tập. Khán giả dường như quá quen thuộc với thời tiết khí hậu xứ này nên ai cũng giương dù lên tại chỗ chứ không chạy tìm chỗ trú mưa. Thoắt một cái, mưa tạnh. Mọi người xếp dù lại.
19:40, đúng giờ trình diễn, sân khấu nổi nhạc lên, âm thanh của sóng biển, gió biển ầm ào kết hợp với bọt nước tung tóe . Ánh sáng đèn pha, phối hợp với ánh đèn màu từ những dàn đèn đặt sát mặt bãi cát và các gộp đá tạo thành một không gian kỳ ảo. Vở nhạc kịch này có nhan đề: Bài ca của biển (Songs of the sea), bởi vậy nhạc nền và ánh sáng gây cho khán giả một cảm giác đang đứng trước biển cả trùng trùng sóng dữ. Một đoàn vũ công đóng vai những ngư dân lần lượt kéo ra. Họ diễn tả niềm vui của ngư dân sống thanh bình, hoan lạc, làm bạn với đại dương bằng những vũ điệu chài lưới và lời ca khơi dậy sức sống của biển cả mênh mông. Từ lời ca nồng nàn của họ, xuất hiện một nàng công chúa thật xinh đẹp kiều diễm có tên là Amy, bấy lâu nay nàng bị một lời nguyền đắm chìm trong một giấc ngủ sâu tại Thành phố Ngủ Yên. Theo chú cá Oscar từng sống rất lâu trên đại dương này, chỉ có một cách để giải lời nguyền cho công chúa là các ngư dân ở đây phải dùng lời ca tiếng hát thật to, thật thành khẩn. Vì thực lòng muốn cứu Amy thoát khỏi giấc ngủ nghìn năm, những ngư dân đã hát thật to. Giọng hát của họ đã đánh thức nhiều vị thần: Thần Lửa, Nữ Thần Ánh Sáng, Nữ Thần Biển Cả. Các vị Thần đều nhận thấy sức mạnh và quyền năng của mình càng tăng thêm khi giọng hát của những người ngư dân cất lên một cách nhiệt thành. Vì thế, các ngư dân hết sức cố gắng đem giọng hát của mình giải cứu cho tất cả. Câu chuyện về Bài ca của biển không có gì éo le, gay cấn, nhưng sức hấp dẫn của nhạc nước chính ở sự trình diễn tuyệt vời giữa nước và lửa, ánh sáng và âm thanh, sự kết hợp tinh tế giữa cổ tích và công nghệ, giữa truyền thống và hiện đại.
Đặc sắc nhất và tuyệt vời nhất là màn trình diễn cuối cùng. Sau nhiều tiếng pháo nổ thật to (tôi được con gái cảnh báo trước nhưng vẫn không khỏi giật mình), những tràng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời đầy màu sắc. Những vũ điệu ba lê của hàng nghìn vòi nước kết hợp cùng ánh sáng laser tạo nhiều hình ảnh thật sống động, trong ánh sáng đa chiều, hiệu ứng hình ảnh không gian ba chiều cùng với âm nhạc rộn rã vui tươi, sân khấu trở nên hoành tráng, kỳ ảo chưa từng thấy. Cuối cùng, các ngư dân đã xóa được lời nguyền của công chúa Amy, đưa nàng trở lại với cuộc sống trong lời hát thiết tha không dứt: “We did it! We did it!...”. Hàng ngàn, hàng vạn tràng pháo tay góp thêm vào không gian náo nhiệt, kết thúc buổi trình diễn nhạc nước.
Ra về, tôi vẫn mãi vấn vương trong ý nghĩ phải chăng câu chuyện nàng công chúa Amy được giải lời nguyền giấc ngủ ngàn năm là một ẩn dụ thú vị về hòn đảo Sentosa được đánh thức để cống hiến cho du khách vẻ đẹp, vẻ hấp dẫn tiềm tàng của mấy trăm năm chưa được con người khám phá?

Không có nhận xét nào: